29/12/2024 10:31 GMT+7

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không?

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, Bộ Y tế vừa kiến nghị một số chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên ngành y, dược tương đương với ngành sư phạm như hỗ trợ tiền học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt...

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM trong một tiết học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến bạn đọc và người trong ngành y về đề xuất này.

* Ông TRẦN VĂN THIỆN (phó giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội):

Tạo điều kiện phát triển nhân lực y tế

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 2.

Điểm đầu vào của sinh viên y khoa hầu như cao nhất trong các ngành học. Thời gian đào tạo dài, lịch học, lịch trực, thực hành rất nhiều.

Trước đây, khi chúng tôi còn là sinh viên ngành y, hầu hết không có thời gian làm thêm như những ngành học khác. Hiện nay các sinh viên đang học tập tại trường cũng vậy.

Tuy nhiên trước đây học phí đào tạo ngành y không cao. Còn hiện nay, học phí lên tới 20 - 40 triệu đồng/năm, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Sau khi ra trường mức lương cũng khiêm tốn.

Chúng ta phải nhìn nhận rõ vị trí của ngành y - đây có phải là ngành "đặc thù" không, có thiếu nhân lực để cần chính sách hỗ trợ thu hút sinh viên, phát triển nhân lực y tế không?

Ngành y đang làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, vậy có phải là một lĩnh vực quan trọng để đầu tư phát triển?

Chỉ khi chúng ta xem ngành y là một ngành nghề quan trọng, cần được hỗ trợ thì các chính sách mới thực sự hiệu quả.

Việc Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ cho sinh viên y, dược như sinh viên sư phạm sẽ tạo điều kiện rất nhiều để phát triển nhân lực y tế, đặc biệt đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ có thể tính toán lộ trình và thực hiện được trong tương lai.

* Sinh viên ĐOÀN MINH QUÝ (năm 2 Trường đại học Y Dược Cần Thơ):

Chúng tôi cần hỗ trợ để yên tâm học tốt

Học phí sinh viên năm 1 khoảng 1,3 triệu đồng/tín chỉ, tôi học 15 tín chỉ/học kỳ, đóng hơn 20 triệu đồng/học kỳ. Đến năm 2 học phí hơn 1,7 triệu đồng/tín chỉ và mỗi năm học ba học kỳ. Đến khi đi thực tập chi phí tài liệu và dụng cụ còn nhiều hơn nữa.

Vì vậy, việc hỗ trợ học phí hay chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y là rất cần thiết, giúp chúng tôi yên tâm học hành và cống hiến sau khi ra trường. Đồng thời giúp nhiều học sinh học giỏi nhưng gia đình không đủ điều kiện sẽ yên tâm thi và chọn ngành y để theo học.

* PGS.TS ĐÀM VĂN CƯƠNG (nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Cần Thơ):

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 3.

Áp lực ngân sách nếu hỗ trợ đồng loạt

Sinh viên ngành y khoa phải mất 6 năm trên giảng đường đại học, ra trường cũng chưa thể làm ngay mà còn tiếp tục cọ xát thực tế, học thêm chuyên ngành... mất khoảng 9 - 10 năm mới có thể hành nghề.

Việc hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt sẽ là nguồn động lực rất lớn thu hút người vào ngành y yên tâm phấn đấu học tốt để ra phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo tôi, ngành y cũng là ngành đặc thù như ngành sư phạm. Trước mắt có thể chọn ra 1 - 2 chuyên ngành đặc thù của ngành y đang thiếu nhân lực để hỗ trợ trước.

* Bác sĩ GIÀNG A CHÍNH (Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội):

Hỗ trợ theo từng đối tượng cụ thể

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 4.

Tôi theo học Đại học Y Hà Nội từ năm 2017 và tốt nghiệp năm 2023.

Tôi là người dân tộc thiểu số và thuộc hộ nghèo, được miễn học phí. Thế nhưng, chi phí sinh hoạt, ăn ở cũng là gánh nặng đối với một gia đình hộ nghèo.

Hiện nay các trường đào tạo đã tự chủ tài chính nên nhiều sinh viên không còn được miễn học phí, chỉ được giảm 30 - 40% nếu nằm trong đối tượng miễn, giảm học phí.

Trong khi đó, học phí ngày càng tăng hơn rất nhiều.

Nếu so với học phí của ngành sư phạm, học phí ngành y cao hơn rất nhiều. Bởi vậy sẽ khó để hỗ trợ học phí hoàn toàn như ngành sư phạm.

Nên chăng có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng nhóm sinh viên, từng vùng.

Ví dụ ở những vùng đang thiếu nhân viên y tế, sinh viên hộ nghèo, dân tộc thiểu số... nên có chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt để tạo được nguồn nhân lực tại chỗ.

* Sinh viên NGUYỄN HIỀN (năm 4 ngành điều dưỡng Trường đại học Y Dược Huế):

Gia đình sẽ bớt đi gánh nặng

Hiện nay mức học phí mỗi năm tôi phải đóng là hơn 24 triệu đồng. Với sinh viên ngành điều dưỡng vừa trúng tuyển vào trường năm 2024, học phí hơn 30 triệu đồng/năm học.

Với gia đình làm nông ở một vùng quê nghèo, số tiền học phí trên khá lớn. Cứ mỗi bận tôi đóng học phí thì cha mẹ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Trước đây tôi có đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên thời gian thực hành, trực viện tăng dần lên vào năm học thứ 3, thứ 4 khiến tôi không thể đi làm thêm được nữa.

Dù ở Huế chi phí sinh hoạt hằng tháng của sinh viên có thấp hơn so với ở các đô thị lớn nhưng chúng tôi phải luôn chắt bóp chi tiêu. Nếu sinh viên ngành y được miễn học phí và cấp thêm chi phí sinh hoạt hằng tháng thì gia đình sẽ vơi đi gánh nặng.

* PGS.TS HOÀNG BÙI BẢO (phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược, Đại học Huế):

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 5.

Phải xem xét kỹ lưỡng

Nếu có chính sách trên, sinh viên theo học ngành y trên cả nước sẽ giảm được rất nhiều áp lực về chi phí học tập, sinh hoạt và an tâm trong việc học hành.

Tuy nhiên một chính sách lớn như vậy cần có sự tư vấn, bàn bạc, nghiên cứu kỹ...

Đây là câu chuyện lớn liên quan đến chính sách đãi ngộ, vị trí việc làm sau khi ra trường, lương bổng... của ngành y nên cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng, căn cơ.

Và đây cũng chỉ là một trong nhiều đề xuất khác nhau tìm cách hỗ trợ sinh viên ngành y. Tạo điều kiện để sinh viên vay vốn cũng là cách tốt...

* Bác sĩ NGUYỄN HỮU TÙNG (chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Phan Chu Trinh, phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM):

Coi chừng tác dụng ngược

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 6.

Việc miễn giảm học phí cho sinh viên y dược có thể kéo lùi sự đầu tư từ các trường và sự cố gắng từ người học. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Ngành sư phạm và y dược có mục đích và sứ mệnh khác nhau. Sư phạm đào tạo những người xây dựng nền tảng con người cho xã hội.

Ngành y dược đảm bảo sức khỏe người dân và đó là một dịch vụ. Có thể xem một phần của y tế là dịch vụ thị trường.

Đào tạo y dược khá đặc thù, đòi hỏi sự đầu tư lớn về trang thiết bị, chương trình, đội ngũ, phương pháp đào tạo, thực hành lâm sàng...

Chưa nói đến chất lượng, các yêu cầu tối thiểu để đào tạo y khoa đã rất lớn.

Điều này đòi hỏi các trường phải đầu tư rất nhiều để đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Nếu miễn học phí cho sinh viên có thể tác động đến quá trình đầu tư từ các trường, sinh viên giảm động lực học tập. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo.

Nên chăng, Nhà nước có chính sách tín dụng rõ ràng để ngân hàng có định chế tài chính cho vay đối với sinh viên y dược.

Khi sinh viên cần vay, họ được hỗ trợ và phải cố gắng học tốt để ra trường, đi làm, trả nợ vay. Những trường đào tạo y khoa nổi tiếng đều có học phí rất cao và sinh viên có thể vay để trả chi phí học tập.

Còn nhiều cách hỗ trợ khác

Cần hết sức cân nhắc việc miễn học phí cho sinh viên ngành y. Thay vì miễn học phí cho sinh viên ngành y, chỉ cần duy trì chính sách cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên có kết quả học tập tốt để khuyến khích sự nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học như hiện nay.

Việc xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ sinh viên cũng nên được tăng cường. Đó có thể là các khoản học bổng, tiền tài trợ hoặc cơ sở y tế tiếp nhận sinh viên đến thực tập - thực hành.

DUY ANH

Theo quy định hiện nay, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2023 là 11.297; số dược sĩ tốt nghiệp là 8.470 và số điều dưỡng tốt nghiệp là 18.178.

Sinh viên ngành y hưởng hỗ trợ như ngành sư phạm, nên không? - Ảnh 7.Bộ Y tế đề xuất chính sách hỗ trợ cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm

Bộ Y tế đề xuất Chính phủ quan tâm, ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế. Trong đó, bộ đề xuất nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ cho sinh viên ngành y tương đương với ngành sư phạm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp