23/09/2019 10:20 GMT+7

Sinh viên 'báo cáo xạo' con số nghiên cứu, thầy cô biết nhưng du di?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Bỏ công nghiên cứu nhiều tháng, có khi gần cả năm, nhưng cuối cùng kết quả lại trái với lý thuyết, không ít sinh viên 'bí đường' đã tự mình 'chế' nội dung báo cáo sao cho đẹp nhất thay vì sử dụng số liệu thực tiễn.

Sinh viên báo cáo xạo con số nghiên cứu, thầy cô biết nhưng du di? - Ảnh 1.

Làm khoa học cần sự chính xác - Ảnh: PINTEREST

Tình trạng này không phải cá biệt mà diễn ra thường xuyên với nhiều sinh viên theo học những ngành khoa học.

Nếu xác định đam mê và đi theo con đường khoa học thì không được nản chí. Khi bỏ công sức ngày đêm làm thí nghiệm nhưng kết quả chưa chuẩn xác, nhiều bạn sẽ bỏ cuộc, thay vì vậy có thể xin phép làm lại để cho kết quả tốt hơn.

TS Ngô Hà Quang Thịnh

Hứa không "chế", vẫn phải "chế"

T., sinh viên năm cuối khoa nông học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, vừa hoàn thành bài báo cáo đề tài tốt nghiệp (tương đương 10 tín chỉ) về khảo nghiệm 7 loại giống của một loại cây trồng.

Để tạo mẫu, T. chọn gieo và chăm sóc 3 giống Tây Nguyên, 3 giống miền Tây Nam Bộ và 1 loại giống khảo chứng với nhiệm vụ thay đổi một vài chỉ số như công thức phân bón, thời vụ, mật độ canh tác... để so sánh và tìm ra loại phù hợp nhất trong từng điều kiện môi trường.

Sau 6 tháng canh tác và ghi chép số liệu, lúc nhập vào máy tính xử lý, T. tá hỏa vì kết quả na ná nhau. Lỡ thời vụ, T. không thể xin gia hạn thời gian khảo nghiệm, đành "chế" lại các số liệu. T. lý giải, vừa qua xuất hiện một đợt sâu bệnh tấn công vào các giai đoạn quyết định của cây làm kết quả sai lệch khá nhiều.

"Lúc nhận đề tài, mình từng hứa với giảng viên hướng dẫn sẽ không "chế" một từ nào, nhưng rồi thất vọng vì làm hết sức rồi cuối cùng lại "chế". Buồn ở chỗ khi đưa giảng viên hướng dẫn xem lại được đánh giá số liệu của mình là thực tế" - T. nói.

Tương tự T., nhiều sinh viên trong đợt làm đề tài vừa qua của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng phải "bịa" ít nhiều.

"Với những giống mới ra, thông tin giống của chúng khá ít các thông số kháng bệnh, kháng sâu, chủ yếu chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm nên khi trồng trong thực tế lại có sai sót. Tụi mình không biết hết để lường trước" - một sinh viên tâm sự.

Không chỉ với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, sinh viên nhiều trường khác cũng phải báo cáo trên... lý thuyết.

Bạn T.L. - cựu sinh viên ngành môi trường Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhớ lại cách đây gần 1 năm có thực hiện đề tài tốt nghiệp là tìm hiệu suất một loại khí phát sinh trong rác, một người thu thập số liệu ngoài môi trường, một người tính toán các hệ số từ lý thuyết. Tuy nhiên, khi L. xong phần của mình thì đồng đội rút khỏi đề tài.

Trong thế thời gian còn ít ỏi, L. đành ước chừng số liệu sao cho nghe có vẻ hợp lý nhất. "Thậm chí giáo viên hướng dẫn của mình cũng phụ mình nghĩ ra những số liệu này!" - L. nói.

Do tiếc công sinh viên?

TS Võ Thái Dân - trưởng khoa nông học ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết về mặt nguyên tắc, khoa không cho sinh viên tự "vẽ" số liệu khi làm đề tài. Ông Dân nói khi thực hành, nhiều sinh viên làm sai quy tắc, số khác lười biếng không thực hiện đúng yêu cầu, làm kết quả sai lệch, thậm chí gần đây nhiều bạn còn ra các tiệm photocopy mua hẳn báo cáo các năm trước về viết lại.

"Số liệu thường có tính logic mà nhiều sinh viên khi vẽ số không để ý. Thầy cô có kinh nghiệm sẽ nhận thấy ngay" - ông Dân cho hay và nói nếu bị phát hiện, đề tài sẽ bị hủy ngay lập tức, còn nếu "lộ" trong buổi phản biện thì không cho sinh viên báo cáo tiếp.

"Trong một số trường hợp đặc biệt như khi làm đề tài thì gặp tai nạn, nhiều giáo viên ngầm du di, tuy nhiên trên nguyên tắc là không được phép" - ông Dân nói thêm.

Cũng theo một giảng viên khoa nông học, do nông nghiệp có tính mùa vụ nên khó có thể bắt sinh viên chờ nửa năm hay một năm sau để làm lại thí nghiệm, nên thường "làm ngơ" cho tự chỉnh sửa số liệu.

"Dù sao cũng chỉ là một nghiên cứu, không phải là công trình gì có ảnh hưởng nên chúng tôi thông cảm nhiều. Tuy nhiên, cũng phải nói là làm khoa học mà sửa số thì không được" - giảng viên này nói.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên trưởng khoa kỹ thuật ôtô Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc sinh viên "vẽ" số liệu cho hợp lý thuyết khi thực hành thường xảy ra nhưng nhiều giảng viên thông cảm bỏ qua vì điều kiện thực hiện thí nghiệm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Theo ông Mai, nguyên nhân chính là do trang thiết bị nghiên cứu ở VN còn khá đơn sơ, đặc biệt những bộ dành cho sinh viên hay học sinh, dẫn tới nhiều sai số lớn trong các thí nghiệm phức tạp.

Ngoài ra, TS Ngô Hà Quang Thịnh - khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa - cho rằng do trong thực tế có nhiều yếu tố tác động đến kết quả thí nghiệm mà người thực hiện, đặc biệt sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, không biết để lường trước.

"Do đó vai trò của giáo viên hướng dẫn rất quan trọng, giúp sinh viên phần nào tránh được những rủi ro khi làm thí nghiệm" - ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, khi giảng viên và trường ĐH có liên kết tốt với các viện, doanh nghiệp trong nước hoặc các trường ĐH uy tín trong khu vực hay trên thế giới, nhiều trường hợp thực nghiệm phức tạp có thể nhờ hỗ trợ nhận xét hoặc kiểm chứng lại thí nghiệm và các số liệu sao cho tiệm cận với thực tế nhất.

Khuyến khích lý giải vấn đề

Trương Huỳnh - đang học thạc sĩ sinh học tại Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) - cho biết khi theo học các môn khoa học từ bậc cử nhân đến cao học tại Úc, những sai sót về số liệu thỉnh thoảng vẫn hay xảy ra.

Riêng với các bài tập nghiên cứu liên quan đến sinh học, sự chênh lệch giữa lý thuyết và thực tế khá lớn, một trong nhiều nguyên nhân là môi trường không lý tưởng, tức loại bỏ được hết các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm. Chẳng hạn, khi nghiên cứu vi sinh vật, sinh viên thường không giữ được môi trường đúng điều kiện làm chết rất nhiều khuẩn, ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Huỳnh nhận xét tình trạng sửa số liệu vẫn có trong sinh viên Úc nhưng khá ít, bởi giảng viên luôn khuyến khích trình bày kết quả thu được trong thực tiễn. Nếu số liệu trái với lý thuyết hoặc vô nghĩa, sinh viên cần lý giải cho thầy cô vì sao lại thế, yếu tố nào đã tác động làm sai lệch kết quả. Nếu trình bày được, sinh viên sẽ được đánh giá rất tốt và đạt điểm cao, dẫu cho số liệu không chuẩn xác.

Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù

TTO - Đó là khẳng định của nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, để các quỹ nghiên cứu khoa học hoạt động hiệu quả hơn.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp