07/05/2012 08:07 GMT+7

Siêu đắt, siêu mỏng, siêu méo

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Nhiều dự án mở đường qua khu dân cư tại Hà Nội có giá đầu tư mỗi mét tới cả tỉ đồng, nhưng đổi lại bộ mặt cảnh quan đô thị vẫn xấu.

wcW9bEvt.jpgPhóng to
Để thực hiện dự án đường Trần Phú - Kim Mã sẽ phải giải tỏa các ngôi nhà phía trước. Dự kiến tiền xây dựng đoạn đường dài 450m từ Trần Phú tới Kim Mã chỉ có 18 tỉ đồng, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 150 tỉ đồng - Ảnh: X.Long

Tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa từng đôi lần “nóng lên” khi được đưa ra chất vấn qua các kỳ họp HĐND TP Hà Nội, bởi dù đầu tư lớn nhưng sau khi mở đường thì tình trạng nhà đất siêu mỏng siêu méo đua nhau mọc lên. Danh sách các dự án mở đường chạy qua khu dân cư với quy mô siêu ngắn nhưng giá đầu tư siêu đắt như vậy vẫn chưa dừng lại.

1 tiền đường, 8 tiền đất

Tại thời điểm tháng 10-2005, tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa có chiều dài hơn 1km được ví là con đường đắt nhất hành tinh khi có mức đầu tư tới hơn 770 tỉ đồng, trong đó tiền xây dựng đường chỉ chiếm khoảng 100 tỉ đồng, nhưng tiền giải phóng mặt bằng lên đến 600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, kỷ lục này nhanh chóng bị phá vào năm 2010 khi tuyến đường từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu được khởi công. Với chiều dài toàn tuyến chỉ có 483m, tuyến đường này “ngốn” một số vốn đầu tư lên tới hơn 642 tỉ đồng. Theo thiết kế được phê duyệt, tuyến đường rộng tới 50m, có dải phân cách giữa rộng 3m và vỉa hè mỗi bên rộng tới 7,5m. Để mở rộng đường như vậy cần phải thu hồi đất của 450 hộ dân, tính trung bình mỗi mét đường tại đây có giá tới 1,3 tỉ đồng, bao gồm cả chi phí xây lắp và giải phóng mặt bằng.

Mới nhất, tại dự án xây dựng đường Trần Phú tới Kim Mã (quận Ba Đình), theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tuyến đường dài 450m này có mức đầu tư lên tới 225 tỉ đồng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9 để kịp khởi công trong tháng 10-2012, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2013.

Ông Nguyễn Thế Công, phó chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết tuyến đường Trần Phú đã được thực hiện từ 20 năm trước, nhưng chỉ còn một đoạn ngắn 450m từ Trần Phú tới Kim Mã trước đây không thực hiện nên đến nay phải triển khai tiếp. Theo ông Công, để làm được đoạn đường 450m này cần phải thu hồi đất gần 220 hộ dân thuộc hai phường Kim Mã và Điện Biên. Sở Giao thông vận tải Hà Nội - đơn vị chủ đầu tư xây dựng tuyến đường này - tính toán trong tổng vốn dự kiến khoảng 225 tỉ đồng thì phần chi phí xây lắp chỉ có 18 tỉ đồng, còn chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tới trên 150 tỉ đồng, tức tiền giải phóng mặt bằng cao hơn tám lần tiền làm đường.

“Làm xấu cảnh quan”

Đề cập việc mở đường qua khu dân cư, ông Nguyễn Hoài Nam - trưởng Ban pháp chế HĐND TP Hà Nội - cho rằng thực tế việc xây dựng những tuyến đường này vốn chủ yếu phải đầu tư vào giải phóng mặt bằng. “Việc đầu tư lớn có thể vẫn phải làm nếu như đó là những dự án bức thiết cần thực hiện. Nhưng đầu tư lớn phải đi đôi với hiệu quả, mở đường xong phải có được bộ mặt cảnh quan đô thị khang trang. Nhưng thực tế do khâu quản lý yếu nên cứ sau mở đường là tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo lại xuất hiện làm xấu cảnh quan” - ông Nam phân tích.

Theo ông Tô Anh Tuấn - nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, việc mở đường qua khu dân cư tất yếu sẽ xuất hiện những ô đất, hình nhà méo mó. “TP Hà Nội từng bàn về việc khi mở đường sẽ mở rộng cả hai bên để đầu tư xây dựng cảnh quan hai bên tuyến phố, nhưng giải pháp này chưa triển khai được. Còn giải pháp tình thế vận động nhà trước hợp khối với nhà sau khi mở đường từng thực hiện nhưng kết quả không mấy khả quan. Vì vậy nếu không quá bức thiết về giải quyết ùn tắc, có lẽ nên cân nhắc kỹ, thậm chí tối kỵ khi mở đường qua khu đông dân” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, phải làm sớm từ bước quy hoạch, thu hồi đất mới có giải pháp xử lý sớm, hạn chế được tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo, hi vọng có cảnh quan đẹp hai bên tuyến phố.

Hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo

Để hạn chế tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo sau mở đường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu trong quá trình khảo sát, đo đạc, lên phương án phải đặc biệt chú ý đến phần diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng. Đối với những dự án bắt buộc phải mở đường qua khu dân cư như tuyến Trần Phú - Kim Mã, theo chỉ đạo của ông Thảo, trong quá trình khảo sát hiện trạng, lập phương án thu hồi đất, các cơ quan tư vấn kiến trúc phải cùng UBND quận đến trực tiếp khu dân cư đo đạc và làm các bước về kiến trúc đô thị với mục tiêu sau mở đường phải hạn chế tối đa các ô đất, căn hộ có hình dạng méo mó, dị dạng.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp