05/09/2022 11:24 GMT+7

Sinh viên Lào mong quê hương sẽ phát triển như Việt Nam

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Nhiều sinh viên Lào ở Việt Nam nhận xét Việt Nam phát triển hơn ở Lào nên háo hức sang Việt Nam học tập để có kiến thức và kinh nghiệm. Khi trở về làm việc ở Lào, các bạn mong muốn Lào sẽ phát triển như Việt Nam.

Sinh viên Lào mong quê hương sẽ phát triển như Việt Nam - Ảnh 1.

Sivanxay Thanva (bìa phải) và các bạn cùng lớp sau một buổi thuyết trình - Ảnh: NVCC

Đó là tâm sự của các du học sinh Lào đang học tập ở Việt Nam khi nói về hành trình "đi một ngày đàng, học một sàng khôn" của mình. 

Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang, hiện có hơn 14.000 lưu học sinh Lào đang nghiên cứu, học tập tại các cơ sở giáo dục khác nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Ông Sengphet Houngboungnuang đánh giá cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam cho Lào trên mọi lĩnh vực.

Muốn trải nghiệm

Phailin Kingvongsa (sinh năm 2001) - sinh viên ngành kỹ thuật công trình, Đại học Bách khoa Đà Nẵng - cho biết 4 năm trước, khi đậu đại học Lào và sau đó nhận học bổng đi học ở Việt Nam, bạn đã không mất nhiều thời gian để quyết định sẽ đi du học.

"Ông nội tôi là người Quảng Bình. Tôi biết học ở Việt Nam sẽ cho mình nhiều trải nghiệm. Việt Nam phát triển hơn Lào nhiều nên tôi muốn qua Việt Nam học để về giúp nước mình được giống như Việt Nam", bạn Kingvongsa tâm sự với giọng Quảng Bình đặc sệt.

Kingvongsa cho biết những năm đầu, sinh viên Lào ai cũng hơi yếu tiếng Việt, trong khi chương trình học thì hoàn toàn bằng tiếng Việt, nên tất cả đều phải cố gắng rất nhiều, nhất là với những môn có từ chuyên ngành khó hiểu.

Những chỗ không hiểu thì sau buổi học trên lớp phải tự học lại hoặc hỏi thêm giáo viên hoặc bạn bè. "Ai cũng hỗ trợ tận tình", Kingvongsa kể. 

"Có nhiều anh chị khóa trước học xong về nước và làm đúng chuyên môn. Nhờ nói tốt tiếng Việt, họ cũng làm việc hoặc cộng tác với nhiều công ty Việt Nam ở Lào. Tôi dự định sẽ tiếp tục học thạc sĩ ở Việt Nam rồi trở về Lào làm việc, nhiều khả năng là trong công ty xây dựng của gia đình", Kingvongsa tự tin chia sẻ.

Đồng tình với nhận xét của Kingvongsa, Bounthavy Sisane (sinh năm 1999), đã tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng (Học viện Ngân hàng, Hà Nội), hiện đang ở Lào, cho biết các bạn bè Việt cùng lớp, cùng khoa, trong câu lạc bộ karate của trường đều rất thân thiện và hỗ trợ rất nhiệt tình sinh viên quốc tế trong các vấn đề về đời sống cũng như học tập.

Sisane cũng đã đăng ký học tiếp lên bậc thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Trong lúc chờ nhập học, bạn làm phiên dịch tiếng Thái - Việt cho một công ty thời trang Việt Nam.

Sisane cho biết cơ hội làm việc cho sinh viên quốc tế khá nhiều vì có nhiều công ty Việt Nam mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan nên cần người phiên dịch. 

Công việc này cho phép bạn có thêm kinh nghiệm nhưng vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho việc học của mình.

Chưa chính thức tốt nghiệp nhưng Sivanxay Thanva (sinh năm 1997), sinh viên khoa quan hệ quốc tế Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), đã đi làm với một công ty về giáo dục ở TP.HCM. 

Thanva cho biết mình muốn thử sức với những công việc phù hợp ở Việt Nam trước, nếu làm tốt và công việc tốt thì sẽ ở Việt Nam làm việc để tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước.

Việt Nam là quê hương thứ hai 

"Nếu về Lào, tôi sẽ nhớ món ăn, con người và các bạn sinh viên Việt Nam nhiều lắm", Thanva nói.

Có hơn 4 năm sống ở TP.HCM, Thanva cho biết mình thích cuộc sống ở thành phố mang tên Bác. Theo Thanva, ở TP.HCM có cuộc sống sôi động, vô cùng nhiều hàng hóa, dịch vụ và nhiều cơ hội làm việc, làm ăn.

Sinh viên Lào mong quê hương sẽ phát triển như Việt Nam - Ảnh 2.

Sivanxay Thanva (thứ 2 từ phải sang) và các bạn cùng lớp đi thực tế ở miền Bắc Việt Nam, trong chuyến đi này các bạn đã ghé thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội - Ảnh: NVCC

Bạn cho biết được sang Việt Nam học tập, tiếp xúc với nhiều người Việt là cơ hội để mình cảm nhận và kiểm chứng những điều tốt đẹp về người Việt Nam trong mắt người Lào.

"Trong mắt người Lào, người Việt rất siêng năng, chăm chỉ làm việc, giỏi làm ăn, buôn bán và kiên trì. Tôi có thể nói là người Lào rất thích người Việt Nam, xem người Việt là anh em, giúp đỡ và đồng hành với người Lào", Thanva nói.

Gia đình Thanva có 3 anh em và cả ba người đều đang sống và học tập ở TP.HCM. 

"Anh tôi đang học thạc sĩ kinh tế, còn em tôi đang học tiếng Việt để chuẩn bị vào học ngành điện, có thể là ở Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật. Bố mẹ tôi rất tự hào vì cả ba anh em chúng tôi đi học ở Việt Nam", Thanva tự hào chia sẻ về gia đình mình.

Các bạn sinh viên Lào cho biết Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

"Lào và Việt Nam cùng có lịch sử đấu tranh chống lại ngoại bang xâm lược, có quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện được xây dựng qua nhiều thế hệ lãnh đạo. 

Tôi mong hai nước luôn yêu mến nhau, giữ tình đoàn kết anh em, giúp đỡ lẫn nhau, giữ vững quan hệ tốt đẹp, cùng nhau xây dựng và phát triển xã hội", Thanva mong ước.

Hương vị Lào ở Việt Nam

Các sinh viên Lào ở TP.HCM cho biết có nhà hàng Lào "chắc chắn ngon" ở TP.HCM, nhưng ăn nhà hàng thì đắt nên khó có thể ăn thường xuyên.

Hơn nữa, ngày nào về Lào thì sẽ nhớ cơm tấm, bún đậu mắm tôm, bún bò Huế… của Việt Nam, còn trong cuộc sống thường ngày, ăn món Việt thường xuyên thì lại nhớ món ăn Lào.

Cộng đồng sinh viên Lào ở TP.HCM đã lập ra một nhóm Facebook để ngoài thông tin, thông báo về đời sống, việc làm thì cũng thông báo cả lịch nấu ăn bán cho nhau với giá khoảng 25.000 đồng/món.

Ở các nơi có sinh viên Lào như Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh thành,… nơi đâu cũng có một số bạn thường xuyên về và mang sang Việt Nam nhiều hàng hóa, thực phẩm khô như mì gói vị Lào, lạp xưởng, dầu gió Lào, thịt khô heo, khô bò… để dùng và bán lại cho đồng hương.

60 năm Việt - Lào đoàn kết, yêu thương 60 năm Việt - Lào đoàn kết, yêu thương

TTO - Cách đây đúng 60 năm, ngày 5-9-1962 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Vương quốc Lào (chính phủ liên hiệp ba bên) cùng nhau thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, mở đầu cho một thời kỳ mới của quan hệ song phương.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp