Việc một sinh viên giành huy chương vàng tại SEA Games không hiếm. Tuy nhiên, ít có trường hợp vừa theo nghiệp thể thao vừa theo một chuyên ngành hoàn toàn khác biệt ở đại học nhưng vẫn hoàn thành tốt ở cả hai lĩnh vực như Tiến Đạt.
Vừa luyện tập, vừa ôn thi tốt nghiệp
* Giành huy chương vàng ở cả hai kỳ SEA Games gần nhất, Đạt nhận thấy mức độ cạnh tranh giữa hai kỳ đại hội như thế nào?
- Theo mình, sự cạnh tranh trong bộ môn lặn ở kỳ SEA Games 32 vừa qua lớn hơn khá nhiều so với đại hội năm ngoái. Ở môn lặn, trình độ của các vận động viên Việt Nam hiện có thể so sánh ở tầm châu lục. Dù vậy, gần đây những vận động viên ở các quốc gia Đông Nam Á khác tiến bộ rất nhanh. Điển hình ở giải lần này, đội lặn từ Indonesia và Thái Lan rất mạnh, so kè quyết liệt với Việt Nam.
* Không nhiều bạn trẻ có thể duy trì thành tích học tập tốt mà vẫn gặt hái đều đặn huy chương trong các giải đấu thể thao lớn. Làm được điều này, Đạt đã cân bằng việc học, luyện tập và thi đấu ra sao?
- Thật ra, bản thân mình rất thích học, thích một cách tự nhiên, không hề gượng ép. Vì vậy, từ khi vào đội tuyển thành phố, mình vẫn duy trì lịch học bình thường ở các trường phổ thông. Mình lên trường vào buổi sáng và tập bơi - lặn vào buổi tối. Thứ bảy và chủ nhật, mình sẽ dành rèn thể lực.
Chỉ đến giữa năm lớp 11 mình mới phải đưa ra một quyết định lớn. Khi đó, mình đang là học sinh Trường trung học Thực hành (Trường đại học Sài Gòn) và đứng trước ngưỡng cửa trở thành vận động viên của đội tuyển lặn quốc gia đi tranh tài ở SEA Games 31 tại Việt Nam. Mình đã phải chuyển sang học tại Phân hiệu bổ túc văn hóa tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao TP.HCM.
Dẫu vậy, mình luôn tự nhắc nhở bản thân phải học nghiêm túc. Đợt đi tập huấn đội tuyển quốc gia ngoài Bắc cũng là lúc mình bước vào cao điểm thi cử, tuyển sinh đại học. Ban ngày luyện tập, tối đến là mình mở laptop ra ôn bài tới khuya. Trong ngày, rảnh lúc nào là mình lấy điện thoại ra ôn tập lúc đó.
Mình ôn cho cả hai kỳ thi: đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và tốt nghiệp THPT. Kết quả: kết quả cả hai kỳ thi đều đủ đậu vào đúng ngành mình yêu thích là toán kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Vào trường là sinh viên
* Thông thường, nếu đã luyện tập thể thao chuyên nghiệp, phần lớn các bạn thường chọn theo học những ngành có liên quan ít nhiều đến thể thao. Vì sao Đạt lại đi theo một con đường "tréo ngoe" là toán kinh tế?
- Từ nhỏ, mình thích các ngành học kinh tế và có những ý tưởng kinh doanh. Ngành toán kinh tế mình đang học sẽ áp dụng những kiến thức, kỹ năng về toán giải những "bài toán" kinh tế cụ thể. Ngoài ra, còn có những nội dung về số hóa, công nghệ. Ngành học đúng với mục tiêu lâu dài của mình, đó là dùng những hiểu biết về kinh tế, cộng với những kinh nghiệm về thể thao, để bắt đầu những dự án kinh doanh. Vì vậy, hiện tại mình vẫn muốn duy trì song song giữa việc tập luyện và nâng cao kiến thức học thuật trong trường đại học.
* Một Nguyễn Tiến Đạt - sinh viên và một Nguyễn Tiến Đạt - vận động viên, Đạt thích hình ảnh nào của mình hơn?
- Có lẽ phải có cả hai mới là mình. Nếu chỉ có phần sinh viên hay phần vận động viên, đó là một Nguyễn Tiến Đạt khác rồi. Tuy nhiên, mình rất rạch ròi về mỗi vai trò.
Khi thi đấu, mình cởi bỏ tâm lý mình là một học sinh - sinh viên, cởi bỏ luôn cả những nỗi lo lắng vì mình nhỏ tuổi hay ít kinh nghiệm. Mình dồn sức vào mỗi buổi tập, ăn uống đầy đủ để chuẩn bị thể trạng tốt nhất. Bước vào đường đua, đó là trọng trách của một vận động viên đại diện cho Việt Nam nên phải chiến đấu tới cùng.
Còn khi bước vào trường đại học, mình chỉ muốn là một sinh viên bình thường. Mình luôn nhắc nhở bản thân không mắc "bệnh ngôi sao". Hôm vừa rồi, trường nhắn mình vào khen thưởng SEA Games 32. Trường dặn mang theo đồng phục của đội tuyển quốc gia mặc khi trao giải. Mình đã cất đồng phục ấy vào balô, chỉ mặc một chiếc áo thường vào trường, đến khi nhận thưởng mới lấy ra thay.
Nói vậy chứ để hoàn thành cả hai vai trò cũng rất thách thức. Bình thường nếu không tập trung ở đội tuyển lặn thì mình đi học cả ngày ở trường đại học, đến chiều sẽ đón xe buýt tới thẳng chỗ tập lặn. Nếu tập trung ở đội tuyển, mình sẽ xin bảo lưu để làm nhiệm vụ quốc gia.
Sau khi thi đấu xong, mình quay lại "chạy" bài học cho kịp tiến độ. Mình vùi đầu vào sách, giáo trình để bù lại những phần đã thiếu. Thật ra, mỗi người có 24 tiếng mỗi ngày, nên quan trọng là biết bù trừ thế nào cho hợp lý, và trên hết là phải nghiêm túc cho từng công việc. Có lẽ vì vậy mà đến nay việc học trong trường của mình vẫn rất ổn, và chưa... rớt môn nào (cười).
Chàng trai vàng của môn lặn
Tại kỳ SEA Games 31 ở Việt Nam, Tiến Đạt giành "cú đúp" huy chương vàng với hai nội dung là 1.500m vòi hơi chân vịt nam và 4x200m tiếp sức vòi hơi chân vịt nam. Đến kỳ SEA Games 32 ở Campuchia vừa kết thúc, Tiến Đạt giành 1 huy chương vàng nội dung 4x100m tiếp sức vòi hơi chân vịt nam. Ngoài ra, tại Giải lặn Cúp thế giới 2022 tổ chức tại Thái Lan vào tháng 9-2022, Tiến Đạt giành huy chương vàng cự ly 100m khí tài nam trên 18 tuổi (Immersion 100m Men).
"Mùa vàng" của sinh viên
SEA Games 32 ghi nhận nhiều học sinh, sinh viên gặt hái được những thành tích cao ở nhiều môn thể thao.
Có thể kể đến Nguyễn Huy Hoàng - sinh viên khoa giáo dục thể chất Trường ĐH Cần Thơ, giành 3 huy chương vàng và 1 huy chương đồng ở môn bơi; Phạm Thanh Bảo - sinh viên khoa giáo dục thể chất Trường ĐH Cần Thơ, giành 2 huy chương vàng và phá 2 kỷ lục SEA Games cũng ở môn bơi; Phạm Đăng Quang - sinh viên ngành khoa học thể thao Trường ĐH Tôn Đức Thắng, giành huy chương vàng môn taekwondo; Hoàng Gia Bảo - sinh viên ngành quan hệ công chúng Trường ĐH Văn Lang, giành huy chương vàng môn aerobic; Nguyễn Thị Bích Thùy - sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Hoa Sen, giành huy chương vàng môn bóng đá nữ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận