Có một lực lượng không nhỏ sinh viên đang tham gia chạy xe công nghệ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ưu tiên cho việc học
Chạy xe công nghệ có thể kiếm được 600.000-650.000 đồng mỗi ngày, nhưng sinh viên chạy xe phải biết mình chạy xe làm gì để biết sắp xếp thời gian, ưu tiên cho việc học. Đó là ý kiến của Nguyễn Hữu Phát - 19 tuổi, sinh viên năm nhất một trường ĐH tại TP.HCM đang chạy xe ôm công nghệ.
Quê ở Lâm Đồng và đang theo học ngành công nghệ thông tin, Phát cho biết mình đã chạy xe được nửa năm, "từ khi bắt đầu lên TP nhập học tới giờ".
Cậu kể về công việc chạy xe công nghệ: sáng dậy từ 5h30 chạy xe tới 8h, sau đó bắt đầu đi học. Trưa tan học, ăn uống nghỉ ngơi rồi chạy tiếp tới 21h.
"Chạy xe ôm phải “cày” điểm thưởng mới đáng công sức bỏ ra. Một ngày chạy chừng 25 cuốc để được mức điểm thưởng cao nhất. Tôi cũng “cày” nhưng vẫn phải bảo đảm ăn uống, ngủ đủ giấc để sáng dậy còn đi học", Phát chia sẻ.
Theo Phát, "chạy xe để học chứ không bỏ học để chạy xe". Học ở đây không chỉ là kiếm tiền nuôi việc học, mà quá trình chạy xe tiếp xúc người này người kia cũng có thêm kinh nghiệm giao tiếp, quen biết được nhiều người…
Quan điểm như vậy nên Phát chia sẻ anh chỉ chạy xe vì mới học năm nhất, tuần chỉ có 14 tiết học, lại chủ yếu học tiếng Anh nên thời gian trống nhiều. Khi chương trình học đòi hỏi tập trung, Phát sẽ điều chỉnh lại thời gian.
Năm nay đã học năm 4 và bắt đầu chạy xe từ đầu năm 2, Nguyễn Tiến Trường (22 tuổi) - sinh viên ngành lâm nghiệp tại TP.HCM - cho biết gần đây việc học nhiều nên Trường chỉ còn "chạy duy trì", nghĩa là mỗi tháng phải mở app, có cuốc chạy để không bị khóa tài khoản.
"Trước kia còn rảnh rang nhiều tôi mới “cày” điểm thưởng, chạy ngày 8 tiếng. Gần đây phải học nhiều, nên khi nào rảnh tôi mới chạy. Hoặc là có lúc phải di chuyển đi đâu đó, bật app điều hướng rồi tranh thủ chạy chứ không còn “cày” nữa", Trường chia sẻ.
Trường cũng cho biết hiện nay không ít sinh viên chạy ngày chạy đêm, "3h vẫn còn chạy" ảnh hưởng đến việc học. Cũng như Phát, Trường cho đó là việc không nên.
Trường cũng chỉ ra thực tế rằng hiện nay tài xế ngày càng nhiều, cạnh tranh ngày càng cao, các app cũng đòi hỏi khó hơn để tích lũy điểm thưởng, nên sinh viên lựa chọn nghỉ học để chạy xe hoặc ra trường thay vì kiếm việc lại tiếp tục chạy xe là một lựa chọn sai lầm.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu có nên có quy định để hạn chế thời gian chạy của sinh viên không thì cả Trường và Phát đều cho rằng "đó là việc thuộc về ý thức bản thân mỗi người".
"Sinh viên chọn chạy xe vì linh động sắp xếp thời gian cho việc học. Sinh viên mỗi ngành học, mỗi năm học mỗi khác thì việc ra quy định giờ giấc, hạn chế giờ chạy sẽ rất khó", Phát chia sẻ.
Cần tác động về mặt ý thức
Chia sẻ về vấn đề làm thêm của sinh viên, ông Nguyễn Văn Sang - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên - YES Center (Thành đoàn TP.HCM) - cho rằng việc cần làm là phải tác động về mặt nhận thức cho sinh viên.
"Tôi từng gặp một số em đã tốt nghiệp, ra trường nhưng không kiếm việc làm theo ngành được đào tạo, mà tiếp tục chạy xe công nghệ. Chạy 3-4 năm thì kiến thức được đào tạo cũng quên hết, không còn kiếm việc đúng ngành được nữa. Như vậy, không chỉ có sinh viên mà cả những bạn trẻ thời "hậu sinh viên" cũng gặp vấn đề này", ông Sang chia sẻ.
Đồng thời, theo ông, tình trạng sinh viên làm thêm rồi bỏ học, tốt nghiệp không làm đúng ngành không chỉ bây giờ mới có và không chỉ đối với công việc chạy xe ôm công nghệ.
Nhận định việc nhà quản lý ứng dụng hay nhà trường quản lý giờ làm thêm của sinh viên là rất khó, ông Sang cho rằng điều quan trọng cần làm là tác động về mặt ý thức để sinh viên hiểu đâu là ưu tiên quan trọng để họ đầu tư cho việc học, cho tương lai.
Thăm dò ý kiến
Tập trung làm thêm kiếm tiền, rất nhiều sinh viên xao nhãng học hành. Có nên quy định cứng giờ làm thêm của sinh viên?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận