Máy lọc không khí của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ là 1 trong 18 sản phẩm tham dự vòng chung kết Cuộc thi dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS), do Đại học bang Arizona và Dow Vietnam STEM phối hợp tổ chức tại TP.HCM ngày 25-1.
Máy lọc không khí cho công nhân, sinh viên ở trọ
Bạn Kim Yến - sinh viên khoa xây dựng Trường đại học Cần Thơ - cho biết trong quá trình khảo sát, nhóm nhận thấy hầu hết các chỗ trọ cho công nhân và sinh viên hiện chỉ gồm một phòng. Khu vực ngủ, bếp, nhà vệ sinh thường nằm gọn trong không gian ấy.
Điều này khiến các loại mùi hỗn tạp do nấu nướng, giặt giũ, và đôi khi cả mùi vệ sinh, đều tích tụ bên trong căn phòng. "Trong khảo sát, phần lớn các gia đình thuê phòng trọ đều cảm thấy khó chịu, nhưng thường chấp nhận sống chung. Các loại máy lọc mùi trên thị trường khá đắt đỏ", Yến nói.
Do vậy, nhóm 5 bạn Trường đại học Cần Thơ bắt tay thực hiện chiếc máy hút mùi đa năng, thích hợp cho các phòng trọ nhỏ của công nhân hay sinh viên.
Bạn Văn Trường - sinh viên khoa kỹ thuật cơ khí Trường đại học Cần Thơ - cho biết phiên bản đầu tiên của máy dài 70cm, rộng 30cm và nặng 8kg. Bên trong được trang bị bộ lọc than hoạt tính giúp khử mùi. Ngoài ra, máy có thêm hệ thống quạt và bộ làm mát không khí giúp giảm nhiệt độ căn phòng.
Theo báo cáo của nhóm, trong thử nghiệm một giờ dùng máy ở phòng trọ diện tích 3x4m2 đang nấu nướng, phòng trọ không xuất hiện mùi. Nhiệt độ phòng giảm 3 độ so với trước khi dùng. Lượng điện tiêu thụ chỉ là 0,7kWh.
"Máy có thể tiết kiệm năng lượng, thích hợp cho sử dụng trong các không gian nhỏ. Chi phí sản xuất một máy của chúng mình vào khoảng 2,5 triệu đồng", Trường nói.
TS Trần Thanh Hùng - Trường đại học Cần Thơ, hướng dẫn nhóm nghiên cứu - nhận định trong các phiên bản tiếp theo, máy sẽ cần cải thiện thêm về hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, nhóm cần tiếp tục thiết kế vỏ ngoài máy cho bắt mắt hơn.
Máy khử khuẩn bằng ozon của nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sinh viên tham gia giải quyết vấn đề môi trường
Ngoài máy khử mùi của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ, nhiều nhóm sinh viên trong cuộc thi EPICS cũng mang đến các thiết kế mới giải quyết các vấn đề môi trường.
Điển hình, nhóm 5 sinh viên Trường đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thiết kế máy cung cấp ozon nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng mặt trời.
Bạn Hoàng Bách, sinh viên khoa điện tử viễn thông, Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), cho biết máy dài 300mm, rộng 250mm và dày 80mm, có thể cầm tay và thuận tiện di chuyển.
Máy có bộ phát sinh khí ozon với nồng độ phù hợp có thể làm sạch không khí và khử khuẩn. Máy có thể được dùng cho những gia đình sống ở khu vực ven kênh rạch hay gần nguồn ô nhiễm.
Ngoài ra theo Bách, do máy được tích hợp sẵn pin năng lượng mặt trời nên sẽ rất tiết kiệm năng lượng. Hiện tại chi phí một số dòng máy tương tự ở các nước phát triển hiện được bán với giá hơn 190 USD, còn máy của nhóm có thể được bán với giá chỉ 58 USD, tức khoảng 1,4 triệu đồng.
Tại Việt Nam, EPICS là hoạt động thường niên được triển khai cho các trường kỹ thuật lớn tại TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ trong nhiều năm qua.
Trong đó, các nhóm sinh viên được hợp tác với một tổ chức cộng đồng để thiết kế, xây dựng và triển khai các hệ thống nhằm giải quyết các vấn đề xã hội.
Thời gian học và triển khai dự án kéo dài trong 5 tháng. Các dự án thường trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe, năng lượng đến môi trường, phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận