08/03/2014 11:57 GMT+7

Sinh viên cử tuyển đỏ mắt chờ việc

PHAN THÀNH
PHAN THÀNH

TT - Được địa phương xét duyệt, cấp kinh phí đưa đi học ở các trường ĐH-CĐ, thế nhưng sau khi tốt nghiệp nhiều sinh viên cử tuyển không được bố trí việc làm. Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Ev15RuBE.jpgPhóng to
Tốt nghiệp cử nhân lịch sử bảy năm nhưng không được bố trí việc làm nên chị Ma Hiếu phải ở nhà trồng lúa, cà phê kiếm sống qua ngày - Ảnh: P.THÀNH

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này toàn tỉnh có 29 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp vẫn chưa được bố trí việc làm. Hầu hết trong số đó tốt nghiệp từ những năm 2006, 2007. Ngoài ra, còn gần 300 sinh viên cử tuyển sẽ tốt nghiệp vào các năm tới.

Nếu biết trước sẽ không đi học

Ma Hiếu, người đồng bào dân tộc Chu Ru (xã Ta Tru, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử VN Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại trung bình khá trên tay, Hiếu buồn rầu cho biết năm 2001 được Nhà nước hỗ trợ mọi kinh phí cho đi học, ngày ra trường nghĩ chắc chắn rằng tỉnh sẽ bố trí việc làm ổn định. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp vẫn không thấy động tĩnh gì nên tự làm hồ sơ nộp ở các phòng ban cấp xã, huyện nhưng cũng chẳng thấy phản hồi. Không còn cách nào khác, Hiếu chỉ biết ở nhà khai hoang rẫy trồng mấy sào lúa và cà phê kiếm ăn qua ngày.

"Nên chấm dứt hệ cử tuyển vì hiện nay trình độ đồng bào dân tộc thiểu số đã cao, nhu cầu cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã bão hòa"

Võ Thu Hồng (trưởng phòng đào tạo quản lý cán bộ, công chức - viên chức Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng)

“Đã bảy năm nay, năm nào mình cũng đi nộp hồ sơ nhưng không nơi đâu nhận. Bức xúc tìm đến Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng thì sở bảo tự đi kiếm việc. Học vừa tốn tiền của Nhà nước, tốn công sức của mình mấy năm trời để rồi phải về cầm cuốc làm nông. Nếu biết trước như thế này sẽ không đi học...” - Hiếu thở dài nói.

Theo ông Đới Ngọc Văn (trưởng Phòng nội vụ huyện Di Linh), trên địa bàn huyện còn 17 trường hợp cử tuyển ra trường chưa có việc làm. “Các trường hợp này là do phòng giáo dục cử đi từ trước năm 2011. Những năm sau này một số xã có xin chỉ tiêu cử tuyển nhưng chúng tôi không duyệt vì sợ các em tốt nghiệp lại không có việc làm. Nếu chúng tôi cử đi thì chúng tôi phải đảm bảo được việc làm sau này” - ông Văn nói.

Tuy nhiên, ông Phan Đình Đồng (trưởng Phòng giáo dục Di Linh) lại cho rằng phòng không có chức năng bố trí công việc, nếu có bố trí có chăng chỉ ở lĩnh vực giáo dục.

Trách nhiệm của huyện

Bà Võ Thu Hồng (trưởng phòng đào tạo quản lý cán bộ, công chức - viên chức Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa rà soát lại trên toàn tỉnh Lâm Đồng có 29 sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp vẫn chưa có việc làm, chủ yếu thuộc các ngành y, sư phạm, nông lâm. Trong số đó có 27 sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có người đã tốt nghiệp cách đây 6-7 năm. Theo bà Hồng, đây là những sinh viên trong diện được UBND các huyện đăng ký chỉ tiêu và được UBND tỉnh phê duyệt đưa đi học nên khi các em tốt nghiệp huyện phải có trách nhiệm bố trí việc làm.

“Trường hợp một số sinh viên tốt nghiệp ngành y nhưng chưa có việc làm là điều bất hợp lý vì hiện nay tỉnh vẫn còn thiếu bác sĩ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xem xét lại” - bà Hồng nhấn mạnh. Tuy nhiên, bà Hồng lại cho rằng hầu hết các cơ quan nếu bố trí công việc thì chỉ nhận với dạng hợp đồng vì năng lực các em cũng hạn chế nên rất khó vào biên chế, trong khi đó mấy năm nay biên chế không tăng.

Còn theo ông Phạm Văn Sơn (phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng), nguyên nhân chưa bố trí được việc làm cho các em này là do phân cấp quản lý, sự phối hợp giữa Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và các địa phương cấp huyện chưa chặt chẽ. Một số huyện cử đi đào tạo với số lượng nhiều, nhưng các ngành không phù hợp hoặc địa phương đang thừa nguồn lực.

“Sắp tới sẽ xem xét giải quyết bố trí việc làm cho những sinh viên hệ cử tuyển và sẽ không đề nghị cử tuyển đi học các ngành khó bố trí việc làm” - ông Sơn cho hay. Ông Sơn cho biết thêm năm 2014 trở đi sẽ kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hạn chế số sinh viên cử tuyển vì hiện nay số sinh viên cử tuyển đang đi học chưa ra trường còn nhiều. Mặt khác, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập công chức cấp xã hiện nay đã sử dụng hết số biên chế nên không còn chỗ bố trí cho sinh viên cử tuyển.

Học quản trị kinh doanh, làm hội phụ nữ xã

Ka Yeoh, dân tộc Châu Mạ, trú tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh ĐH Đà Lạt từ năm 2010 nhưng nhiều lần nộp hồ sơ xin việc ở Phòng nội vụ huyện vẫn không thấy hồi âm. Ka Yeoh đành xin về làm ở Hội phụ nữ xã nhưng chỉ được nhận phụ cấp 1,1 triệu đồng/tháng, không được nhận lương theo bằng cấp.

“Mình tưởng được Nhà nước đưa đi đào tạo thì sẽ bố trí việc làm ổn định, đúng chuyên môn nhưng ai ngờ sự tình lại như thế này. Chắc cũng phải bỏ việc để kiếm cái gì khác làm thôi” - Ka Yeoh nói.

PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp