06/04/2023 05:30 GMT+7

SIM điện thoại của mình, sao để người khác đứng tên?

Cả chục năm vô tư dùng SIM điện thoại di động do người khác đứng tên, đến khi muốn chuyển sang tên mình lại vướng quá nhiều khó khăn.

Khách đến chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại cửa hàng giao dịch nhà mạng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Khách đến chuẩn hóa thông tin thuê bao di động tại cửa hàng giao dịch nhà mạng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Có những chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra tại các điểm giao dịch của nhà mạng, khi người dân đi chuẩn hóa thông tin thuê bao trong những ngày qua.

Đó là những người không thể tự cập nhật thông tin của mình tại nhà. Rất đông người phải đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng những ngày qua để cập nhật thông tin SIM điện thoại chính chủ. Chuyện tưởng dễ lại không dễ với nhiều người. Vì nhiều lý do, họ không dễ chuyển từ tên người khác sang tên mình.

Ông N. đến đăng ký chuyển chủ quyền số điện thoại đã dùng hơn 10 năm sang tên ông. Số và SIM điện thoại trước đây ông được công ty cấp cho. Theo quy định của các nhà mạng, ông N. thuộc đối tượng khách hàng doanh nghiệp (do doanh nghiệp đứng tên đăng ký thông tin thuê bao) nên khi chuyển đổi chủ quyền cần phải có các loại giấy tờ và thủ tục như giấy phép kinh doanh của công ty, giấy giới thiệu và người đại diện pháp luật ký tên đồng ý chuyển chủ quyền. Tuy nhiên, công ty ông N. đã giải thể cách đây mấy năm nên giờ không thể kiếm được các giấy tờ đúng như yêu cầu.

Khá nhiều trường hợp khác là thuê bao cũng đứng tên công ty nhưng người dùng đã nghỉ làm từ rất lâu. Công ty cũ cũng đã chuyển đổi hoặc giải thể, nhưng thời điểm đó người dùng chủ quan không đi chuyển chủ quyền sang tên mình. Giờ đi chuyển đổi không biết đường nào kiếm ra các giấy tờ như yêu cầu của nhà mạng. Việc chuyển chủ quyền thành ra phức tạp và lâu hơn bình thường.

Cũng đi chuyển chủ quyền nhưng ông D. lại vướng tình cảnh trớ trêu khác. Ông không được nhà mạng chấp nhận, bởi thuê bao ông đang dùng do vợ cũ của ông đứng tên. Hai người đã ly hôn từ lâu và có mâu thuẫn cá nhân nên người vợ cũ nhất quyết không đồng ý sang tên cho ông D.. Nhân viên nhà mạng chỉ còn biết cách yêu cầu ông D. về tìm cách thuyết phục người vợ cũ đổi ý.

Anh Đ.L. dùng hai số điện thoại di động. Tuần trước, anh nhận được thông tin khóa một chiều đối với số thuê bao trả trước anh ít khi dùng đến. Nhà mạng giải thích rằng thông tin đã đăng ký không đầy đủ, đề nghị chủ thuê cập nhật thông tin cá nhân theo giấy tờ tùy thân mới nhất. Khổ cái là SIM điện thoại này anh mua nhiều năm trước, người đứng tên là một phụ nữ. Lúc mua, chỉ cần gắn vào máy và cứ vậy dùng tới nay. Giờ cửa hàng dọn đi đâu không rõ, người phụ nữ đứng tên là ai anh không biết tìm nơi đâu. 

Không ít người dùng cứ khăng khăng rằng chỉ cần nắm rõ lịch sử sử dụng SIM điện thoại là đủ làm bằng chứng họ là người chủ thuê bao và phải được chuyển chủ quyền đơn giản, bất chấp SIM có thể đang được đứng tên bởi người khác.

Nhiều người chưa thấy được tầm quan trọng của số điện thoại hiện nay không khác gì định danh cho một cá nhân cụ thể trong công việc, liên lạc. Đó là chưa kể số điện thoại di động giờ đã để đăng ký, xác thực, nhận thông báo cho rất nhiều dịch vụ qua mạng như ngân hàng, ví điện tử, thủ tục hành chính công, tài khoản mạng xã hội...

Tầm quan trọng của số điện thoại di động với các giao dịch hiện đại của người dùng đủ cho thấy nó là một tài sản vô cùng quan trọng của riêng mỗi người dùng.

1,7 triệu thuê bao bị tạm khóa một chiều chỉ là con số nhỏ trong số bao la những SIM có đủ thông tin nhưng người này dùng, người lạ đứng tên. Khi cần chuyển sang chính chủ đang dùng có thể sẽ vướng khó khi người giữ SIM và người đứng tên không quen biết gì nhau! Và cũng có thể phát sinh nhiều tình huống pháp lý sau này với SIM không chính chủ.

Nhà mạng tạo điều kiện cho các thuê bao

Theo quy định về chuẩn hóa thông tin thuê bao di động trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc cung cấp đúng thông tin cá nhân cho nhà mạng vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của người dùng.

Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của các nhà mạng di động, đồng thời bảo vệ quyền lợi khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết nhằm tạo điều kiện cho người dùng nhanh chóng và dễ dàng cập nhật thông tin thuê bao của mình, nhà mạng sẽ hỗ trợ thực hiện khi khách hàng cam kết, xác nhận và đồng ý với nhà mạng rằng những thông tin cập nhật là chính xác và số thuê bao đang tự cập nhật thông tin là số thuê bao thuộc quyền sử dụng của khách hàng.

"Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sử dụng của số thuê bao thì nhà mạng VinaPhone có quyền dừng cung cấp dịch vụ để kiểm tra đối chiếu theo lịch sử thông tin thuê bao đã sử dụng tại hệ thống của nhà mạng. Kết luận cuối cùng về quyền sử dụng số thuê bao này sẽ do nhà mạng VinaPhone quyết định", đại diện nhà mạng cho biết.

Đ.THIỆN

Tất cả thuê bao di động cần chuẩn hóa thông tin cá nhân?Tất cả thuê bao di động cần chuẩn hóa thông tin cá nhân?

Chủ thuê bao di động có thể nhắn tin tới số 1414 với cú pháp TTTB hoàn toàn miễn phí để biết được thuê bao của mình đã có thông tin đúng và đủ chưa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp