Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: M.G.
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức ngày 1-12, với sự tham gia của giáo viên tiếng Anh đến từ 27 trường ĐH trong toàn quốc.
Theo các đại biểu, đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 có tổng kinh phí gần 9.400 tỉ đồng đã được triển khai với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập. Tuy nhiên, đến nay kết quả mang lại của đề án này chưa cao, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân chính là số giáo viên giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, một số địa phương vùng sâu vùng xa thiếu trầm trọng giáo viên dạy ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ chủ yếu diễn ra ở lớp học, người học không có cơ hội sử dụng ngoại ngữ giao tiếp, lớp học ngoại ngữ vẫn còn chiếm số lượng lớn người học.
Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian dẫn đến hiệu quả học không cao.
Từ đó, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh là phải tạo ra môi trường giao tiếp tiếng Anh, hoặc môi trường song ngữ cho học viên trong giờ học và tại nơi đào tạo để học viên có thể vận dụng ngay kiến thức trong việc giao tiếp.
Hiện nhiều trường tổ chức một số câu lạc bộ tiếng Anh, qua Facebook, kiểm tra kỹ năng nói của sinh viên mỗi học kỳ, nâng cao trình độ của giảng viên giảng dạy ngoại ngữ thông qua các hoạt động tạo điều kiện học tập, trao đổi với giảng viên, chuyên gia nước ngoài...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận