Phụ nữ Singapore tạo dáng cùng quốc kỳ trong ngày kỷ niệm 55 năm độc lập của đảo quốc hôm 9-8 - Ảnh: AFP
Trong một báo cáo tuần qua, Bộ Công nghiệp và thương mại Singapore cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2-2020 của nước này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số được Bộ trưởng Chan Chun Sing mô tả là "số liệu hằng quý tồi tệ nhất được ghi nhận".
Thay đổi mãi mãi
Phát biểu sau khi công bố ước tính tiêu cực trên, Bộ trưởng Chan gây chú ý khi khẳng định Singapore sẽ không bao giờ có thể trở lại "mức bình thường cũ", tức một thế giới trước đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19).
Ông Chan nhận định rằng dự báo kinh tế sa sút của năm 2020 đồng nghĩa tăng trưởng trong hai tới ba năm vừa qua sẽ bị quét sạch.
"Số liệu trên phản ánh tác động của COVID-19, cũng như các tác nhân sâu hơn đang tái định hình kinh tế toàn cầu và vị trí của chúng ta trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông nói tại cuộc họp báo hôm 11-8.
Thực tế sau khi trải qua giai đoạn ban hành các quy định kiểm soát dịch nghiêm ngặt, nền kinh tế Singapore dự kiến khôi phục mạnh mẽ hơn vào năm sau. Nhu cầu trong nước là một trong những động lực cho quá trình khôi phục này, tuy nhiên tất cả đều cần nỗ lực và kiên nhẫn.
Tác động của COVID-19 được ghi nhận rõ nơi các nhóm ngành như dịch vụ, lưu trú, thực phẩm và xây dựng, song các ngành khác vốn vẫn trụ vững trước đây cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn.
Hôm 16-8, Singapore ghi nhận thêm 86 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên gần 56.000.
Theo Bộ trưởng Chan, ông hiểu rằng nhiều người hi vọng sẽ nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, nhưng "sự thật đau lòng" là tiến trình này sẽ mất thời gian và cũng "nhiều khả năng không êm đềm".
Đây không phải bức tranh đẹp cho Singapore, đặc biệt trong giai đoạn quốc gia này kỷ niệm 55 năm thành lập.
Khi được hỏi rằng Singapore nhìn nhận như thế nào về tương lai, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherin Wong cũng thừa nhận với Tuổi Trẻ rằng người Singapore phải chấp nhận cuộc sống của mình thay đổi hoàn toàn.
"Cũng như các quốc gia trên toàn thế giới, Singapore đã bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng, khiến chúng tôi phải thay đổi cách sống, làm việc và vui chơi. Trên hết, tình hình địa chính trị đang trở nên căng thẳng hơn.
Giữa những diễn biến này, Singapore vẫn cam kết hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực và hơn thế nữa để vạch ra một hướng đi tích cực" - bà nói.
Dũng cảm bước tới tương lai
Chấp nhận thực tại, Singapore tập trung các biện pháp để khôi phục kinh tế và nhìn về tương lai bằng con mắt lạc quan.
Hôm 11-8, Bộ trưởng Nhân lực Josephine Teo cho biết trọng tâm hiện nay là giúp các công ty giữ chân càng nhiều công nhân càng tốt.
Có khoảng 92.000 việc làm, thực tập sinh hoặc công việc liên quan đã được cung cấp cho người tìm việc làm, như một phần trong chương trình Gói kỹ năng và việc làm SGUnited.
Phần lớn các công việc này dành cho chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và kỹ thuật viên, theo Straits Times. Khó khăn nằm ở chỗ các doanh nghiệp vẫn còn lo ngại về tình hình dịch bệnh, dẫn tới nhu cầu thuê mướn nhân công dự kiến còn thấp trong quý tới đây.
Song song với các kế hoạch hỗ trợ, Singapore cũng xác định đây là thời điểm để thích ứng với tương lai, cũng là cơ hội để thay đổi.
Theo lời Đại sứ Wong, COVID-19 xảy ra đúng thời điểm các doanh nghiệp đang bị gián đoạn bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng đại dịch đã thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, ví dụ các thỏa thuận làm việc tại nhà, thương mại điện tử, giải trí trực tuyến...
"Một mặt, xu hướng này dẫn tới việc một số việc làm truyền thống biến mất, nhưng mặt khác chúng tôi cũng có thể tận dụng khủng hoảng để thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế.
Singapore sẽ tiếp tục nâng cấp kỹ năng cho công nhân, giúp các công ty tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, tận dụng tối đa tiến bộ công nghệ. Điều này giúp chúng tôi ổn định khi bắt đầu công việc phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch", bà nói với Tuổi Trẻ.
Tương tự, Bộ trưởng Chan cũng khẳng định một số ngành công nghiệp đã "thay đổi vĩnh viễn" vì dịch bệnh, và chính phủ tập trung giúp các công ty thuộc những nhóm ngành này tái tạo chính họ, thích ứng với môi trường mới, xoay trục sang các thị trường mới.
Theo ông Chan, vị thế của Singapore trên tư cách một trung tâm về cảng và hàng không "không bao giờ được xem là chuyện đương nhiên".
Muốn quan hệ tốt với Mỹ lẫn Trung Quốc
Chính quyền Singapore vừa qua cũng lưu ý rằng ngoài COVID-19, căng thẳng quốc tế giữa các cường quốc trong giai đoạn này cũng là một trong những tác nhân ảnh hưởng tới nền kinh tế Singapore cũng như toàn cầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Đại sứ Wong cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, các quốc gia trong khu vực bao gồm Singapore đều muốn có mối quan hệ xây dựng và tốt đẹp với cả hai.
Hai nước này đều có mối liên kết rộng rãi với thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở mọi mức độ, cũng như là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN.
"Chúng tôi hi vọng Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau một cách xây dựng, tạo ra kết quả có lợi cho đôi bên. Tất nhiên, quan hệ giữa những cường quốc đôi lúc sẽ tạo ra căng thẳng, đó là điều chúng ta đều dự đoán được.
Nhưng như Thủ tướng Lý Hiển Long đã viết gần đây, Singapore hi vọng hai bên sẽ vượt qua khác biệt, xây dựng lòng tin và làm việc một cách xây dựng cùng nhau, để duy trì trật tự quốc tế hòa bình, ổn định.
Cũng như các nước khác trong khu vực, mối quan hệ giữa Singapore và Mỹ, Trung Quốc không phải là kẻ được, người mất. Xa hơn, có nhiều vấn đề xuyên biên giới cần tất cả chúng ta cùng hợp tác với nhau, bao gồm COVID-19 và biến đổi khí hậu" - bà nói.
Bộ Công nghiệp và thương mại Singapore ước tính nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 5-7% trong năm 2020, con số cao hơn so với ước tính từ 4-7% trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận