03/08/2023 11:00 GMT+7

Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa song ngành

Thủ khoa một ngành đã khó, thủ khoa song ngành càng khó hơn. Đã vậy, cả hai ngành đều đạt điểm tốt nghiệp xuất sắc thì càng khó bội phần.

Lê Thanh Hải tại lễ tốt nghiệp - Ảnh: NVCC

Lê Thanh Hải tại lễ tốt nghiệp - Ảnh: NVCC

Thế nhưng, Lê Thanh Hải vừa tốt nghiệp thủ khoa song ngành khi đã tốt nghiệp loại xuất sắc đồng thời cả hai ngành kinh doanh quốc tế (9,12/10) và thương mại điện tử (9,02/10). Trong lễ tốt nghiệp tháng 7-2023 vừa qua, Hải cũng là sinh viên thủ khoa toàn trường Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).

4 năm, 2 bằng xuất sắc, 2 danh hiệu thủ khoa

* Khi biết tin mình trở thành thủ khoa song ngành, đặc biệt cả hai đều đạt điểm xuất sắc, Hải cảm thấy thế nào?

- Đầu tiên, mình cảm thấy rất hạnh phúc xen lẫn một chút bất ngờ. Dù đã biết rằng bản thân hoàn tất hai bằng với kết quả khá trọn vẹn, nhưng mình cũng chưa từng nghĩ rằng mình có thể trở thành thủ khoa của trường và thủ khoa của cả hai ngành đang học.

* Cơ duyên nào khiến Hải quyết định học một lúc hai ngành? Rất ít sinh viên theo đuổi song ngành...

- Thật ra khi bắt đầu là sinh viên năm nhất, định hướng của mình không phải theo đuổi con đường song ngành mà mình chỉ mong có thể tốt nghiệp ngành chính - kinh doanh quốc tế - một cách nhanh nhất. Vì thế, hết năm đầu, mình hoàn thành hơn 50 tín chỉ. Theo tiến độ đó, chỉ tầm 2,5 đến 3 năm là mình sẽ có thể tốt nghiệp trước hạn.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đến cản trở việc đến trường. Lúc đó, mình lại nghĩ nếu như mình vẫn cố gắng tốt nghiệp sớm thì có vẻ như khoảng thời gian sinh viên sẽ trôi qua rất vội vàng và mờ nhạt.

Vậy là mình quyết định đăng ký thêm một ngành thứ hai - thương mại điện tử - để kéo dài thời gian học, vẫn có 4 năm học tập cùng bè bạn, và đến ngày tốt nghiệp lại có thêm một chuyên ngành nữa để tăng lợi thế cạnh tranh.

* Con đường học song ngành của Hải chắc hẳn rất gian truân?

- Khó khăn lớn nhất của mình là sắp xếp thời gian và kế hoạch học tập trong từng học kỳ. Vì hai ngành của hai khoa riêng biệt, các môn học chuyên sâu cũng sẽ được mở theo thời khóa biểu của từng khoa, nên việc có những môn học bị trùng lịch học là điều không thể tránh khỏi.

Học theo lộ trình "chuẩn" là điều không thể đối với mình. Trái lại, mình phải lên một kế hoạch học tập riêng, cân nhắc xem từng học kỳ sẽ học bao nhiêu môn, môn nào ưu tiên học trước, môn nào chấp nhận học chậm. Để mình hoàn thành đầy đủ tất cả các tín chỉ vào đúng 8 học kỳ, có môn mình phải học vượt, có môn phải học bù. Điều này nhằm tránh việc trùng lịch học giữa các môn và tránh việc có những học kỳ mà số môn học vượt quá khả năng.

* Hải có bí quyết nào để vượt qua những trở ngại ấy?

- Mình cố gắng tiếp thu tối đa kiến thức của từng môn học ở trên lớp, đặc biệt là phần lý thuyết, để khi về nhà có thể tối giản thời gian "học lại" và dành thời gian nhiều hơn để đầu tư cho các đồ án nhóm, bài tập ứng dụng hoặc có thể dành thời gian cho bản thân, học ngoại ngữ, vui chơi cùng bạn bè. 

Ít dành thời gian để "học lại" khi về nhà, nhưng mình lại rất đầu tư cho các đồ án, dự án trong từng môn học. Để tiết kiệm thời gian, đôi khi mình sẽ cố gắng liên kết các đồ án nhóm để có thể sử dụng cho nhiều môn học cùng lúc, hạn chế việc phân tán nguồn lực.

Hầu như tất cả các ngôn ngữ mình đều tự học tại nhà kể từ khi lên đại học. Xuất phát điểm ở mỗi ngôn ngữ đều là ngữ pháp và từ vựng, để có kiến thức nền tảng, mình sẽ mua các giáo trình chất lượng được giới thiệu bởi những người đi trước và học theo tốc độ mà bản thân cảm thấy phù hợp.
Lê Thanh Hải

Chinh phục 4 ngoại ngữ

* Được biết, Hải sử dụng được 4 thứ tiếng. Hải đã tự học thế nào?

- Hiện tại, bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ, mình có thể sử dụng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Thái ở trình độ trung cấp. Tiếng Anh mình đã đạt chứng chỉ FCE B2 vào đầu năm 2020, còn tiếng Nhật thì đạt chứng chỉ JLPT N2 vào năm 2022. Ngoài ra, mình đang bắt đầu theo đuổi tiếng Trung được khoảng tháng nay.

Mình luyện nghe thông qua mọi phương tiện giải trí hằng ngày. Mình xem YouTube và TikTok khá nhiều, và hầu hết các nội dung sẽ nằm trong các ngôn ngữ mà mình đang học. Bên cạnh đó, việc nghe nhạc và xem phim cũng giúp mình có thể học ngoại ngữ một cách tự nhiên hơn.

Mình luyện nói thông qua các website nói chuyện với người nước ngoài miễn phí như Omegle, OmeTV... Hầu như tất cả các ngôn ngữ đều có người bản xứ sử dụng, nên đây là môi trường giao tiếp khá thuận tiện cho người tự học như mình. Còn viết thì mình luyện qua việc chép lại lời bài hát yêu thích, chat với bạn bè quốc tế qua các ứng dụng trò chuyện đa ngôn ngữ như HelloTalk, Tandem...

* Phải chăng hành trình đại học của Hải chỉ đơn thuần có... học và học?

- Khi là sinh viên năm nhất, mình là cộng tác viên của Đoàn khoa kinh tế đối ngoại và là thành viên ban nội dung của CLB truyền thông UEL360, vì thế mình đã có cơ hội được tham gia các hoạt động cộng đồng, chủ trì các chương trình từ thiện, là chiến sĩ của chiến dịch mùa hè xanh. Chính những hoạt động này đã giúp mình cảm thấy đời sinh viên trở nên ý nghĩa hơn và có thêm nhiều kinh nghiệm sống đáng quý.

Vừa qua, mình tiếp tục đăng ký trở thành giáo viên tình nguyện tại Thái Lan, thông qua chương trình Global Volunteer do AIESEC tổ chức. Mình có cơ hội được dạy tiếng Anh cho các trẻ em tiểu học tại một tỉnh miền biển, trải nghiệm cuộc sống làng quê Thái, được chiêm nghiệm nhiều bài học đáng giá về tình yêu thương và lòng tốt giữa người với người. Chuyến đi này giúp mình yêu thêm ngôn ngữ Thái mà mình đang theo đuổi và mong muốn sẽ được trở thành thầy giáo trong một ngày không xa.

* Đã bao giờ Hải đối mặt với một thử thách quá lớn trong những năm đại học của mình?

- Cuối năm 4, mình thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp. Mình phải vượt qua nhiều nỗi sợ của bản thân khi quyết định lựa chọn một đề tài không phải là thế mạnh, liên quan đến logistics. Mình chọn ngôn ngữ thực hiện là tiếng Anh.

Mình dành rất nhiều ngày tự mày mò nghiên cứu các tài liệu học thuật, tham khảo thêm các ý kiến từ các giảng viên. Cuối cùng, mình bảo vệ khóa luận thành công và may mắn đạt được điểm số cao nhất của khoa kinh tế đối ngoại. Đó là cột mốc giúp mình hiểu ra được sức mạnh của niềm tin và hơn hết là tin vào bản thân mình trước những lần đối mặt thử thách.

Nữ sinh phải dùng đề thi trên giấy A3 năm xưa vừa tốt nghiệp thủ khoa đại họcNữ sinh phải dùng đề thi trên giấy A3 năm xưa vừa tốt nghiệp thủ khoa đại học

Năm 2019, báo Tuổi Trẻ đã đăng tải bài viết về thí sinh đặc biệt Huỳnh Ngân Giang (Huế) thi tốt nghiệp THPT bằng bộ đề thi in trên khổ giấy A3. Bốn năm sau, cô đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng thủ khoa xuất sắc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp