07/12/2024 12:30 GMT+7

‘Siêu’ ủy ban quản lý vốn nhà nước sắp không còn, chủ tịch nói về điều 'băn khoăn nhất'

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành. Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch ủy ban - đã có những chia sẻ về công tác sắp xếp cán bộ.

‘Siêu’ ủy ban quản lý vốn nhà nước sắp không còn, chủ tịch nói về điều 'băn khoăn nhất' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh: CMSC

Ngày 6-12, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình - phó trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính phủ - vừa tiếp tục ký, ban hành văn bản số 141 về kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sẽ kết thúc hoạt động và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về các bộ quản lý ngành, nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.

6 năm qua, cán bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa "chạy" vừa "xếp hàng"

Cùng ngày, CMSC cũng tổ chức buổi tổng kết năm 2024, đây là hội nghị tổng kết năm cuối cùng trước khi cơ quan này kết thúc hoạt động.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch CMSC - đã có những chia sẻ về hoạt động của ủy ban và kỳ vọng của ông về sắp xếp cán bộ.

"Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm", ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Không chỉ tổng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, chủ tịch CMSC khẳng định chưa phát sinh bất kỳ dự án đầu tư nào có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước.

Đề cập tới chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Hoàng Anh chính thức thông báo ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng.

"Ủy ban đã họp và thành lập ban chỉ đạo và triển khai các nội dung theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ. Tuần tới, ủy ban sẽ chuẩn bị nội dung chi tiết, xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ trước khi họp với các bộ ngành, doanh nghiệp", ông Hoàng Anh nêu lộ trình.

Chủ tịch CMSC cũng mong các cán bộ nhân viên của ủy ban dù ở vị trí nào vẫn luôn nỗ lực phát huy tối đa trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển chung. 

Điều mà ủy ban "băn khoăn nhất" là làm thế nào để vai trò của đại diện sở hữu nhà nước tiếp tục được thẩm định, có đóng góp tốt nhất, ông Hoàng Anh nói.

"Với cán bộ của ủy ban, 6 năm qua họ vừa 'chạy' vừa 'xếp hàng'. Các anh em đã rất cố gắng. 

Ủy ban đã xin ý kiến, hy vọng các cán bộ được sắp xếp về các cơ quan bộ ngành hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Hoàng Anh nói, mong muốn anh em cán bộ có công việc ổn định, tiếp tục được cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung.

Tình hình 19 tập đoàn, tổng công ty trước khi bàn giao

Trong báo cáo mới nhất, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và 10% so với cùng kỳ.

Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111.692 tỉ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm về tổng doanh thu hợp nhất khi ước đạt hơn 966.000 tỉ đồng, vượt 32% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của PVN ước đạt 48.900 tỉ đồng, vượt 2,2 lần kế hoạch năm.

Báo cáo cũng cho biết doanh thu EVN ước đạt 575.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MobiFone ước đạt 2.048 tỉ đồng, vượt 20,6% kế hoạch năm.

Ngoài ra, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) tiếp tục duy trì được kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi của năm 2023 sau nhiều năm liên tiếp ở trong tình trạng thua lỗ, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.252 tỉ đồng, bằng 104% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong danh mục 19 tập đoàn, tổng công ty mà ủy ban quản lý vốn, có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như: Petrolimex (mã PLX), Vietnam Airlines (HVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VIF), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VSF), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN).

Ủy ban cũng liên quan gián tiếp nhiều cổ phiếu thông qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị nắm vốn của Vinamilk, FPT…

‘Siêu’ Ủy quản lý vốn nhà nước sắp kết thúc hoạt động, chủ tịch nói về chuyện cán bộ - Ảnh 2.Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết thúc hoạt động: 'Tránh tâm lý hoang mang'

Hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bắt đầu lúc hơn 15h chiều 6-12, có lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện 19 tập đoàn, tổng công ty tham dự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp