Phóng to |
Trước đó, chúng tôi chứng kiến cảnh chị N. từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đi xe đò hơn 50km ra Vinh trả nợ cho em trai. Giọng chị rầu rầu: “Mấy tháng nay bố mẹ tôi liên tiếp nhận giấy báo nợ của một tiệm cầm đồ ở khu vực ĐH Vinh gửi về. Thì ra đứa em trai đang học năm 3 đã cắm xe máy bố mẹ mới mua 16 triệu đồng để vay 5,5 triệu đồng. Đến hạn, nếu không chuộc (lãi suất vay nóng 4%/ngày) họ sẽ thanh lý. Rồi sau đó tiệm cầm đồ lại báo tiếp 50 triệu đồng nữa...”.
Chị N.ngao ngán: “Bác ruột tôi có đứa con đang học năm 4 cũng “cháy” túi vì lô đề. Bác tôi từng mang 40 triệu đồng ra trả, nay họ báo nợ thêm 70 triệu đồng nữa…Gia đình bác đang thế chấp ngôi nhà ở quê vay tiền ngân hàng. Nếu không trước kỳ thi học kỳ, người ta báo nhà trường thì con bác tôi sẽ bị kỷ luật”.
Tại phòng trọ, cậu SV em trai chị N. tỏ vẻ hối hận, thú thật: “Nhiều bạn trong lớp chơi lô đề nên em bị cuốn theo. Càng chơi càng thua nên đánh tiền triệu để mong lấy lại. Nhiều bạn cầm cắm lắm…”. Có lẽ thật như thế khi xung quanh khu vực ĐH Vinh là vô số tiệm cầm đồ. Đoạn đường Bạch Liêu (nơi SV qua lại nhiều nhất) tiệm cầm đồ mọc lên dày đặc, có đoạn cách 10m có một tiệm cầm đồ.
Theo một SV, các chủ tiệm cầm đồ chỉ yêu cầu có một loại giấy tờ tùy thân từ thẻ SV, chứng minh nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp, miễn họ biết tên SV, học lớp nào, quê ở đâu là vay được.
Anh Phan Hồng Soa - phó liên chi hội trưởng (thuộc Hội SV Trường ĐH Vinh) - cho hay: “Nạn SV chơi lô đề có từ nhiều năm nay và đang là vấn nạn rất nóng ở ĐH Vinh. Không ít SV nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhà trường nếu phát hiện SV chơi lô đề là kỷ luật ngay. Năm nào cũng có SV bị kỷ luật. Từ tháng 1-2008 đến nay có 23 SV liên quan đến lô đề bị kỷ luật”. Tuy nhiên, cũng theo anh Soa, chỉ riêng công tác quản lý SV trong trường khó có thể ngăn cản được vấn nạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận