14/08/2015 12:40 GMT+7

Sinh ra để lặn đêm

TẤN VŨ - 
TRẦN MAI
TẤN VŨ - 
TRẦN MAI

TT - Ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) lang thang khắp các vùng biển, nổi tiếng với nghề câu mực khơi.

Ông Võ Hoa cười tươi khi nhớ lại chuyện đánh bắt dễ dàng ở Hoàng Sa thời ông còn trai tráng - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Võ Hoa cười tươi khi nhớ lại chuyện đánh bắt dễ dàng ở Hoàng Sa thời ông còn trai tráng - Ảnh: TRẦN MAI

>> Kỳ 1: 

Ngư dân Bình Định điệu nghệ trong việc đánh bắt lưới vây, lưới rút, câu cá ngừ đại dương ở những vùng nước sâu hàng ngàn mét.

Ngư dân đảo Lý Sơn đánh cá với đủ ngón nghề, nhưng riêng với ngư dân tại xóm chài Gành Cả, hàng trăm năm nay họ chỉ có duy nhất một nghề: lặn đêm ở đáy biển! Và họ như được sinh ra để lặn!

“Cao bồi” dưới đáy đại dương

Nắng chiều rực rỡ soi xuống hàng cây bàng vuông ôm lấy làng chài Gành Cả. Gần 20 đàn ông trung niên trong làng tụ tập dưới các gốc cây vừa hóng gió biển, vừa trò chuyện với các ngư dân chuẩn bị xô thuyền ra biển đêm nay.

Câu chuyện giá xăng dầu, lương thực và chuyện thương lái ép giá, rồi tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá mình khiến mấy bà bán hàng rong dừng chân hóng chuyện.

Chiều nào cũng vậy, trừ những ngày trời mưa, biển động, nếu không dưới gốc bàng vuông đầu Gành Cả đều là những chiều rất nhiều thông tin thời sự như vậy.

Cạnh đó, nhiều thanh niên khoác trên mình bộ áo quần lặn bó sát người như người nhái chuẩn bị xuống nước.

Kính đeo mắt và đèn pin treo lủng lẳng ở lưng quần. Tay cầm giỏ xách đựng cá, tay kia cầm cái ba chia bằng sắt, đầu sắc nhọn to bằng chiếc đũa ăn sáng quắc như những người lính sắp xáp lá cà. Họ chuẩn bị cho một đêm lặn hụp ở vùng biển nông, những ghềnh đá để đâm cá ngủ trong đêm.

Ông Võ Hoa (72 tuổi), cầm chiếc ba chia nhọn đưa ngang mặt, bảo: “Người nông dân có cái liềm cắt lúa thì ngư dân Gành Cả có cái này đây. Trông như vũ khí thời cổ đại vậy chứ xuống nước rồi mới biết. Bao đời nay người dân ở đây sống bằng cái ba chia này rồi!”.

Một ngư dân Gành Cả chuẩn bị ra khơi - Ảnh: TẤN VŨ
Một ngư dân Gành Cả chuẩn bị ra khơi - Ảnh: TẤN VŨ

Ông Hoa kể rằng không biết ai sáng chế ra cái vật nhọn ba chia đó nhưng người dân Gành Cả là những người sử dụng một cách thuần thục nhất vùng. Mỗi thanh niên lớn lên đều có thể làm cho mình một cái để “tập sự” trước khi lên tàu ra Hoàng Sa.

Thời của ông Hoa cùng các trai tráng trong làng ra Hoàng Sa chỉ trên con tàu vỏn vẹn có 20 - 30CV cùng gạo, muối, mắm, dụng cụ đánh bắt chỉ có cái ba chia ấy thôi vậy mà cá về lúc nào cũng đầy ắp khoang.

“Hoàng Sa những ngày đầu cá tôm nhiều không đếm xuể. Nước xanh màu ngọc bích. Ban ngày thả neo rồi chúng tôi lang thang trên bãi cát vàng lượm trứng chim. Ban đêm đi lặn. Cá khi đó bơi ken kín như trong lồng, nhiều đến độ phải sợ nó.

Những con cá bất động khi thấy ánh đèn. Lựa con nào to chừng 4kg mới đâm. Đâm xong quật một phát cá nằm trọn trong khoang lái. Cứ thế sáu anh em chúng tôi làm ba đêm là đầy ghe chở về đất liền.

Mực cũng vậy nhưng mực thì không cần đâm, chỉ cần pha ánh đèn trên trán là nó nằm im thiêm thiếp, mình hốt đầy bao bỏ lên thuyền chở về” - ông Hoa kể với ánh mắt sáng lòa.

Nhấp chén trà xanh, ông Nguyễn Pháo, 87 tuổi, tiếp lời: “Hồi đó ở Hoàng Sa ốc vú nàng, hải sâm nằm như... khoai lang chất đống, lúc nhúc nhiều vô kể nhưng tàu bè làm sao chở được. Mỗi ký mang về bán mấy ngàn đồng chứ đâu có tiền triệu như bây giờ. Bọn tôi già rồi nhưng vẫn tiếc nuối Hoàng Sa lắm!”.

Ông Pháo kể thời của các ông ra được Hoàng Sa là những người gan lì và thuộc loại lang bạt kỳ hồ lắm mới dám đi.

Sau giải phóng thuyền thúng nhỏ, máy móc thô sơ, vậy mà cứ thích là đi. Cả xóm có ba, bốn chiếc thuyền, thanh niên nào thích đi Hoàng Sa cứ việc nhảy xuống mà đi.

Thức ăn tự túc. Không một phương tiện định vị, không lưới, không icom, không có đài dự báo thời tiết, không bình gas hay điện thoại... Chỉ vỏn vẹn chiếc la bàn trên tay, nhìm chòm sao, con nước vậy mà đi.

“Cứ chạy đúng hướng hai ngày hai đêm là đến bãi Cát Vàng tha hồ đánh bắt rồi quay về. Có hôm lạc đến tận Đà Nẵng, có lúc cắt đường về lại lạc xuống Quy Nhơn do sóng xô quá! Đúng là đi giang hồ thiệt” - ông Pháo cười nói.

Cây ba chia, ngư cụ quan trọng trong nghề lặn đêm của dân Gành Cả - Ảnh: TẤN VŨ
Cây ba chia, ngư cụ quan trọng trong nghề lặn đêm của dân Gành Cả - Ảnh: TẤN VŨ

Biết từng luồng lạch Hoàng Sa

Ngư dân Phạm Văn Đài, 48 tuổi, kể rằng để đánh bắt cá như những ngư dân vùng khác thì không cần phải tiếp xúc sát các đảo ở Hoàng Sa. Riêng với ngư dân làm nghề lặn đêm Gành Cả, tất cả đều phải bám sát đảo mới lặn được.

Ở mực nước sâu trên 60m thì nghề lặn xem như bất lực. “Ngư dân Lý Sơn có thể quần thảo các vùng biển ở Hoàng Sa nhiều hơn chúng tôi, nhưng ngư dân Gành Cả mới là những người bám sát đảo nhiều nhất theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng về bám đảo.

Chúng tôi biết từng luồng lạch, biết từng đoạn nông sâu, biết từng con nước khi triều lên xuống ở vùng này” - ông Đài nói.

Ông Đài kể rằng trong tất cả các đảo ở Hoàng Sa thì đảo Tri Tôn là có hình thù kỳ quái nhất. Hòn đảo hình thành từ san hô nên về tổng thể như một lá sen nổi trên mặt nước vậy. Có những lần lặn tìm hải sâm phải mò sát bên dưới đáy của hòn đảo như bò vào hang động.

Tất cả đều tối mịt, nhưng dưới ánh đèn pin san hô hiện ra đẹp rực rỡ như một mê cung mà ai mang giấu nhẹm sâu dưới đáy nước.

Võ Văn Lựu, ngư dân xóm Gành Cả, kể những ngày trước khi Trung Quốc còn chưa hung hăng như bây giờ, công việc rất dễ dàng.

Ngư dân mình và ngư dân họ có thể đan xen vào nhau, cột thuyền qua lại cùng tránh bão có sao đâu! Ngư dân Trung Quốc không biết lặn, biển động mình còn cho cá họ ăn. Nhưng giờ khác lắm rồi.

Ngư dân Nguyễn Văn Tiến (52 tuổi), người lặn lội một đời với Hoàng Sa, kể rằng ông ra biển khi mới 13 tuổi, bây giờ có thể vẽ rành rọt từng đáy biển của các đảo ở Hoàng Sa.

“Chúng tôi ra Hoàng Sa khi đó đa số là không biết tên các đảo, chỉ biết gọi theo tên các anh em đặt như đảo Ông Già, đảo Hai Trụ, đảo Cát Vàng vậy thôi” - ông Tiến nói.

Nguyễn Văn Phú (29 tuổi), con trai ông Tiến, nối nghiệp cha mình làm thuyền trưởng con tàu hơn 700CV trên chục năm nay, ngư trường chính cũng là Hoàng Sa.

Phú bảo mọi thứ ồn ào như trong đất liền vậy, nhưng các ngư dân trẻ như anh vẫn phải tìm cách bám trụ lấy Hoàng Sa để tiếp tục nghề lặn của cha ông mình để lại.

“Cá ốc không còn nhiều như trước nhưng ngư trường truyền thống thì mình không bỏ được. Tàu Trung Quốc đuổi thì mình chạy. Chạy chán lại quay vào lặn chứ không thể về tay không. Hàng trăm năm qua làm được thì bây giờ vẫn làm. Ngày nào cũng có gần cả trăm ngư dân Gành Cả nằm ngoài ấy” - Phú nói đầy tự tin.

Anh Phú bảo ở xóm Gành Cả có những chiếc thuyền của ngư dân trẻ chạy lạc qua tận Palau, xa gấp 20 lần Hoàng Sa, cách Philippines 500 dặm về phía đông, để lặn.

Đi xa cực kỳ nguy hiểm bởi riêng thời gian đi đã tốn hết 26 ngày đêm, chưa nói vòng về. Nhưng ở đó ngại nhất là những cơn bão biển trái mùa và cá mập.

“Tàu thuyền chết máy là mình chết. Ăn cơm mà anh em cũng không dám để rơi thức ăn xuống biển vì cá mập ập đến ngay tức khắc.

Đi xa vậy để biết rằng Hoàng Sa rất gần gũi với đất đai, tổ tiên quê mình, càng đi xa càng yêu quý hơn và cho dù có điều gì xảy ra thì những thuyền viên trẻ như chúng tôi cũng không hề rời Hoàng Sa, không bỏ biển bao giờ” - Phú cười nói.

_______________

Kỳ tới: Chạm trán ở Hoàng Sa

TẤN VŨ - 
TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp