11/10/2012 08:17 GMT+7

Siết tin nhắn rác, được không?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TT - Việc quản lý tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đã được siết chặt hơn nhờ những quy định mới. Tuy nhiên nhiều người cho rằng vẫn còn kẽ hở để lách luật dễ dàng.

SK8cdqpd.jpgPhóng to

Chính phủ vừa ban hành nghị định 77/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 90/2008 về chống thư rác với nhiều điểm mới trong việc siết chặt thư điện tử, tin nhắn quảng cáo vốn đang hoành hành người dùng Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực nội dung số, quy định mới đã quản lý chặt chẽ hơn tin nhắn quảng cáo với việc giới hạn mạnh mẽ số lượng tin nhắn, thời gian gửi cũng như tăng cường mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Siết mạnh tay

Theo quy định của nghị định mới, người quảng cáo hay nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo “chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận”. Tức là một cá nhân hay nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi thông tin xin phép người nhận trước khi gửi đi nội dung muốn quảng cáo. Điều này cho phép người dùng quyền quyết định muốn nhận thư điện tử, tin nhắn quảng cáo hay không.

Nghị định còn bắt buộc người quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo “phải chấm dứt việc gửi ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận”, đồng thời “gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối”. Quy định này không những siết người quảng cáo phải thực thi ngay lập tức yêu cầu từ chối tiếp nhận quảng cáo mà còn trao cho người dùng bằng chứng để kiểm soát việc chấp hành pháp luật của cá nhân, nhà quảng cáo.

Với việc bùng nổ quảng cáo qua tin nhắn SMS, nhất là tin nhắn rác trong thời gian qua tại Việt Nam, quy định mới đã bổ sung nhiều điểm siết hợp lý. Trong đó đáng chú ý nhất là quy định nhà cung cấp dịch vụ “không được phép thu cước dịch vụ đối với tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn đã được cung cấp dịch vụ nhưng có nội dung khác với mã lệnh mà doanh nghiệp công bố, tin nhắn do người dùng bị lừa đảo”. Đặc biệt, những người dùng bị lừa đảo qua tin nhắn SMS cũng có thể được hoàn lại cước phí, hay nói cách khác, kẻ lừa đảo sẽ không thu được cước phí đã lừa người dùng. Qua đó làm giảm thiểu tình trạng lừa đảo qua tin nhắn SMS đang hoành hành hiện nay.

Vẫn chưa chặt chẽ

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định mới chỉ nhằm nâng cao ý thức thực thi pháp luật của những cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chứ thực tế khó có thể tiến hành hiệu quả. Ông Lê Mạnh Hùng, phó chủ tịch câu lạc bộ nội dung số, cho biết quy định có nhắc đến việc ngưng nhắn tin hoặc gửi thư quảng cáo ngay lập tức sau khi người dùng từ chối nhận quảng cáo, thế nhưng thực tế không dễ thực hiện.

Đơn cử trường hợp người dùng nhắn tin từ chối ngay lập tức nhưng người gửi quảng cáo có nhận được ngay lập tức hay không còn là câu chuyện dài. Chẳng hạn vì lý do khách quan nào đó, nội dung từ chối không đến hoặc chậm đến bộ phận tiếp nhận lệnh từ chối, hoặc cũng không loại trừ trường hợp cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo “cố ý” không nhận được... Điểm quy định không rõ ràng này có thể là kẽ hở để người gửi quảng cáo lách luật dễ dàng.

Nghị định cũng nghiêm cấm hành vi “cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn mà không sử dụng số gửi tin nhắn quảng cáo do doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động cấp”, thế nhưng tình trạng quảng cáo tràn lan qua tin nhắn rác hiện nay lại nói lên một thực tế hoàn toàn khác. Theo đại diện các nhà mạng, các cá nhân quảng cáo, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo gần như không hề sử dụng đầu số quảng cáo chuyên dụng để gửi tin nhắn quảng cáo mà chủ yếu dùng sim điện thoại trả trước đã kích hoạt (thường gọi là sim rác) để spam nội dung quảng cáo. Việc quản lý thuê bao di động trả trước hiện vẫn chưa đi đến đâu, sim rác vẫn đang tràn lan. Do đó, nếu cơ quan chức năng căn cứ theo luật xử phạt hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật thì chỉ nắm được chiếc sim điện thoại chứ không thể biết chủ nhân thật sự là ai.

Riêng với các nhà mạng di động hiện nay vừa cung cấp hạ tầng dịch vụ vừa kiêm luôn chức năng cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nhiều người dùng bức xúc về chuyện liên tục nhận được tin nhắn quảng cáo từ các nhà mạng, thế nhưng họ lại không thể từ chối nhận quảng cáo. Lý do thật đơn giản, vì người dùng vẫn muốn nhận những tin nhắn thông báo khuyến mãi nạp tiền.

Nhà mạng đã rất khôn khéo tích hợp tin nhắn thông báo khuyến mãi với tin nhắn quảng cáo dịch vụ vào chung một đầu số (chẳng hạn như MobiFone là 090, Vinaphone là 18001091...) khiến người dùng chỉ còn biết chọn cách “sống chung với lũ”. Như vậy theo luật, nhà mạng không hề phạm luật, người dùng dù không đồng ý nhưng cũng không thể nhắn tin từ chối (!?).

Các dịch vụ của Yahoo! Mail và Gmail phải chịu sự điều chỉnh

Về quy định quảng cáo qua thư điện tử, hiện tại rất nhiều người dùng Việt Nam đang sử dụng dịch vụ thư điện tử của Gmail (Google) và Yahoo! Mail. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng: “Các dịch vụ của Yahoo!Mail và Gmail khi có trao đổi thư điện tử và tin nhắn tại Việt Nam cũng phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về chống thư rác tại nghị định này”.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng - phó chủ tịch câu lạc bộ nội dung số - lại cho biết: “Mục đích nghị định nhằm vào những cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chứ không phải các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ (Google hay Yahoo!)”. Theo ông Hùng, bản thân Yahoo! hay Google không thực hiện spam (gửi thư hàng loạt) đến người sử dụng mà chỉ có những cá nhân, công ty quảng cáo sử dụng dịch vụ thư điện tử của họ để thực hiện gửi nội dung quảng cáo.

Điều này cũng có thể hiểu tương tự như trường hợp một cá nhân, công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo sử dụng điện thoại di động để gửi tin nhắn quảng cáo đến người dùng. Như vậy Yahoo! Google hay nhà mạng di động chỉ đóng vai trò trung gian cung cấp hạ tầng mà thôi. Những cá nhân, tổ chức sử dụng hạ tầng trên để gửi nội dung quảng cáo mới phải chịu sự chi phối của nghị định này.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp