Trường hợp em bé ra đời trên máy bay là hy hữu và là ngoại lệ so với các quy định hiện hành - Ảnh: Đ.C |
Ông Nguyễn Văn Vũ, trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết như vậy về vụ sản phụ sinh con trên chuyến bay từ TP HCM ra Đà Nẵng vào ngày 5-3.
Nhiều bạn đọc thắc mắc về các thủ tục chứng sinh, khai sinh cho em bé này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Vũ, trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM cho biết trường hợp trên là hy hữu và ngoại lệ so với các quy định hiện hành.
Theo quy định trẻ em sinh ra phải được chứng sinh. Đó là cơ sở đầu tiên để làm giấy khai sinh và các thủ tục hộ tịch liên quan thiết yếu khác cho công dân đó sau này.
Trong trường hợp hy hữu trên thì cần giải quyết thủ tục chứng sinh trên tinh thần linh động, tao điều kiện thuận lợi nhất bảo đảm quyền lợi của trẻ.
Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch quy định đăng ký khai sinh.
Theo đó, “nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra”.
Tại khoản 1, điều 16, Luật hộ tịch quy định “Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật”.
Căn cứ vào quy định trên, thì em bé được sinh ra trên máy bay thì sản phụ chỉ cần nộp giấy có người làm chứng xác nhận việc sinh (trên máy bay) chứ không cần giấy chứng sinh do không phải sinh ở cơ sở y tế. Người làm chứng là người đi cùng chuyến bay, phi hành đoàn… là người Việt Nam.
Nơi sinh liên quan đến đơn vị hành chính của em bé thì phải được giải quyết linh động.
Cụ thể, khi máy bay bay trên độ cao 10 nghìn mét qua nhiều tỉnh thành thì không thể xác định em bé sinh ra tại địa phận tỉnh thành nào. Vì thế nơi sinh của em bé nên là sân bay mà máy bay đáp xuống-chính là sân bay Đà Nẵng. Vì vậy đơn vị hành chính là phường, quận, thành phố nơi sân bay Đà Nẵng tọa lạc.
Về cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ thì Luật hộ tịch quy định là UBND cấp xã nơi cứ trú của người cha hoặc mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Tiếp viên chỉ có kiến thức sơ cấp cứu Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết tất cả tiếp viên trước khi lên máy bay phục vụ hành khách đều phải trải qua khóa huấn luyện và kiểm tra về kỹ năng sơ cứu, bao gồm tình huống đỡ đẻ . Trên máy bay cũng được trang bị thiết bị oxy và tiệt trùng chuyên dụng... để phục vụ sơ cứu. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là các tiếp viên phải kêu gọi sự trợ giúp của hành khách bác sĩ trên chuyến bay, họ là những người có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm để giúp cho việc sơ cấp cứu tốt hơn cho hành khách. Trên máy bay khác ở bệnh viện, vì vậy các hãng hàng không đều khuyến cáo hành khách mang thai, người già yếu, người có bệnh tiền sử như huyết áp... cung cấp tình trạng sức khỏe thực tế để nhân viên hướng dẫn phù hợp. Trong một số trường hợp, hãng hàng không sẽ từ chối vận chuyển nếu nhận thấy việc đi máy bay có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của họ. (LÊ NAM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận