19/03/2017 13:55 GMT+7

Singapore sẽ là kinh đô thiết kế của ASEAN

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Đất nước Singapore nổi tiếng với những công trình kiến trúc sáng tạo và quy hoạch đô thị “xanh sạch đẹp” có thể trở thành kinh đô thiết kế của Đông Nam Á, tờ The Philippine Star nhận định.

Tiong Bahru là một trong những khu vực sôi động nhất của Singapore với những căn shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng) có kiến trúc nghệ thuật cổ kính nằm nối nhau hàng hàng lớp lớp - Ảnh: MINH ANH
Tiong Bahru là một trong những khu vực sôi động nhất của Singapore với những căn shophouse (nhà ở kiêm cửa hàng) có kiến trúc nghệ thuật cổ kính nằm nối nhau hàng hàng lớp lớp - Ảnh: MINH ANH

Năm 2015, trang mạng Mashable đưa ra ba lý do khiến đảo quốc sư tử sẽ trở thành “kinh đô thiết kế của châu Á”, gồm việc chính phủ đầu tư tài nguyên để phát triển ngành thiết kế, các nỗ lực thiết kế sáng tạo được cộng đồng công nhận và Singapore là nơi hội tụ của nhiều nhà thiết kế hàng đầu thế giới.

Nhật báo The Philippine Star ngày 18-3 cũng cho rằng Singapore “đang tiến bước để trở thành thủ đô thiết kế của Đông Nam Á”, và đưa ra hẳn 10 lý do cho nhận định này, với các dẫn chứng chủ yếu là các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ thiết kế Singapore lần 4 vừa kết thúc hôm 12-3.

Bắt kịp xu hướng, trân trọng nhân tài

Lý do đầu tiên khiến Singapore có thể nổi lên là thủ phủ của ngành thiết kế khu vực chính là quốc gia này luôn bắt kịp các xu hướng sáng tạo mới nhất.

Điển hình là tại Hội chợ đồ gỗ quốc tế Singapore (IFFS), diễn ra từ ngày 9 đến 12-3, có 428 công ty đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trình diễn những xu hướng mới nhất trong thiết kế đồ nội thất và chiếu sáng như thiết kế xanh, bền vững, sử dụng vật liệu tái chế...

Là nước chủ nhà, dĩ nhiên các công ty Singapore ủng hộ các xu hướng mới này nhiệt thành nhất.

Ngoài sự nhanh nhạy với xu hướng, Singapore cũng luôn coi trọng các phát minh, sáng kiến cách tân trong thiết kế sáng tạo thông qua nhiều sự kiện tôn vinh lĩnh vực này.

Chẳng hạn, tại SingaPlural, triển lãm thiết kế thường niên vừa kết thúc ở Singapore ngày 12-3, Công ty thiết kế Machineast đã công bố công nghệ sấy siêu khô chỉ trong vòng 10 phút mà hãng hợp tác với Công ty thời trang Uniqlo (Nhật).

Báo Philippine Star cho rằng Singapore cũng đang dần xây dựng được thương hiệu thông qua các công ty thiết kế và thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế.

Edwin Low, nhà sáng lập gallery nghệ thuật nổi tiếng Supermama, đã tập hợp năm nhà thiết kế Singapore tài năng vào dự án Singapore Icons Studio Project, phối hợp với nhà sản xuất gốm nổi tiếng Kihara (Nhật) để in hình sư tử biển - biểu tượng của đảo quốc - lên đĩa gốm.

Singapore cũng có các nhà thiết kế nổi tiếng toàn cầu như Carolyn Kan, chủ thương hiệu trang sức Carrie K. Jewellery. Cô Kan được Hãng phim Disney mời thiết kế dòng trang sức dùng riêng cho bộ phim Beauty and the beast vừa ra rạp cuối tuần này.

Singapore cũng sẵn sàng mời gọi, hợp tác với các nhà thiết kế hàng đầu thế giới như kiến trúc sư danh tiếng người Pháp Philippe Starck (thiết kế khách sạn M Social ở Robertson Quay) hay nhà thiết kế Ý Giulio Cappellini để xây dựng Ngôi nhà Ý tại IFFS.

Ngoài ra, Singapore cũng luôn tích cực tìm kiếm và thu hút tài năng thiết kế, thông qua các cuộc thi như giải thưởng thường niên Furniture Design Award Singapore, thu hút hàng trăm nhà thiết kế nội thất từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm để chọn ra 12 người chiến thắng.

Chính phủ hỗ trợ mạnh

Tiếp theo nhóm 5 nguyên nhân mang đến vị thế “kinh đô thiết kế” cho Singapore nói trên, báo Philippine Star cho rằng tầm nhìn và sự đầu tư đúng đắn của chính phủ cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo cũng đã góp phần mạnh mẽ cho vị trí của Singapore.

Tại Singapore, thiết kế hiển hiện trong từng ngóc ngách của đời sống, đặc biệt là ăn uống, khi có rất nhiều nhà hàng với thiết kế độc đáo đặt tại đảo quốc như nhà hàng của nữ đầu bếp Janice Wong đặt tại Bảo tàng Quốc gia, với các bức tranh bằng sôcôla treo trên tường và trang trí trên bàn ăn.

Chính phủ Singapore cũng thể hiện “ý chí chính trị” ủng hộ và hỗ trợ ngành thiết kế thông qua hàng loạt cơ quan như Trung tâm Thiết kế quốc gia, cơ quan cấp nhà nước về thiết kế và Hội đồng thiết kế Singapore, chuyên hỗ trợ các nhà thiết kế.

Ngoài ra còn có các tổ chức chuyên về thiết kế giúp Singapore có đầy đủ tài nguyên cần thiết để sử dụng thiết kế vào việc tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Chính quyền đảo quốc sư tử cũng đặt ưu tiên hàng đầu lên thiết kế và quy hoạch đô thị, tạo điều kiện cho các kiến trúc sư và nhà quy hoạch được thoải mái sáng tạo và áp dụng các ý tưởng, giải pháp cách tân, đột phá.

Một trong những lý do khác khiến Singapore sẽ là “kinh đô thiết kế” của khu vực chính là quốc gia này có sẵn nhiều sân chơi để giới thiết kế và sản xuất hàng hóa có thể hội tụ và cho ra những sản phẩm độc đáo chưa từng có.

Triển lãm MultipliCity ngày 11-3 đã giới thiệu những sản phẩm độc nhất vô nhị như nước hoa có mùi sách mới in (sự kết hợp giữa nhà thiết kế sách và hãng nước hoa) hay “cây giày” - kệ đựng giày thiết kế hình trụ do nhà thiết kế giày Beatrix Ong phối hợp với Hãng đồ gỗ nội thất Jointed + Jointed cùng sáng tạo.

Lý do cuối cùng, theo tờ Philippine Star, là ngoài những thành tựu nổi bật về thiết kế công nghiệp, quy hoạch đô thị, Singapore cũng được xem là “thế lực đang lên” trong ngành thời trang, với những thương hiệu tiếng tăm như Catch hay Onlewo.

Tháng 12-2015, Singapore được Tổ chức UNESCO công nhận là “Thành phố thiết kế sáng tạo” - danh hiệu có từ năm 2004 - nhằm vinh danh các thành phố xem sáng tạo là yếu tố chiến lược cho sự phát triển.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp