Làm thêm để mưu sinh, học hỏi kinh nghiệm...
Tâm sự cùng Thành Nhân, sinh viên năm 4 Trường Ðại học Ngoại thương TP.HCM, quê ở tận Quảng Bình, hiện Nhân đang làm phục vụ bàn cho một quán cà phê trên đường Pasteur (Q.1). Nhân kể, vì gia cảnh khó khăn nên ngay khi vào TP.HCM học năm thứ nhất, Nhân đã tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc. Và vì phải tự lo nên Nhân "xoay" rất nhiều việc: dạy kèm, phục vụ cho các quán ăn, bán tập học sinh, bán thiệp, hoa... Nhân cho biết thu nhập từ những việc làm thêm đã giúp cho bạn có điều kiện tiếp tục việc học cho đến ngày hôm nay. Song song đó, đi làm thêm cũng giúp bạn năng động, tự tin và lanh lẹ hơn so với những sinh viên khác.
Ba năm "thâm niên" vừa học vừa làm và vì là sinh viên sư phạm nên Ngọc Trâm, sinh viên năm 3 ngành Toán Trường ĐH Sư phạm, chỉ chọn việc phù hợp với "sở trường" của mình là dạy kèm. Trâm bảo, "Mình là dân ở tỉnh nên đi làm thêm chỉ mong đỡ cho được cha mẹ chút ít gánh nặng tiền bạc. Tuy thu nhập chỉ đủ để trang trải các khoản lặt vặt nhưng như thế là được rồi, vì dù sao việc học với mình vẫn quan trọng hơn". Đi làm để mưu sinh, có đồng ra đồng vào phụ giúp cha mẹ nhưng Trâm luôn cố gắng học là trên hết để tốt nghiệp ra trường dễ tìm được một chỗ đứng...
Trong khi đó, với Anh Đào, sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Kinh tế thì lại khác. Gia đình cũng khá giả, lại là "dân" thành phố nhưng Đào vẫn quyết định tìm cho mình một chân kế toán kiêm báo cáo thuế cho một công ty tư nhân. "Tuy chỉ làm việc bán thời gian, thu nhập không nhiều nhưng điều quý nhất là học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm việc", Đào nói. Điều đáng quý là, dù được ba mẹ tìm cho một chỗ làm "ngon ăn" khi ra trường nhưng Đào vẫn muốn thử sức mình, chính vì vậy mà Đào vẫn một buổi đi học, một buổi đi làm.
Khi sinh viên ham làm hơn ham học
Tiếp xúc với chúng tôi, Mai Hương, sinh viên Báo chí Trường ĐH KHXH & NV kể về C, bạn cùng lớp của Hương. C. là một sinh viên nghèo từ Thanh Hóa vào học, điểm thi đầu vào của C. cao nhất khoa, là một sinh viên học giỏi, hiền. Nhưng chỉ gần ba tháng sau khi học, C. dường như thay đổi hẳn. Từ một sinh viên nghèo, quần áo hàng ngày đến trường đã ngã vàng, đi xe đạp nhưng dần C. "thoát nghèo" bằng việc mặc quần áo mới, có điện thoại di động, đi xe gắn máy. Hỏi ra thì C. đi dạy kèm tiếng Anh, rồi quen một người bạn nên được giới thiệu vào làm hướng dẫn viên của một công ty du lịch. Thế là C. phất lên từ đó. Cũng từ đó, thời gian đến lớp của C. cũng thưa dần, chỉ đến khi thi mới thấy C. Càng ngày C. càng "sành điệu", đi học như đi... chợ nên bạn bè dần ngán ngẩm!
Còn Trung T., sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Hùng Vương thì "khởi nghiệp" bằng công việc phục vụ bàn cho một quán bar. Nhờ khéo léo, cộng thêm vốn liếng ngoại ngữ nên chẳng bao lâu, T. được chuyển lên làm quản lý với mức lương khá cao. Mặc dù là sinh viên nhưng T. không cần xin tiền gia đình mà vẫn có thể đổi xe mới, mua điện thoại di động... Và cũng chính vì ham làm hơn ham học mà việc học của T. ngày càng tụt dần. Ðến thời điểm này, khi bạn bè cùng khóa đang đi thực tập để làm khóa luận ra trường thì T. đành ngậm ngùi “ở lại" vì còn nợ khá nhiều môn.
Một lần vào tiệm Internet trên đường Nguyễn Công Hoan (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tôi nghe được câu chuyện của L., sinh viên ngành Vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên, chủ tiệm Internet trên. L. được mẹ cho mở một tiệm Internet để vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa thuận lợi cho việc học của L. Mới đầu L. học hành cũng tốt nhưng dần về sau, càng bê bết do trực ở tiệm 24/24 giờ mà bỏ bê việc học; rồi L. còn có dự định sẽ khuyếch trương tiệm Internet của mình thật lớn và có nhiều nhân viên. Mộng làm ông chủ lớn chưa thực hiện được nhưng bây giờ tên của L. có trong danh sách những sinh viên bị tạm thời đình chỉ một năm học vì "out" nhiều môn.
Thế mới thấy, việc gì cũng có hai mặt của nó. Đi làm thêm sẽ giúp các bạn năng động, học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Như thế khi ra đời, các bạn sẽ không bị bỡ ngỡ và hòa nhập được với cuộc sống hơn và nhất là các bạn đã biết quý trọng đồng tiền, chi tiêu có tính toán, cân nhắc hơn. Tuy nhiên, các bạn hãy xem việc đi làm thêm, kiếm tiền chỉ là phụ vì bởi đi làm thêm sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của bạn rất nhiều, nếu như bạn quá lao vào công việc mà bỏ bê việc học. Vâng, đi làm thêm có hai mặt, nỗi lo ấy không phải là không có căn cứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận