Đường phố không bóng người tại Singapore vì các giới hạn chống dịch COVID-19 - Ảnh: BANGKOK POST
Chính phủ Singapore ngày 26-5 tuyên bố đại dịch COVID-19 đã giáng mạnh vào ngành xuất khẩu then chốt của nước họ.
Bộ Thương mại Singapore cho biết các dự đoán mới được đưa ra sau khi "cân nhắc tình hình suy giảm nhu cầu ở bên ngoài", cũng như các lệnh giới hạn phòng dịch nội địa. Mức suy thoái 7% sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ khi Singapore độc lập vào năm 1965.
"Sức khỏe" kinh tế Singapore được xem là chỉ báo cho kinh tế toàn cầu. Giới quan sát nhận định mức suy giảm lịch sử này đang phản ánh thiệt hại nặng nề mà COVID-19 mang đến không chỉ cho Singapore mà còn là toàn thế giới.
Dự báo trên được công bố chỉ vài giờ trước khi phó thủ tướng nước này chuẩn bị công bố gói kích thích kinh tế tiếp theo.
Theo Bộ Thương mại Singapore, nền kinh tế tại đây đã suy giảm 0,7% trong 3 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm 4,7% so với quý trước đó.
Quốc gia này đóng vai trò là một trong những trung tâm tài chính của thế giới và thường "lãnh đòn" mạnh nhất và sớm nhất trong bất cứ cú sốc toàn cầu nào.
Nỗ lực khôi phục
Việc các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đóng cửa đã siết chặt nhu cầu dành cho xuất khẩu, làm hàng không quốc tế trở nên đình trệ và phá hủy ngành du lịch của Singapore.
Quốc gia này đã yêu cầu đa số doanh nghiệp đóng cửa, kêu gọi người dân không ra đường và cấm tụ tập đông người. Trong khi chính quyền cho biết sẽ bắt đầu nới lỏng quy định từ đầu tháng 6, nhiều giới hạn vẫn sẽ được duy trì.
Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat, kiêm bộ trưởng tài chính nước này, sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ kinh tế trước quốc hội vào ngày 26-5. Đây là đợt hỗ trợ thứ 2 sau gói hỗ trợ trị giá 42 tỉ USD trước đó, được huy động từ nguồn dự trữ khổng lồ của Singapore.
Nhà kinh tế Song Seng Wun tại CIMB Private Banking dự đoán Singapore sẽ cảm nhận toàn bộ sức nặng mà đại dịch mang lại trong quý 2-2020, với GDP có thể sụt giảm 15-20%.
"Singapore là một nền kinh tế nhỏ và mở, có thương mại lớn gấp 3 lần GDP. Các suy thoái mạnh đang phản ánh sự dễ tổn thương của quốc gia này trước tác nhân bên ngoài", ông nói với AFP.
Bộ Thương mại nước này cũng cho biết "tình hình vẫn còn khó đoán", mặc cho một số nền kinh tế đã dần mở cửa lại.
"Đầu tiên, vẫn còn nguy cơ từ các đợt lây nhiễm tiếp theo tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng euro khi những nơi này dần trở lại sau phong tỏa.
Thứ hai, sự thu hẹp của không gian chính sách tài chính đang ngày càng hiện rõ ở nhiều nền kinh tế lớn có thể làm tổn hại niềm tin vào khả năng khôi phục sau cú sốc của các chính quyền", cơ quan này tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận