Thông tin Hà Nội tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng có mức giá đắt đỏ nhất cả nước khiến không ít sinh viên thủ đô đối mặt với rất nhiều khó khăn. Giá cả leo thang, nhưng khó khăn nhất phải kể đến giá thuê nhà ngày một tăng.
Làm sao để tiết kiệm, cân đối túi tiền cho hợp lý, tránh việc cuối tháng phải ăn mì tôm hoặc gọi điện về nhờ bố mẹ hỗ trợ?
Sinh viên ở Hà Nội tiêu trung bình 5-7 triệu đồng?
Diễm Quỳnh (sinh viên Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) thống kê chi tiêu hằng tháng dao động từ 5-7 triệu đồng. Mức chi tiêu này được coi là tầm trung ở thủ đô hiện nay.
"So với ở quê, giá cả thức ăn ở Hà Nội đắt hơn nhiều. Dù mình thường chọn vào các chợ sinh viên nhưng nhiều khi việc chặt chém là không tránh khỏi" - cô sinh viên ở Hà Nội nói.
Quỳnh nhẩm tính, mỗi tháng cô chi 2 triệu đồng tiền nhà (bao gồm điện nước, dịch vụ), tiền ăn và mua sắm đồ dùng sinh hoạt khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhưng cô cho biết có tháng cũng sẽ phải chi nhiều hơn nếu có nhiều cuộc hẹn tụ tập của bạn bè.
Để trang trải cuộc sống sinh viên, Quỳnh chọn cách làm thêm để có thu nhập. Mỗi ngày cô dạy gia sư 2 giờ đồng hồ, nhận về 200.000 đồng, mỗi tháng cũng kiếm được gần 2 triệu đồng.
Diệu Linh (sinh viên đang trọ tại Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết mỗi tháng chi khoảng 7-8 triệu đồng sinh hoạt phí. Thu nhập từ việc làm thêm vỏn vẹn 3 triệu đồng, trong khi tiền ăn của cô đã tốn 80.000 đồng.
Linh chọn nấu ăn tại nhà và mang thực phẩm từ quê lên, nhưng mỗi tháng cũng hết 2,4 triệu đồng tiền ăn, chiếm 2/3 số tiền kiếm được. Cộng với tiền nhà, điện nước, Internet và chi phí sinh hoạt khác dao động từ 4-6 triệu đồng.
Sắp tới Hà Nội nắng nóng, dự kiến tiền điện còn tăng gấp đôi. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cô sinh viên muốn đi làm thêm nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập nhưng sợ không thể đảm bảo việc học. Do vậy, cô chia sẻ vẫn đành phải nhờ bố mẹ chu cấp phần lớn tiền sinh hoạt phí hằng tháng.
"Khoảng 5 triệu là con số trung bình mà tôi có thể xoay xở được với cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô" - Bảo Lương (sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết.
Cô tính toán, tiền phòng ổn định mức 1,8 triệu đồng, còn lại là tiền chi tiêu cho ăn uống, đi lại và sinh hoạt phí khác.
Cũng như nhiều sinh viên ngoại tỉnh, Lương nhờ bố mẹ gửi thức ăn từ quê ra. Đó là cách để giúp các bạn trẻ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trước "cơn bão giá" hiện tại.
Thắt chặt chi tiêu ăn uống, mua sắm
Gia đình không có điều kiện, Bùi Hà (sinh viên Học viện Bưu chính viễn thông) không còn cách nào khác phải áp dụng bài toán tiết kiệm. Dù ở ký túc xá sẽ đỡ tiền phòng, nhưng tính đi tính lại, cuối cùng bạn lựa chọn ở ngoài để có thời gian đi làm thêm, làm gia sư.
Tiền trọ mỗi tháng là khoản cố định, Hà chọn cách ở cùng với các anh chị khóa trên để "share" tiền, mỗi tháng 1,5 triệu đồng. "Còn tiền mua sắm cho bản thân phải siết chặt lại, tính ra mỗi tháng mình chi khoảng 2,5 - 2,7 triệu đồng" - cậu cho biết.
Với sinh viên Đinh Thị Thảo Nguyên (Trường đại học Sư phạm), hằng tháng cô chia chi tiêu thành ba đầu mục: tiền nhà, tiền ăn và các khoản chi tiêu khác để dễ dàng quản lý dòng tiền. Thống kê trung bình khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Tiền nhà và tiền điện nước, dịch vụ mỗi tháng 1,3 - 1,5 triệu đồng, tiền ăn từ 1,5 - 2 triệu đồng. Cộng với chi tiêu khác như mua sắm, tụ tập bạn bè chi khoảng 1 triệu đồng, có tháng sẽ tăng lên nếu có nhiều sinh nhật, đám cưới bạn bè.
Để đối phó với "cơn bão giá", nhiều bạn sinh viên đã lựa chọn thắt chặt chi tiêu với các khoản ăn uống, mua sắm để tránh thiếu trước hụt sau.
Một số cách tiết kiệm các bạn trẻ "bật mí" như nấu ăn ở nhà với thực phẩm từ quê mang lên, mượn giáo trình từ thư viện hoặc anh chị khóa trên, mua lại sách cũ, mua quần áo giá rẻ ở chợ sinh viên, lựa chọn phương tiện công cộng như xe buýt, đi xe đạp để tiết kiệm tiền xăng và tiền gửi xe…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận