Ảnh minh họa. Nguồn: journaldesfemmes.com
Lứa tuổi nào là thích hợp nhất để sinh con đầu lòng? Thường sinh con ở lứa tuổi đôi mươi là tốt nhất. Vì lúc này cơ thể người phụ nữ đã phát triển đầy đủ, sức khỏe sung mãn. Mang thai vào thời điểm này vừa an toàn cho mẹ và con, vừa dễ dàng sinh ra những bé khỏe mạnh, thông minh.
Cả bố lẫn mẹ phải lên kế hoạch có con ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai. Trước nhất bạn phải chuẩn bị tốt nhất "Ngôi nhà đầu tiên của bé", ngôi nhà đó chính là bản thân của bạn. Vì những tuần đầu của thai nhi là thời kỳ quan trọng nhất-những tế bào đầu tiên của bào thai bắt đầu hình thành mà thường sau vài tuần thụ thai bạn mới biết là mình đang có bé. Cho nên bạn phải chuẩn bị chu đáo cho mình và cho con.
Trước tiên bạn hãy kiểm tra xem mìnhcó bị thiếu dinh dưỡng hay thừa cân hay không, xem lại chế độ dinh dưỡng có đầy đủ các vi chất cần thiết chưa: Sắt, canxi, iốt, axít folic…, kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh: Thiếu máu, lao, tiểu đường… Nếu đang sử dụng thuốc ngừa thai bạn nên ngưng thuốc ít nhất 2 tháng trước khi có thai. Chồng của bạn có đang nghiện rượu, cà phê, thuốc lá không…? Bạn có thường xuyên tập thể dục, thể thao?
Để biết mình có suy dinh dưỡng hay thừa cân, bạn sẽ dựa vào chỉ số BMI (body mass index)
Cân nặng (kg)
BMI =----------------------
[Chiều cao(m)]2
Bìnhthường: BMI từ 18,5 - 23
Suy dinh dưỡng: BMI<18,5
Thừa cân: BMI >23.
Nếu trước khi mang thai, bà mẹ bị suy dinh dưỡng, trẻ sẽ dễ bị suy dinh dưỡng trong bào thai, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non…
Nếu mẹ bị béo phì dễ có nguy cơ giảm khả năng thụ thai, rối lọan đường huyết trong thời gian mang thai dẫn tới tiểu đường thai kỳ, thai to tăng nguy cơ sinh khó.
Đối với bà mẹ suy dinh dưỡng, làm cách nào để tăng cân
- Tăng số lượng ăn mỗi bữa, 2 - 3 chén mỗi bữa, tăng lượng chất béo trong bữa ăn (ăn thịt có mỡ, ăn nhiều thức ăn chiên, xào…)
- Ngoài 3 bữa chính nên ăn thêm 2 - 3 bữa phụ,chọn các loại thức ăn giàu năng lượng nhiều chất béo, ngọt, uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày.
- Chế độ ăn cần đa dạng, phong phú để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Giảm bớt tiêu hao năng lượng: Xổ lãi, nghỉ ngơi hợp lý, điều trị bệnh, chữa sâu răng…
Đối với bà mẹ thừa cân, làm cách nào để giảm cân?
Cần giảm cung cấp năng lượng bằng cách giảm sử dụng các thức ăn giàu năng lượng:
- Các chất béo ngọt, giảm lượng tinh bột trong bữa ăn: Giảm cơm, phở, nui,…
- Ăn nhiều rau, trái cây ít ngọt.
- Tăng hoạt động thể lực: Chơi thể thao, tập thể dục, năng động trong cuộc sống.
- Chế độ ăn hợp lý: Bà mẹ cần ăn đủ năng lượng theo nhu cầu 25-50 kcal/kg.
- Chế độ ăn cần đa dạng, phong phú các loại thực phẩm để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: Sắt, kẽm, canxi, iod, các loại vitamin…
Ngôi nhà đầu tiên của bé cần được tu sửa nếu bạn mắc các bệnh mãn tính. Ví dụ: Lao, tiểu đường, thiếu máu, cường giáp… cần được điều trị ổn định mới quyết định mang thai. Nên hạn chế thuốc lá, rượu bia, hạn chế tiếp xúc các hóa chất độc hại. Cần cho bà mẹ bổ sung axít folic 3 tháng trước thụ thai sẽ giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh của trẻ.
Thời điểm nào dễ thụ thai nhất? Thời gian dễ thụ thai nhất là xung quanh ngày rụng trứng, khoảng ngày thứ 14 - 16của chu kỳ kinh 28 ngày. Bạn sẽ tăng cơ may sinh bé trai nếu giao hợp ngay ngày trứng rụng và sẽ dễ sinh bé gái nếu giao hợp 3 ngày trước đó.
Thời gian mang thai trung bình là 38 - 42 tuần (280 ngày kể từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối cùng).
Ước tính ngày sinh: Ngày đầu của kỳ kinh cuối +10
Tháng của kỳ kinh cuối -3
Ví dụ: kinh cuối là ngày 10/07, dự sanh sẽ là ngày 20/4
Làm thế nào để biết mình có thai?
Bạn hãy để ý xem mình có những dấu hiệu sau đây không: Trễ kinh, ngực căng, cảm thấy yếu mệt, dễ xúc động, buồn nôn, nôn, chán những thức ăn trước đây mình thích. Trễ kinh 2 tuần bạn có thể sử dụng dụng cụ thử thai để thử và sau đó có thể đến khám tại các bệnh viện sản phụ khoa để được xác định chắc chắn.
Những điều cần biết khi bạn mang thai
Phải thăm khám thai định kỳ tối thiểu 3 lần trong 1 thai kỳ: Khám thai lần đầu trong tam cá nguyệt thứ nhất để xác định xem bạn đã thực sự có thai chưa, đồng thời phát hiện và điều trị một số bệnh như lao, thiếu máu…; hướng dẫn cách tự chăm sóc,chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung sắt, axít folic…; chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý, chuẩn bị tâm lý và hiểu biết đối với việc mang thai, sinh nở, nuôi con.
Khám thai trong tam cá nguyệt thứ hai để theo dõi sự phát triển của thai, phát hiện các dị tật bẩm sinh để có hướng xử trí kịp thời. Phát hiện và điều trị kịp thời những rối loạn xuất hiện trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp. Chủng ngừa uốn ván cho mẹ.
Khám thai trong tam cá nguyệt thứ ba để theo dõi sự phát triển của thai, xác định ngôi thai, tiên lượng cuộc sanh.
Nhu cầu dinh dưỡng của bạn trong lúc mang thai
Nhu cầu năng lượng tăng thêm khoảng 350 kcal một ngày: bạn có thể ăn thêm 2 – 3 bữa phụ: 1 – 2 ly sữa, ăn thêm mỗi bữa 1 - 2 chén cơm, tăng thêm lượng thịt, cá, đậu đỗ…
Tại sao cần tăng cung cấp năng lượng? Tăng cung cấp năng luợng để phát triển tử cung và các mô của mẹ trong 3-6 tháng đầu. Hình thành và phát triển thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 9. Đồng thời khi có thai chuyển hóa cơ bản tăng, tăng khối lượng máu (50% so với bình thường).
Bạn cần tăng cân bao nhiêu là đủ?
Bà mẹ cần tăng khoảng 8 - 12 kg trong suốt thai kỳ:
- 3 tháng đầu cần tăng khoảng 1 kg.
- 3 tháng giữa cần tăng khoảng 4 - 5 kg
- 3 tháng cuối cần tăng 5 - 6 kg.
Nếu bạn bị béo phì cũng cần phải tăng từ 6 - 8 kg.
Trong 3 tháng đầu thai phụ thường có cảm giác chán ăn, hay buồn ói, ói. Bạn nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn thêm bữa phụ bằng các thức ăn dễ chấp nhận. Lúc bạn bị ói, hoặc buồn ói bạn nên sử dụng các loại bánh snack hoặc bánh mì nướng sẽ giúp bạn dễ chịu. Không nên ăn nhiều thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ… Bạn có thể bổ sung thêm các loại đa sinh tố, vi lượng.
Càng về cuối thai kỳ thai phụ càng dể bị táo bón do thai ngày càng lớn gây chèn ép trực tràng vì vậy bạn cần phải uống nhiều nước khoảng 6 - 8 ly một ngày, ăn nhiều chất xơ: Rau, trái cây, đậu đỗ…, tập thể dục nhẹ nhàng… Không nên sử dụng thuốc xổ, nhuận trường.
Để đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và bé bạn cần tránh tiếp xúc với các nguồn lây bệnh vì trong thời gian mang thai người mẹ rất dể nhiễm các loại bệnh do siêu vi gây nên (Ví dụ: Cúm, rubella, thủy đậu…). Có thể bà mẹ không bị mắc bệnh nhưng siêu vi sẽ xuyên qua hàng rào nhau thai gây nên các dị tật bẩm sinh. Không bao giờ tự ý sử dụng thuốc và luôn cho bác sĩ biết là bạn đang mang thai. Không được sử dụng rượu, bia thuốc lá vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Bạn cần tìm hiểu thêm sách vở, tài liệu, tham gia các lớp học "Làm bố mẹ", các lớp tiền sản.
Từ tháng thứ 5, thai nhi có thể nghe được bố mẹ trò chuyện, cho thai nhi nghe nhạc Mozart sẽ kích thích sự phát triển trí thông minh. Các động tác vuốt ve, xoa bụng của mẹ sẽ làm trẻ thích thú… Khi mẹ lo âu, căng thẳng, giận dữ trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Thai phụ cần đi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu sau
- Nhức đầu dữ dội.
- Nhìn mờ, hình ảnh lòe loẹt.
- Đau bụng dữ dội.
- Ra huyết âm đạo bất thường.
- Ra nước âm đạo (vỡ ối sớm).
Thai phụ cần đi khám bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu bạn có các triệu chứng
- Sốt cao.
- Nôn mửa dữ dội .
- Phù toàn thân.
- Thai nhi không máy hoặc cử động dưới 10 lần trong 12 giờ sau 28 tuần.
Các dấu hiệu báo hiệu chuyển dạ
Ra chất nhầy hồng, vỡ nước ối, cơn gò xuất hiện đều đặn, tăng cường độ. Khi xuất hiện các dấu hiệu trên bạn hãy nhanh chóng đến các cơ sở bảo sanh. Thời gian chuyển dạ con so thường dài hơn con rạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận