Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu giờ là mức thấp nhất làm cơ sở thỏa thuận và trả tiền lương đối với người lao động làm việc linh hoạt, bán thời gian tại các hộ gia đình hoặc cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...
Có bốn mức lương tối thiểu giờ được tính toán dựa trên lương thực tế trên thị trường, tránh xáo trộn trong chi trả lương.
Song nhiều người lao động, nhất là sinh viên, đa số là "gen Z" đi làm thêm bán thời gian vẫn nhận tiền lương thấp hơn mức tối thiểu. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Hà Nội, nhiều người ngỡ ngàng khi biết tiền lương tối thiểu ở thủ đô là 22.500 đồng/giờ.
Gen Z ngỡ ngàng khi biết tiền lương quá thấp
Lê Thu Oanh (19 tuổi, quê Thanh Hóa), nhân viên làm việc bán thời gian tại một quán cà phê ở Cầu Giấy, cho biết chủ trả lương rất thấp. Lương thử việc là 15.000 đồng/giờ. Sau 3 tháng, Oanh nhận thêm 3.000 đồng/giờ. Tự nhẩm tính, muốn có tiền lương kịch khung 24.000 đồng/giờ, cô phải làm lâu dài, sẵn sàng tăng ca khi đông khách.
Còn Bùi Thị Thu Hiền (21 tuổi, quê Hòa Bình) - nhân viên một cửa hàng bánh mì - ngỡ ngàng nói: "Mình chưa từng nghe có tiền lương tối thiểu giờ. Trước nay, mình và bạn bè xung quanh làm bán thời gian cũng chỉ nhận từ 12.000 - 18.000 đồng/giờ. Phải đi làm rất lâu mới được tăng lương".
Theo Hiền, mỗi tuần bạn phải làm tối thiểu 7 ca với thời gian 6 tiếng/ca để nhận thù lao 12.000 đồng/giờ. "Mặc dù tiền lương khá thấp nhưng mình không nghĩ nó chỉ bằng phân nửa so với quy định. Quản lý có nói tăng lương sau 3 tháng nhưng nếu làm việc một năm thì mình mới được nhận 24.000 đồng/giờ", Hiền bày tỏ.
Gen Z "ngại" hỏi, trao đổi tiền lương
Có rất nhiều lý do sinh viên đi làm thêm tạm chấp nhận thù lao "bèo bọt", trong đó nổi bật là "ngại" trao đổi về tiền lương, sợ không được nhận vào làm hoặc bị nghĩ là "không có kinh nghiệm nhưng đòi hỏi cao".
Theo Nguyễn Thị Phương Nhung (19 tuổi, quê Bắc Ninh), cô có nghe quy định tiền lương tối thiểu trên tivi, báo đài nhưng rất ngại khi nói về lương thưởng với chủ.
"Không phải chủ nào cũng dễ dàng trao đổi về tiền lương. Mình cũng sợ nói ra sẽ gây mất lòng sếp, ảnh hưởng đến công việc. Trước đây, mình có nêu ra điều kiện tăng lương ở chỗ làm cũ nhưng quản lý liên tục gây khó dễ. Thậm chí, người đó còn ép mình tăng ca, chuyển sang vị trí vất vả hơn và không được chia tiền boa. Quá mệt mỏi, mình phải xin nghỉ việc", Nhung bộc bạch.
Cũng đi làm thêm để trang trải cuộc sống, Nguyễn Thành Đạt (22 tuổi, quê Điện Biên) cho hay bản thân đang làm ở tiệm salon tóc với tiền lương khởi điểm 22.000 đồng/giờ. Thỉnh thoảng, Đạt có thêm tiền từ tip của khách nhưng không đáng kể.
"Mình nghĩ tiền lương vậy rất tốt vì chưa có kinh nghiệm. Anh chị khác cũng được trả mức lương tương tự nên nghĩ đó là giá chung", Đạt nói.
Muôn vàn lý do cho tiền lương thấp
Một chủ quán cà phê tại quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ chi phí mặt bằng, thiết kế cửa hàng, nguyên vật liệu, trang thiết bị hỗ trợ bán hàng ảnh hưởng đến lương nhân viên.
"Quán sẽ tăng lương 3 tháng/lần cho nhân viên kèm thưởng theo thời gian gắn bó, năng suất làm việc. Bên cạnh đó, mọi nhân viên đều đồng ý với mức lương thỏa thuận trước khi bắt đầu làm việc. Lương từ 15.000 - 20.000 đồng/giờ là mức chung của các quán cà phê cùng phân khúc", chủ quán trên nói.
Trong khi đó, chủ tiệm hoa tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ: "Hầu hết các bạn làm thêm đều chưa có kinh nghiệm, tiếp xúc với công việc liên quan đến hoa từ trước nên chúng tôi phải tốn thêm chi phí đào tạo lại từ đầu. Công việc cũng không quá phức tạp nên lương 16.500 đồng/giờ là hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng lương 6 tháng/lần cho các bạn".
Theo khoản 3, điều 17 nghị định 12 ngày 17-1-2022, tiền phạt với người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu giờ từ 20-30 triệu đồng nếu vi phạm 1-10 người và tối đa 75 triệu đồng nếu vi phạm 51 người lao động trở lên. Nếu tổ chức, doanh nghiệp vi phạm thì phạt gấp đôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận