Phóng to |
“Siêu trộm” Nguyễn Tuấn Vũ (phải) và Nguyễn Quốc Phú bị dẫn giải ra khỏi phiên tòa - Ảnh: H.KHÁ |
Vụ án có 66 bị hại nhưng tới phiên tòa chỉ có chưa tới 1/3. Đa số người ở các cơ quan nhà nước bị mất trộm đều không có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa.
Trộm được tiền của nhiều “sếp”
Theo cáo trạng, Nguyễn Quốc Phú (34 tuổi, quê Hà Nội) dùng ôtô (thuê xe tự lái tại Nha Trang) chở Nguyễn Tuấn Vũ (37 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đi các tỉnh thành trên toàn quốc để trộm cắp tại các công sở.
Trước khi trộm cắp, Phú chở Vũ đi khảo sát vị trí, sau đó đến khách sạn lưu trú, thuê hai phòng ở riêng. Đến nửa đêm, Vũ một mình đến những địa điểm đã khảo sát, đột nhập vào trộm cắp.
Sau khi thực hiện xong, Vũ điện cho Phú đến chở và tiếp tục di chuyển tới các địa phương khác. Với phương thức, thủ đoạn như vậy, từ ngày 16-4-2011 đến 8-1-2012 Vũ đã thực hiện 36 vụ trộm tại 16 tỉnh thành trên toàn quốc.
Thay ảnh, đổi năm sinh để thuê khách sạn Để che giấu hành vi phạm tội của mình, khoảng 1g ngày 26-4-2011, Vũ một mình đột nhập trụ sở UBND thị xã Bà Rịa, dùng tuôcnơvit, mỏ lết cạy phá cửa sổ, cửa chính tám phòng làm việc của chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, chánh văn phòng và phó chánh văn phòng UBND, phòng quản lý đô thị và phòng kinh tế. Tại đây, Vũ lấy nhiều tài sản, cạy phá, lục soát phòng làm việc của ông Mã Hồng Trung (phó chủ tịch HĐND) lấy 1 thẻ đảng viên, 1 thẻ học viên và 1 chứng chỉ đại học mang tên Mã Hồng Trung. Sau đó Vũ trở về phòng trọ, sáng hôm sau đón xe về Bình Dương, Vũ gỡ ảnh ông Mã Hồng Trung ra, dán ảnh của Vũ vào các giấy tờ trộm cắp của ông Trung, sửa lại năm sinh, sau đó sử dụng để thuê phòng trọ. |
Điều đáng chú ý, trong giá trị tài sản hơn 2 tỉ đồng mà hai “siêu trộm” lấy được ở công sở thì hầu hết là tiền, vàng của các sếp, thậm chí còn lấy được cả tiền đựng trong phong bì ở phòng làm việc của một lãnh đạo.
Chẳng hạn như khi đột nhập vào Sở Tài chính TP Đà Nẵng, Vũ cạy phòng làm việc của bà Lê Thị Hường (giám đốc sở) lấy 20 triệu đồng, sau đó vào phòng ông Nguyễn Thanh Sang (phó giám đốc sở) lấy trộm 5 triệu đồng và 1.000 USD.
Tại tỉnh Quảng Bình, Vũ vào phòng làm việc của ông Từ Minh Liên (giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp) lấy tổng cộng vàng và tiền trị giá 232 triệu đồng.
Tại Quảng Nam, Vũ lấy của bà Nguyễn Thị Hồng Hà (phó giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết) 50 triệu đồng còn để trong phong bì. Ở tỉnh Đắk Lắk, Vũ lấy của ông Ngô Quang Trường (phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội) 50 triệu đồng...
Có lần Vũ thuê ôtô vào cơ quan nhà nước phá cửa hàng chục phòng làm việc mà không bị phát hiện. Cụ thể là vụ đột nhập vào UBND huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) đêm 20-9-2011, trong vụ này Vũ lấy của ông Lê Văn Xương (chủ tịch UBND huyện) một khẩu súng bắn hơi cay...
Không chỉ hoạt động ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, Vũ cùng Phú còn thực hiện hàng loạt vụ trộm khác tại các công sở ở các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... Vũ còn khai nhận thực hiện năm vụ trộm tại Bình Dương, Vĩnh Long, Hà Nội, Cần Thơ nhưng qua điều tra chưa có cơ sở để kết luận.
Đột nhập công sở là dễ nhất
Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Vũ xin hội đồng xét xử cho ngồi để trả lời với lý do “không đứng nổi”. Khi được chủ tọa đồng ý, Vũ bình thản ngồi dựa ngửa lưng vào ghế, cúi mặt trả lời từng câu hỏi.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo quen Phú lúc nào?”. “Dạ thưa, bị cáo ở tù chung phòng với Phú nên thành ra thân quen. Khi trốn khỏi trại giam, bị cáo và Phú liên lạc với nhau. Phú lái ôtô thuê ở Nha Trang với giá 30 triệu đồng/tháng để chở bị cáo đi xuyên Việt” - Vũ khai.
Lúc chủ tọa yêu cầu “điểm” lại các vụ trộm, Vũ chỉ nói lí nhí: “Lâu ngày rồi, bị cáo không nhớ.” Để làm rõ tất cả tình tiết của các vụ trộm, chủ tọa trích đọc lại một vài bút lục thì Vũ cúi đầu: “Dạ, bị cáo nhớ rồi”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Lúc nửa đêm bị cáo đi trộm, Phú ở nhà làm gì?”. Vũ trả lời: “Dạ, bị cáo không biết nhưng hầu như những lần đó Phú thường uống rượu say rồi ngủ”.
“Vì sao bị cáo lại chọn công sở nhà nước để đột nhập?” - tòa hỏi. Bị cáo Vũ liền đáp: “Đột nhập vào công sở là dễ nhất. Bảo vệ ở đây hầu như đến giờ là người ta đi ngủ”.
Trong khi đó tại cơ quan điều tra, Vũ khai khi đột nhập vào các cơ quan nhà nước, việc đầu tiên là ngắt camera để tránh bị phát hiện. Chỉ một vài lần Vũ bất cẩn không ngắt cầu dao nên bị camera ghi lại được hình ảnh.
Tại tòa Vũ phản bác điều này, Vũ nói: “Bị cáo không có hành vi như vậy. Bị cáo không ngắt cầu dao điện, bởi hình ảnh của bị cáo không chỉ bị ghi lại ở Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) mà còn bị quay ở nhiều nơi khác”.
Tại phiên tòa, bị cáo Phú một mực nói rằng không nhận tiền của Vũ như lời khai tại cơ quan điều tra. “Vũ nói với bị cáo thuê xe đi các tỉnh thành để tham quan du lịch. Bị cáo là người lái xe chở Vũ đi, rất nhiều vụ trộm chỉ một mình Vũ thực hiện, bị cáo không biết. Bị cáo và Vũ khi đến đâu cũng đều ngủ ở hai phòng khác nhau trong khách sạn” - Phú nói.
Tại phần luận tội, đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng cho rằng hành vi trộm cắp của hai bị cáo là rất chuyên nghiệp, tinh vi, gây hoang mang cho người dân trong thời gian dài, xâm phạm đến tài sản của nhiều cơ quan nhà nước. Đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 13-15 năm tù đối với bị cáo Vũ (tổng hợp với 17 năm tù của bản án trước đó chưa thi hành, cộng lại là 30 năm tù), riêng bị cáo Phú bị đề nghị tuyên 7-8 năm tù.
Hôm nay 23-7 tòa tuyên án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận