Đoàn môtô dẫn đường cho xe chở nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore - Ảnh: AP
Dù thời gian chuẩn bị ít ỏi, Singapore vẫn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào tháng 6-2018 một cách suôn sẻ. Đài Al Jazeera điểm lại công tác chuẩn bị của Singapore hồi năm ngoái.
An ninh, an ninh, an ninh
Ưu tiên quan trọng nhất trong khâu tổ chức trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12-6-2018 là an ninh. Bắt đầu với việc bảo vệ an toàn thân thể cho hai nhà lãnh đạo và giữ an ninh ở các khách sạn họ lưu trú, địa điểm diễn ra hội nghị...
Một khi địa điểm đã được thống nhất bởi các nhóm tiền trạm của Mỹ và Triều Tiên, mỗi bên còn phải duyệt tất cả chi tiết từ nhỏ đến lớn xung quanh sự kiện cấp cao này.
Các phương án kiểm soát đám đông cần phải lên kế hoạch trước, bao gồm cả những bất tiện cho người dân trong thời điểm diễn ra hội nghị, ví dụ như chặn đường, đánh lạc hướng, các tình huống chậm trễ, kiểm tra an ninh...
Năm ngoái, không phận của Singapore bị giới hạn để nhường chỗ cho máy bay quân sự tuần tra, hành khách đi máy bay thương mại phải chịu cảnh trễ giờ, cả chiều đi lẫn đến.
Tuần tra đường thủy cũng được tăng cường, đặc biệt là vùng nước xung quanh hòn đảo nghỉ dưỡng nhỏ Sentosa - nơi ông Trump và ông Kim gặp nhau.
Tàu hải quân sẽ được triển khai trong khu vực, trực thăng thì quần đảo trên không, và tất cả tàu bè qua lại sẽ có tàu quân sự theo hộ tống.
Đảo Sentosa - nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, nối với đảo chính Singapore bằng một cây cầu - Ảnh: AP
Nhiều thử thách
Theo các chuyên gia ngoại giao và nghi thức, các sự kiện lớn tương tự thượng đỉnh Mỹ - Triều thông thường có thể phải chuẩn bị trong 6 tháng đến 1 năm. Do đó 2 tuần là quá ít ỏi.
Trong khi đoàn tiền trạm của Mỹ và Triều Tiên làm công việc của họ, Singapore phải tức tốc đi tìm người biết nói tiếng Hàn trong lực lượng cảnh sát và quân đội để giúp phiên dịch cho đoàn Triều Tiên.
Cảnh sát và nhân sự an ninh không được phép xin nghỉ trong thời gian hội nghị, và lực lượng vũ trang phải trong tư thế sẵn sàng, máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự cũng vậy.
Ngoài việc điều động khoảng 5.000 cảnh sát, phòng vệ dân sự và các nhóm khác, Singapore còn thuê các công ty an ninh tư nhân để lo khâu kiểm soát ra vào, giám sát đám đông, điều tiết giao thông và các biện pháp an ninh khác.
Bên cạnh đội quân nhà báo hơn 2.500 người tỏa đi khắp hòn đảo, những người qua đường, khách du lịch cũng sẽ hiếu kỳ và quan sát các hoạt động liên quan sự kiện, chẳng hạn đoàn vệ sĩ vận đồ vest luôn chạy theo xe của ông Kim Jong Un.
Cảnh sát vũ trang tuần tra bên ngoài khách sạn St. Regis, nơi ở của ông Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6-2018 - Ảnh: AP
Bài học truyền thông
Singapore giải quyết bài toán hậu cần cho hàng ngàn nhà báo bằng cách gấp rút dựng một trung tâm truyền thông trong tòa nhà tổ chức đua xe Thể thức 1 ở trung tâm thành phố, truyền hình trực tiếp về trung tâm này mọi hoạt động của hội nghị trên đảo Sentosa cách đó 10km.
Như để biểu dương sức mạnh mềm, Singapore trang bị cho Trung tâm Truyền thông quốc tế các tiện nghi chưa từng thấy, làm sao để các phóng viên quốc tế chỉ nhìn thấy những cái "nhất" của đất nước họ.
Thủ tướng Lý Hiển Long ước tính Singapore tốn khoảng 14,8 triệu USD (thực tế là 11,8 triệu USD) để tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng các chuyên gia truyền thông nhận định hòn đảo nhỏ nhận lại được cái lợi tối thiểu gấp 10 lần thông qua tin tức tích cực trên mặt báo, tivi...
Ông Jason Tan, chuyên gia của công ty truyền thông Zenith Singapore, nhận xét số tiền 14,8 triệu USD chỉ đủ để mua 90 giây quảng cáo trong một chương trình nhiều khán giả nhất ở Mỹ - giải bóng bầu dục Super Bowl.
"Còn với sự kiện thượng đỉnh, chúng tôi nhận được cả 1 tuần lễ (quảng cáo) trên mặt báo toàn cầu, hiệu ứng thương hiệu tích cực và mối quan tâm lớn đến Singapore như một quốc gia" - ông Tan giải thích.
Và cuối cùng, trên cả truyền thông, vị thế chiến lược của Singapore trên trường quốc tế cũng được nâng tầm sau thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận