Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại lễ diễu hành ngày 21-8 nhân ngày Quốc khánh, ông Lý cho biết xã hội Singapore, đặc biệt là những người trẻ tuổi ở thành phố, đang dần chấp nhận người đồng tính hơn.
"Tôi tin rằng đây là điều đúng đắn nên làm và là điều mà hầu hết người dân Singapore sẽ chấp nhận", ông nói nhưng không đề cập mốc thời gian cụ thể mục 377A sẽ bị bãi bỏ.
Theo Hãng tin Reuters, các nhóm ủng hộ cộng đồng người đồng tính, song tính, giới tính khác biệt và chuyển giới (LGBTQ) đã hoan nghênh quyết định của ông Lý về việc bãi bỏ mục 377A trong Bộ luật hình sự của Singapore. Điều luật này vốn quy định quan hệ tình dục giữa nam giới là phạm pháp.
Dù vậy, các nhóm này cũng bày tỏ lo ngại rằng việc không công nhận hôn nhân đồng giới sẽ không thể giúp xóa bỏ nạn phân biệt đối xử.
Theo mục 377A của Bộ luật hình sự Singapore, người phạm tội có thể bị bỏ tù lên đến 2 năm. Song việc thi hành luật này hiện không mấy nghiêm ngặt.
Trong nhiều thập kỷ qua, Singapore chưa lần nào kết án liên quan đến quan hệ tình dục tự nguyện giữa nam giới trưởng thành. Mục 377A cũng không bao gồm quan hệ tình dục giữa phụ nữ hoặc các giới tính khác.
Tuy sẽ bỏ luật cấm, ông Lý vẫn nhấn mạnh chính phủ tiếp tục ủng hộ định nghĩa truyền thống về hôn nhân, tức giữa nam và nữ.
"Chúng tôi tin rằng hôn nhân nên là giữa nam và nữ, con cái nên được nuôi dưỡng trong những gia đình như vậy, gia đình truyền thống phải hình thành nền tảng cơ bản của xã hội", ông nói.
Theo vị thủ tướng này, Singapore sẽ "bảo vệ định nghĩa về hôn nhân khỏi thách thức về mặt hiến pháp tại tòa án". "Điều này sẽ giúp chúng tôi bãi bỏ mục 377A một cách có kiểm soát và cân nhắc kỹ lưỡng", ông khẳng định.
Singapore là một xã hội đa chủng tộc và đa tôn giáo với 5,5 triệu dân.
Các cộng đồng Phật giáo và Thiên Chúa giáo tại Singapore có quy mô đáng kể, trong khi khoảng 16% dân số nước này là người Hồi giáo. Theo điều tra dân số năm 2020, Singapore chủ yếu là người gốc Hoa, người Mã Lai và Ấn Độ.
Singapore trở thành quốc gia châu Á mới nhất tiến tới chấm dứt phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ.
Vào năm 2018, tòa án cấp cao nhất của Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh cấm quan hệ tình dục đồng tính từ thời thuộc địa, trong khi Thái Lan gần đây đã tiến gần hơn đến việc hợp pháp hóa các mối quan hệ đồng giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận