Một ca sinh mổ. Ảnh: mentalfloss.com
Theo một số liệu thống kê cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sinh mổ rất cao. Tại các bệnh viện huyện có thực hiện kỹ thuật sinh mổ, tỷ lệ này có khi đến 15 - 20%. Một số bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương thì tỷ lệ ca sinh mổ lên đến 40 - 50%.
Sinh mổ giúp cho các bà mẹ không phải đau đẻ; cuộc sinh nở diễn ra nhanh gọn; tránh được một số nguy cơ khó tiên lượng khi sinh và sau khi sinh như thuyên tắc ối, suy thai cấp, băng huyết sau sinh; giữ được sự rắn chắc của tầng sinh môn; tránh được các nguy cơ bị tổn thương đường sinh dục như vỡ tử cung; an toàn cho mẹ và bé trong những trường hợp mẹ có khung chậu giới hạn hay hẹp.
Chính từ những lý do này mà tỷ lệ các bà mẹ lựa chọn phương pháp sinh mổ ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên trong từng trường hợp, sinh mổ có thể là phương pháp an toàn, nhưng khi bị lạm dụng, phương pháp này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của cả trẻ và mẹ.
Việc lạm dụng sinh mổ gây ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ nhỏ. Vì việc đứa trẻ chào đời không bằng con đường sinh tự nhiên nên dạ dày và phổi có thể vẫn còn nước ối làm tăng nguy cơ suy hô hấp, gây bệnh màng trong. Trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như khò khè, viêm phổi.
Chính điều kiện vô khuẩn khi sinh mổ đã làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và cả hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Bởi thông thường trong quá trình chuyển dạ, trẻ được tiếp xúc đầu tiên với vi khuẩn âm đạo, vi khuẩn trong phân mẹ từ đó hình thành ngay nền móng vững chắc cho các vi khuẩn có lợi khu trú tự nhiên ở đường ruột. Nhưng với môi trường vô khuẩn như sinh mổ thì để có được các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột khu trú tại ruột, trẻ sinh mổ cần rất nhiều thời gian mới tạo lập được.
Trẻ sinh mổ có thể gặp phải trường hợp chào đời sớm, đặc biệt trong những trường hợp xác định ngày dự sinh không chính xác, lúc này trẻ dễ gặp vấn đề về đường hô hấp, vàng da, mất nước, nhiễm trùng… Thêm nữa, việc sinh mổ cũng khiến mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con có phần hạn chế khi bé bú gặp bất lợi vì bé sẽ khó bú mẹ hơn và thời gian phục hồi của mẹ lâu nên con không được chăm sóc chu đáo từ mẹ trong những ngày đầu.
Về phía người mẹ thì nguy cơ trước mắt là tăng chi phí điều trị do nằm viện lâu hơn sinh thường, người mẹ chịu stress trong quá trình hậu phẫu, phải chăm sóc hậu phẫu, đối mặt với nhiễm trùng vết mổ, giảm tỷ lệ cho con bú sau mổ đẻ, nguy cơ trong lần có thai sau dễ bị nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau cài răng lược... Đây là những trường hợp phải cấp cứu sản khoa và có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Nguy cơ lâu dài hơn nữa thì người mẹ có thể đối mặt với trường hợp dính tắc ruột sau mổ, những bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
Do thời gian phục hồi chậm, việc nằm một chỗ quá lâu khiến huyết khối tĩnh mạch dễ hình thành và gây ra triệu chứng thuyên tắc phổi. Những bà mẹ sinh mổ sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương mổ đẻ, trong tử cung hoặc trong cơ quan vùng chậu khác như bàng quang, ruột, tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa khác và các nguy cơ xấu trong lần mang thai tiếp theo.
Đồng thời, việc sinh mổ khiến cho các bà mẹ bị mất một lượng máu khá lớn, điều này dễ gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi sức khỏe và thể trạng các bà mẹ sinh mổ sau này. Nguy cơ mẹ tử vong trong quá trình sinh mổ cao gấp 2 - 4 lần so với mẹ sinh thường do những biến chứng nguy hiểm của nó trong quá trình mổ lấy thai.
Chính vì vậy, các chuyên gia sản khoa khuyến cáo, nếu sức khoẻ của mẹ ổn định và thai nhi bình thường thì phương pháp sinh thường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bé và mẹ hơn. Vì sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, không chỉ người thầy thuốc mà sản phụ cũng cần phải có thái độ thận trọng, không nên lạm dụng việc sinh mổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận