28/12/2023 09:38 GMT+7

Sinh viên ngược xuôi làm thêm, mong cái Tết đủ đầy hơn

Thời điểm này vốn được xem như mùa tăng thêm của sinh viên, khi các bạn dần hoàn tất thi học kỳ với ước mong có thêm nguồn thu trang trải việc học, cũng là mong cái Tết đủ đầy hơn.

Cuối năm, Nguyễn Tấn Huy tranh thủ tối đa tăng ca khi có dịp với những công việc thời vụ - Ảnh: C.TRIỆU

Cuối năm, Nguyễn Tấn Huy tranh thủ tối đa tăng ca khi có dịp với những công việc thời vụ - Ảnh: C.TRIỆU

8h sáng tại một trung tâm thương mại ở quận Tân Phú (TP.HCM), Nguyễn Tấn Huy (sinh viên năm nhất Trường ĐH Văn Hiến) bắt đầu vào ca. Công việc tại quầy túi xách nhỏ tương đối nhẹ nhàng. Huy trông coi, có khách vào thì chào mời mua hàng.

Làm thêm tặng quà cha mẹ

Trừ lúc đi học, mỗi ngày Huy đều làm ở đó từ 7 - 14 giờ. Mỗi giờ Huy được trả 25.000 đồng, nhưng công việc thường chỉ kéo dài khoảng một tuần. "Kiểu như sự kiện quảng bá, hết nơi này công ty sẽ qua nơi khác, bất cứ quận nào. Cũng có khi họ không gọi mình nữa nên có cơ hội sẽ tăng ca hết mức để kiếm thêm" - Huy kể.

Huy nói kết thúc công việc tuần này sẽ chủ động kiếm thêm việc khác. Việc học vẫn là quan trọng nhất và Huy vẫn cáng đáng được. Làm thêm cũng giúp Huy phụ gia đình thêm khoản chi phí trọ học, phần khác vì bạn cũng muốn có chút quà Tết tặng ba mẹ. Bạn khoe sẽ nghỉ Tết muộn hơn, cố làm đến 28 tháng chạp mới về quê Long An sum họp cùng gia đình.

Bạn Hồng Duyên - sinh viên năm hai một trường đại học tại quận Gò Vấp (TP.HCM) - chia sẻ cũng đang nỗ lực tìm việc làm thêm dịp cuối năm. Duyên kể dù lịch học cuối năm cũng khá căng thẳng, một số học phần đã kết thúc và đang chờ thi học kỳ nhưng vẫn ráng sắp xếp đi làm thêm để có thêm chút đỉnh cũng đỡ.

"Mình đang muốn mua tặng mẹ một chiếc điện thoại, đi học xa nhà có nhớ thì gọi video hai mẹ con thấy nhau" - Duyên cười.

Người tìm việc, việc tìm người

Sau hai ngày rong ruổi nhiều quận trung tâm TP.HCM nhưng mãi chưa chốt được nơi nào ưng ý, Minh Kha (quận Tân Bình) quyết định lên mạng tìm việc. Biết là thông tin việc làm trên mạng cũng thượng vàng hạ cám, rủi may vô chừng nhưng chẳng còn bao lâu nữa tới Tết nên Kha cũng sốt ruột vì mãi chưa kiếm ra việc gì.

Đọc được bài đăng tuyển nhân viên sắp xếp hàng hóa làm thời vụ cho một chuỗi siêu thị có mức lương ca sáu giờ 400.000 đồng khá hậu hĩnh, Kha liên hệ liền theo tài khoản người đăng bài. Mọi thứ bắt đầu khá chuyên nghiệp với lý do lượng công việc cuối năm nhiều, thời gian gấp rút nên chỉ cần phỏng vấn tuyển dụng online.

Qua điện thoại, giọng người phụ nữ đứng tuổi hỏi Kha một loạt câu hỏi về độ tuổi, nơi ở, sở trường, sức khỏe, có chịu được áp lực công việc hay chịu tăng ca không khá dồn dập gần như không để Kha có quá nhiều thời gian cho mỗi câu trả lời.

Tiếp đó, họ nói sẽ tạo điều kiện vì cảm nhận được sự nhiệt huyết, mong muốn làm việc của Kha.

"Họ chào mức lương khá ổn rồi liên tục nói cần đặt cọc để đặt đồng phục, chỉ 250.000 đồng và một ngày sau đi làm ngay. Nhưng ngay khi mình chuyển tiền qua ví điện tử xong, họ mất hút, không liên lạc được nữa" - Kha kể.

Bài học của Kha chắc không mới nhưng cũng có nhiều việc sẵn đó nhưng đợi mãi chưa tuyển được người làm.

Anh Đoàn Văn Đại - quản lý quán cà phê khá lớn ở quận Tân Phú (TP.HCM) - nói hiện đang cần bốn nhân viên phục vụ, hai nhân viên pha chế, treo bảng tuyển dụng mấy ngày rồi nhưng chưa tuyển được ai. Cũng có nhiều người ghé hỏi, đa phần là sinh viên, nhưng vì ràng buộc "phải làm đến 29 Tết" nên chưa ai chịu làm.

Lương phục vụ quán cà phê khoảng 20.000 đồng/giờ, chưa tính thưởng doanh thu, thưởng lao động, tăng ca và làm dịp cận Tết. Dù mãi chưa tuyển được nhưng anh Đại quyết không thỏa hiệp do "rút kinh nghiệm từ năm rồi".

"Năm rồi quán cũng mở đến 29 Tết, dù đã thống nhất ngay khi tuyển vào nhưng cứ 24 tháng chạp trở đi, các bạn đột ngột báo nghỉ với lý do đã mua vé tàu xe trước đó. Việc này đưa cả chủ và mình vào thế đã rồi. Không còn người, chủ và mình chạy quắn giò bưng bê, pha chế rồi lau dọn hết hơi" - anh Đại cười.

Hơn 3.000 đầu việc chờ sinh viên

Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM Lê Nguyễn Nam cho biết trung tâm đã tiếp nhận, đăng tuyển giới thiệu hơn 3.000 đầu việc của gần 200 doanh nghiệp, công ty. Chủ yếu tuyển sinh viên làm công việc thời vụ như phục vụ quán cà phê, phụ việc nhà, gia sư, bán hàng, gói quà Tết tại các siêu thị...

Làm cuối năm, mức lương thường cao hơn so với thời điểm khác trong năm, khoảng 30.000 - 50.000 đồng/giờ. Ngoài ra còn có thêm quyền lợi về thưởng nếu làm việc xuyên Tết hoặc đến ngày 29, 30 tháng chạp có hỗ trợ thêm suất ăn trưa trong ngày làm việc.

Dù nhu cầu tuyển dụng cuối năm có tăng nhưng lời khuyên là khi tìm kiếm công việc thời vụ dịp này, sinh viên cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh nghe lời mời kiểu "việc nhàn lương cao". Các bạn cần kiếm các công việc thời vụ trên những website đáng tin cậy, chính thống. Cũng có thể tìm thông tin việc thời vụ, bán thời gian tại fanpage: https://sac.vn/viec_lam/ hoặc website: https://www.facebook.com/sac.vieclam.

Thất nghiệp về quê làm nông

Theo báo cáo Phát triển nhân lực khu vực 2024 của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại châu Á - Thái Bình Dương, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn kéo dài và gia tăng tại một số quốc gia.

Toàn cầu hóa đang suy yếu do căng thẳng địa chính trị, sự phục hồi chậm chạp ở các nền kinh tế giàu có và bất bình đẳng ngày càng tăng. Sự tiến bộ công nghệ nhanh chóng và chuyển đổi năng lượng tạo ra cơ hội mới nhưng cũng là thách thức đáng kể cho thị trường việc làm, khả năng cạnh tranh.

Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thất nghiệp. Trang Bloomberg trong bài viết tháng 12 nhận định cuộc khủng hoảng đã khiến thế hệ Millennials từ TP đổ về quê sống cuộc đời làm nông mà cha mẹ họ đã tìm cách rời bỏ.

Gong Chengqiang từng kiếm được 200.000 nhân dân tệ (khoảng 680 triệu đồng) mỗi năm tại một công ty công nghệ ở Hàng Châu trước khi công ty này đóng cửa vì dịch COVID-19. Anh quyết định chuyển về nông thôn sau khi thất nghiệp, viết blog không thành công rồi bắt đầu có hứng thú với trái cây.

Hiện anh trồng dâu tây ở vùng nông thôn tỉnh Chiết Giang, nhưng khả năng bị lỗ số tiền tương đương mức lương cũ sau khi 40% cây trồng của vụ thu hoạch bị dịch bệnh.

Anh bạn 30 tuổi phải vật lộn với cảm giác bị cô lập, đặc biệt là sự thất vọng của bố mẹ khi anh rời bỏ phố thị về quê.

"Gia đình bố tôi cả đời làm nông. Mong ước duy nhất của họ là con cái có cuộc sống khác. Cha mẹ tôi tự hỏi việc gì phải cho tôi đi học nhiều năm để giờ tôi quay lại làm nông" - Gong bộc bạch.

Những người như cha mẹ của Gong đã chuyển đến làm việc ở các TP, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển chậm lại, những người trẻ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng thất nghiệp nặng nề. Cứ năm người sẽ có một người rơi vào cảnh không có việc làm.

Những gia đình đầu tư vào giáo dục đại học cho con cái với hứa hẹn về một cuộc sống trung lưu giờ cảm thấy hy vọng của họ ngày càng mờ nhạt. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đều ghi nhận mức giảm dân số lần đầu tiên vào năm 2022.

Khi sinh viên vẫn chọn đi làm thêmKhi sinh viên vẫn chọn đi làm thêm

Học là nhiệm vụ chính nhưng đi làm thêm cũng là chuyện được rất nhiều sinh viên quan tâm, lựa chọn song song với việc học. Có bạn đã sắp xếp, dành hẳn 8 giờ mỗi ngày cho việc làm thêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp