Sinh viên Vũ Huy Hoàng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) bên mô hình Sắc màu biển cả tại triển lãm “Vững chủ quyền, khởi nghiệp từ biển” - Ảnh: VŨ THỦY |
“Sắc màu của biển” - là tên công trình của hai bạn sinh viên năm 4 ĐH Kiến trúc Hà Nội Vũ Huy Hoàng và Phan Văn Hùng. Mang theo mô hình bằng gỗ tự chế tạo kỳ công từ Hà Nội tới triển lãm được bố trí ngay bên bờ biển xanh biếc của đảo Phú Quý, anh chàng kính cận Huy Hoàng hồ hởi giới thiệu về công trình mơ ước của mình.
Toàn bộ công trình sẽ được thiết kế để không chỉ phục vụ tham quan, nghiên cứu mà còn là không gian sinh thái và nghỉ dưỡng, mang lại giá trị kinh tế để đầu tư cho việc khôi phục rặng san hô.
Chỉ vào hình ảnh bãi ngầm Tư Chính có hình dáng cong cong trên sơ đồ, Hoàng kể đã tìm hiểu rất kỹ về bãi ngầm lớn nằm cạnh ngư trường truyền thống Trường Sa này. Đây là khu vực có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế biển và quản lý chủ quyền trên biển nhưng chưa được khai thác và bảo tồn hiệu quả.
“Do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người mà rặng san hô ở bãi Tư Chính đang bị phá hủy nặng nề không còn màu xanh của biển nữa. Mà san hô đối với biển cũng quan trọng như cây và rừng đối với đất liền vậy”, Hoàng giải thích.
Công trình của Hoàng và Hùng sẽ xây dựng dựa trên kết cấu vòng cung của bãi ngầm Tư Chính, có thể kết nối với nhà giàn hiện hữu, gồm một trung tâm nghiên cứu nằm ở giữa và một khối khách sạn - nhà ở bao quanh.
Điểm đặc biệt nhất là khối khách sạn sẽ gồm phần phòng ngủ chìm dưới nước nhìn ra bãi san hô ngầm và phần bê tông san hô ngầm phía dưới. Bê tông san hô chính là giá thể để nuôi cấy san hô, giúp khôi phục lại rặng san hô.
Kể về quá trình thai nghén ý tưởng, Hoàng cười rất tươi và tự giới thiệu là người “yêu biển vô cùng”, hay đọc thông tin về biển đảo đất nước, tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa và câu chuyện về những gian khổ, hiểm nguy của những người lính trên nhà giàn.
“Thời học sinh em đã giữ một ấn tượng khó quên về những cái nhà giàn nhỏ bé trên biển giữa mênh mông sóng nước và mang theo trăn trở về chúng đến tận bây giờ”, Hoàng trầm ngâm.
Em bảo em may mắn thi vào học khoa kiến trúc và có kiến thức để thiết kế về nhà giàn trong mơ của mình: vững chãi hơn, tiện nghi hơn cho cuộc sống của các anh lính ở trên nhà giàn để canh giữ biển trời Tổ quốc, phát triển kinh tế biển, khẳng định mạnh mẽ hơn chủ quyền trên biển.
Nói về tính hiện thực của mô hình, Hoàng bảo sẽ tốn rất nhiều tiền để xây dựng hoàn chỉnh theo thiết kế. Nhưng “Sắc màu của biển” được thiết kế dạng module – có thể xây dựng từng phần và có thể xây dựng sẵn các module (bộ phận) sau đó vận chuyển ra biển lắp ráp.
Bên cạnh đó thì công trình cũng được thiết kế sử dụng ngói Tesla – ngói năng lượng mặt trời, hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió phục vụ hoạt động, đồng thời có thể sử dụng nước biển, tái sử dụng nước cho sinh hoạt.
Sinh viên giới thiệu mô hình tháp rau hữu cơ - Ảnh: VŨ THỦY |
Triển lãm các mô hình thiết kế phục vụ kinh tế biển 15 mô hình của các bạn sinh viên từ nhiều trường ĐH trong cả nước đã được trưng bày tại triển lãm “Vững chủ quyền, khởi nghiệp từ biển” tại đảo Phú Quý (Bình Thuận) trong hai ngày 2 và 3-6-2017 do Hội sinh viên Việt Nam tổ chức. 15 mô hình, công trình, sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học hướng về biển, đảo đều có tính thực tiễn cao, có thể ứng dụng cho đời sống của nhân dân, chiến sĩ trên các đảo, vùng biển, giúp cải thiện năng suất đáng bắt, đảm bảo an toàn trên biển như hệ thống tạo nước ngọt từ biển sử dụng năng lượng mặt trời, tháp rau hữu cơ, bóng đèn tuýp led tích điện, hệ thống định vị và hỗ trợ cứu nạn trên biển, máy mô phỏng thời tiết … Nhiều mô hình tiềm năng có thể góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo như mô hình thuyền lướt, máy bay cánh vẫy, nhà giàn đa chức năng ĐK1… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận