Nia Ali thường khoe con trên đường đua - Ảnh: GETTY IMAGES
Nếu có ai nghi ngờ về khả năng các VĐV trở lại thi đấu đỉnh cao sau khi sinh con, Nia Ali sẽ phản bác họ. Bà mẹ 3 con người Mỹ thậm chí thi đấu tốt hơn sau mỗi lần sinh nở.
Những bà mẹ vô địch thế giới
Năm 2015, Ali có con đầu lòng với Michael Tinsley (từng giành HCB 400m rào ở Olympic). Trước đó, sự nghiệp của Ali không mấy ấn tượng khi cô luôn trắng tay ở các giải quốc tế và chủ yếu giành được huy chương tại các cuộc thi trong nhà. Nhưng chỉ một năm sau khi hạ sinh con trai đầu lòng, Ali bất ngờ giành HCB ở Olympic 2016.
Không lâu sau đó, Ali lập tổ ấm mới cùng Andre De Grasse - một trong những VĐV chạy nhanh nhất thế giới ở đường đua 200m hiện tại. Sự nghiệp của Ali tiếp tục gián đoạn với việc cô sinh con gái vào giữa năm 2018.
Và chỉ hơn 1 năm sau, cô lần đầu giành HCV thế giới ở Doha 2019. Năm 2021, Ali lại sinh con... nhưng rồi thất bại ở giải thế giới trên đất Mỹ vì mắc lỗi. Dù vậy, phong độ ổn định của bà mẹ 3 con này trong năm 2022 vẫn được đánh giá cao.
"Khi trở thành một người mẹ, điều đó giúp sự nghiệp VĐV của tôi tốt hơn. Giờ đây tôi là người quản lý gia đình và tôi nhìn nhận mọi việc khác hẳn, bao gồm việc quản lý thời gian và tiếp thu mọi thứ. Đó là một hành trình đáng kinh ngạc", Ali kể.
Ali không phải là bà mẹ duy nhất chói sáng ở làng điền kinh đỉnh cao. Trước Ali, Kipyegon, Fraser-Pryce, Allyson Felix (HCV các cự ly 200m, 400m), Liu Hong (HCV đi bộ 20km)... trở thành những bà mẹ giành được HCV ở giải năm nay. Trong số này, Fraser-Pryce cũng giống như Ali, thành tích cá nhân của cô ở đường chạy 100m sau khi sinh con tốt hơn trước đó.
Sinh con mang lại lợi ích?
Một nghiên cứu của Viện Sinh học quốc gia Mỹ - thực hiện trên 482 VĐV từng mang thai (trong đó có 372 VĐV thi đấu đỉnh cao, 110 VĐV nghiệp dư) - cho thấy tỉ lệ các VĐV ưu tú cải thiện được thành tích sau sinh lên đến 40%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn bị đánh giá là không thực sự đáng tin cậy với dữ liệu không đảm bảo.
Dù vậy, đây vẫn là thay đổi đáng kể so với quan điểm truyền thống của làng thể thao những năm trước thập niên 2000. Khi đó, hầu hết các HLV vẫn cho rằng việc sinh nở là kết thúc sự nghiệp thi đấu.
VĐV marathon Paula Radcliffe là người đã đặt cột mốc cho việc thay đổi quan điểm này. Radcliffe từng vô địch thế giới, và sau khi có con đầu lòng vào năm 2008, thành tích của cô tuy sa sút một chút nhưng vẫn đủ để về đích trong nhóm đầu ở các giải marathon lớn như New York, Berlin...
Từ đó, giới khoa học bắt đầu đưa ra nhiều giải thích về các VĐV trở lại thi đấu sau sinh. Giáo sư Michelle Mottola của ĐH Western Ontario nói: "Một thay đổi đặc biệt có lợi cho các VĐV những môn sức bền là sự giãn nở của lồng ngực khi mang thai. Và thay đổi ở hệ thống tim mạch càng ảnh hưởng tích cực nhiều hơn.
Trong thời kỳ mang thai, trái tim của phụ nữ về cơ bản được tu sửa. Trong khi độ dày của thành tim không đổi, dung tích buồng phổi tăng lên cho phép nó chứa một lượng máu lớn hơn nhiều. Điều này làm tăng hiệu quả cung cấp oxy cho cơ bắp".
Nhưng phụ nữ sau sinh vẫn đối mặt vô số rủi ro về thể chất khi trở lại tập luyện, đặc biệt là ở những môn đối kháng. Điền kinh ít các rủi ro này hơn, và giáo sư Mottola tin rằng nếu loại trừ toàn bộ các biến chứng thì việc từng sinh con sẽ mang lại một số lợi ích cho các VĐV điền kinh.
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Dù đã có một số giải thích về việc phụ nữ sau khi sinh có thể chơi thể thao đỉnh cao trở lại, giáo sư Tara-Leigh McHugh của ĐH Alberta tin rằng làng thể thao đỉnh cao hiện nay vẫn dành quá ít sự hỗ trợ dành cho các bà mẹ.
Cộng với nhiều lời khuyên nên dành thời gian cho con cái và gia đình, dẫn đến việc có rất nhiều VĐV tài năng quyết định từ bỏ sự nghiệp sau khi sinh nở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận