Mỹ là quốc gia chịu nhiều trận bão biển càn quét, nhưng cuồng phong Katrina năm 2005 đã đi vào lịch sử Mỹ cả về mức độ thiệt hại quá khủng khiếp lẫn sự lúng túng, yếu kém trong việc ứng phó thiên tai của siêu cường số 1 thế giới. 1.833 người Mỹ đã thiệt mạng, gần 200 tỉ đô la bốc hơi và nước Mỹ đã phải chọn ngày 16-9 để tưởng nhớ các nạn nhân siêu bão Katrina này.
Siêu bão khởi đầu bình thường, sau lại khủng khiếp
So các siêu bão khác, khởi đầu bão Katrina có vẻ bình thường nhưng sau lại diễn biến khủng khiếp. Là cơn bão thứ 11 trong mùa bão Bắc Đại Tây Dương 2005, theo NOAA - Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ, siêu bão Katrina khởi đầu hình thành là áp thấp nhiệt đới trong ngày 23-8-2005 tại tọa độ biển cách đông nam quần đảo Bahamas khoảng 320km. Một ngày sau, tức rạng sáng 24-8, gió giật đã lên đến 65km/h và trở thành bão nhiệt đới có tên Katrina.
Luồng bão về phía tây hướng đến Florida rồi dần mạnh thêm khi đổ bộ lên vùng Hallandale Beach và Aventura ngày 25-8. Dịu xuống một thời gian ngắn, bão Katrina lại tiếp tục mạnh thêm khi tiến vào vùng nước ấm vịnh Mexico ngày 26-8 và lên cấp siêu bão cao nhất, tức cấp 5 thang bão Saffir-Simpson (trên cấp 17 thang bão Beaufort mà Việt Nam áp dụng) với sức gió liên tục trong một phút đến 280km/h. Cuồng phong mạnh nhất là thời điểm hoành hành vịnh Mexico làm hư hại nặng nề nhiều cơ sở khai thác dầu, trong đó có hai dàn khoan, làm tụt giảm đến 20% lượng dầu mỏ khai thác thường xuyên của Mỹ...
Sang ngày 29-8-2005, bão Katrina bắt đầu càn quét vùng bờ biển nước Mỹ dù đã giảm xuống còn cấp 3 với sức gió 205km/h, tàn phá nặng nề vùng duyên hải từ miền Trung Florida đến Texas. Ngoài hàng trăm ngàn nhà cửa, cơ sở hạ tầng công chánh bị hư hỏng, đặc biệt còn có 1.833 người thiệt mạng mà nhiều nhất là ở vùng đất thấp gần biển Louisiana, New Orleans. Đối mặt với Katrina, hệ thống đê ngăn nước biển đã cũ và thiếu được tu bổ đúng mức ở vùng này bị vỡ hoặc tràn nhiều nơi, làm 80% thành phố và những khu vực nông thôn lân cận chìm trong ngập sâu kéo dài, thậm chí ngập đến mái nhà. Số liệu báo chí và các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ đều cho thấy sự thiệt hại về nhân mạng và vật chất chủ yếu do bị ngập chìm...
Đã có nhiều câu chuyện đẹp về nỗ lực cứu người trong cơn bão kinh hoàng này, thậm chí được kể lại bằng sách và phim ảnh do các diễn viên hạng A thủ vai. Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể thì đây là sự thất bại nặng nề của chính quyền các bang bị bão cũng như chính phủ liên bang Mỹ. Thống đốc bang Louisiana Kathleen Blanco, Thị trưởng New Orleans Ray Nagin và Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó đều bị chỉ trích đích danh dữ dội vì nhiều sai sót trong việc ứng phó bão và cả chậm trễ trong xử lý hậu bão dù ông Bush đã phải hủy kỳ nghỉ để xử lý.
Truyền thông Mỹ đưa tin có nhân viên cứu hộ đã tự sát vì không chịu nổi áp lực tâm lý. Trong khi đó, trước sự chỉ trích nặng nề của dư luận, nhiều quan chức cũng phải xin lỗi, từ chức, gồm cả giám đốc Cơ quan Kiểm soát các tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) Michael D. Brown và Eddie Compass, giám đốc Sở Cảnh sát New Orleans.
Ngày 31-8-2005,Tổng thống George W. Bush sau khi bỏ dở kỳ nghỉ, đã họp khẩn với Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Donald Rumsfeld cùng các thành viên Lực lượng đặc nhiệm Nhà Trắng để bàn giải quyết thiệt hại sau bão Katrina. Trong khi đó, báo chí và dư luận dân Mỹ đã chỉ trích chính phủ mình đưa quân ra nước ngoài còn được tính toán, chuẩn bị cẩn thận hơn nhiều so với việc ứng phó siêu bão ảnh hưởng đến cả năm bang và hàng triệu người dân trong chính nước Mỹ.
Những sai sót và bài học lớn
Ngay sau cơn bão và suốt nhiều năm sau đó, các nguyên nhân vì sao một siêu cường như Mỹ cũng phải chịu thiệt hại nặng nề vì bão Katrina đã được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng để rút ra bài học nhằm tránh lặp lại thảm họa cho tương lai.
Trong đó, một nguyên nhân chính đã được chỉ rõ là việc sơ tán người dân dù có nỗ lực nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ khiến nhiều người bị bỏ lại và trở thành nạn nhân bi thảm, đặc biệt là những người yếu thế như già cả, neo đơn, ốm đau, cộng đồng da màu. Ban đầu, một số quan chức biện minh thiếu phương tiện di tản, nhưng giới báo chí đã phanh phui vẫn còn nhiều thứ chưa được tận dụng như hệ thống xe buýt trường học chưa được huy động, đặc biệt là khả năng của liên bang. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm thiệt mạng 1.833 người.
Hạ viện Mỹ sau đó đã yêu cầu cuộc điều trần về việc di tản có quá nhiều lỗ hổng chết người này. Tổng thống George W. Bush cho biết đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Louisiana, Alabama và Mississippi trong ngày 27-8. Ông cũng trực tiếp gọi Thống đốc Blanco, bang Louisiana, về lệnh di tản bắt buộc tại New Orleans, nơi sau đó có số người thiệt mạng nhiều nhất. Tuy nhiên, phiên điều trần tại Hạ viện đã lộ ra chính nhiều vùng nguy hiểm gần biển lại bị "bỏ sót". Nghị sĩ Stephen Buyer chất vấn vấn đề nghiêm trọng này. Những người liên quan đưa ra nhiều dẫn chứng như là đổ thừa qua lại cho nhau, thể hiện đã có sự thiếu thông suốt, phối hợp chặt chẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc cứu hộ, phân phối thực phẩm, nước uống, thuốc men và các thứ thiết yếu cho cuộc sống sau bão đã được thực hiện khá chậm trễ. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy phải mất tới hai ngày, chính quyền các bang mới thực hiện chiến dịch cứu hộ quy mô tương xứng thiệt hại. Chính sự chậm trễ này làm nhiều người kẹt lại vùng thảm họa bị đói khát và sự thiếu chăm sóc y tế cho thương tích do bão lụt gây ra. Truyền thông cũng đưa tin vì sự chậm trễ của chính quyền mà xuất hiện tình trạng mất an ninh như cướp bóc giữa khủng hoảng. Thậm chí, ngay cả người dân đã đến cơ sở sơ tán cũng không được cung cấp đủ lương thực và nước uống.
Đặc biệt, hệ thống đê ngăn nước ở vùng này "thất thủ" cũng được điều tra, phân tích rất kỹ. Bão Katrina khi đổ bộ đã giảm xuống cấp 3 trong thang bão Saffir-Simpson nhưng chính lượng nước khổng lồ tràn qua các con đê mới là mối nguy hiểm kinh khủng nhất với người dân. Không chỉ báo chí hay dư luận người dân mà từ chính các cơ quan thuộc chính phủ bang và liên bang cũng nhận xét sự thất bại của hệ thống bảo vệ trước bão tại New Orleans được xem là thảm họa công trình dân dụng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ... Luật sư Stanwood Duval đã theo đuổi cả một vụ kiện Công binh lục quân Hoa Kỳ (USACE), những nhà thiết kế và xây dựng hệ thống đê này...
Sau đó, những nỗ lực của Mỹ để khắc phục thảm họa bão Katrina được đánh giá là một công cuộc tái thiết sau thiên tai có quy mô lớn nhất thế giới. Cơn bão này đã để lại nhiều bài học không chỉ cho siêu cường như Mỹ mà cho cả thế giới. Nó cho thấy thiên tai ngày càng nguy hiểm, khó lường và bất cứ quốc gia nào dù hùng mạnh đến đâu cũng có thể bị thiệt hại nặng nề nếu không sớm chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và phối hợp chặt chẽ.
Trong kết luận điều tra của Nhà Trắng công bố ngày 23-2-2006, Chính phủ Mỹ đã không giấu giếm việc ứng phó thiên tai có "sai sót nghiêm trọng", sự điều hành không hợp lý, kể cả thiếu kinh nghiệm đã ảnh hưởng đến công tác cứu hộ của chính quyền. Nhiều vấn đề cần cải thiện khi ứng phó với thảm họa trong tương lai đã được khuyến nghị để không lặp lại sai sót đau thương. Trong đó có đề xuất trao thêm quyền kiểm soát công tác cứu hộ cho quân đội, cần tăng thêm sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và các cơ quan cứu trợ.
Bốn vấn đề trọng tâm được đặc biệt chú ý: một là rà soát lại hệ thống hạ tầng chống bão như đê điều để có sự đầu tư đúng tầm mức cần thiết trước hiểm họa thiên tai; hai là nâng cao năng lực di tản an toàn cho người dân trước bão; ba là vấn đề đáp ứng hậu cần thiết yếu đầy đủ cho người dân bị ảnh hưởng và thứ tư là chuẩn bị năng lực của chính phủ cho chương trình tái thiết sau bão thường rất tốn kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận