Giảng viên Trường đại học FPT (cơ sở TP.HCM) dạy môn đồ họa trong lớp học không có sinh viên - Ảnh: V.A.
Đây là nội dung email một giảng viên Trường đại học FPT gửi cho sinh viên lớp mình trước khi bắt đầu buổi học online đầu tiên (ngày 17-2).
"Thật không ngờ ở tuổi này tôi còn có cơ hội được làm một số thứ lần đầu. Ví dụ như lần đầu viết email để 'hẹn' các bạn học online buổi đầu tiên", thư viết tiếp.
Sau thư hẹn, buổi học đầu tiên cũng diễn ra. Giảng viên lên giảng đường, sử dụng laptop, micro và phần ứng dụng google meet để giảng bài và tương tác với người học. Chỉ có điều lớp học thu gọn trên màn hình máy tính, giảng đường không một bóng sinh viên.
"Các em đã nhìn thấy thầy chưa? Xin lỗi vì những chỗ nghe hơi chập chờn. Tôi rất cảm động vì hôm nay lớp mình học đông đủ", giảng viên nói trước khi bắt đầu bài giảng.
Giảng viên Trần Đình Thành dạy online trong lớp học không sinh viên - Ảnh: V.A.
Ông Trần Đình Thành - giảng viên môn quản trị nguồn nhân lực và làm việc nhóm - chia sẻ: "Buổi học đầu tiên, có lớp lúc đầu chỉ có 4 bạn học, dần dần lên 16/20 bạn. Hiện nay các bạn học online đầy đủ vì trường có điểm danh.
Học online trong mùa dịch corona cũng như những buổi video chat nên không khí cũng khá cởi mở và thoải mái, các bạn có thêm những trải nghiệm mới. Học online với những công cụ mới giúp các bạn biết sử dụng, tương tác từ xa. Điều này không chỉ là nền tảng cho việc học thời buổi công nghệ số mà còn là nền tảng tốt cho công việc tương lai".
Trường đại học Văn Lang cũng dạy online tất cả môn học từ 17-2. Để tránh tạp âm, mỗi giảng viên lên lớp sẽ ngồi ở một phòng. Giảng viên dùng ứng dụng Microsoft Office để giảng bài và tương tác với sinh viên. Giảng viên có thể thấy sinh viên và ngược lại, tương tác với nhau qua màn hình máy tính.
ThS Nguyễn Văn Tâm - phó trưởng bộ môn, phụ trách bộ môn marketing - khoa kinh doanh thương mại - cho biết các thầy cô được tập huấn trước khi giảng dạy chính thức nhưng cũng khó tránh khỏi lúng túng ban đầu. Sau buổi đầu tiên, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ hơn. Khi thầy cô dạy online, nhiều sinh viên liên tục đòi đến lớp để học.
"Giảng bài qua laptop dù mình cũng thấy được sinh viên nhưng lúc đầu khá lúng túng. Mọi người quen đứng trước sinh viên, nhìn mặt các em có thể thấy được phản hồi của sinh viên qua ánh mắt, cử chỉ trong khi qua laptop thì rất khó thấy. Do đó phải đặt câu hỏi, tương tác với các em liên tục" - ông Tâm nói.
Trong khi đó tại Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM, ngoài một số nội dung giảng dạy theo hình thức livestream, trường đã tận dụng giảng đường làm nơi ghi hình các bài giảng để phát lại trên nền tảng giảng dạy trực tuyến của trường.
Giảng đường mênh mông, một mình giảng viên "cân" hết - Ảnh: T.M.
Giảng viên vẫn sử dụng bảng để dạy chứ không chỉ nói - Ảnh: V.A.
Giảng viên chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phần mềm giảng dạy online. Có giảng viên chưa quen, vào ứng dụng còn lúng túng, lớp học bắt đầu trễ… Nhưng đã có đồng nghiệp hỗ trợ, chia sẻ - Ảnh: T.M.
Chiếc bàn giảng viên và giảng đường quen thuộc nhưng chỉ có một người. - Ảnh: T.M.
Cách dạy học để thích ứng thời dịch COVID-19 - Ảnh: T.M.
Mỗi giảng viên lên lớp ở phòng học khác nhau - Ảnh: T.M.
Lớp học chỉ có giáo viên và đội ngũ kỹ thuật quay phim - Ảnh: Đ.L.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận