20/11/2019 07:08 GMT+7

Siết tin nhắn, cuộc gọi 'rác': Vô vọng với nhà mạng!

HÂN MINH (TP.HCM)
HÂN MINH (TP.HCM)

TTO - Dù tôi không ít lần phản ảnh đến tổng đài nhà mạng về tin nhắn rác, nhưng tình trạng có vẻ không hề thuyên giảm. Giờ lại còn có thêm các cuộc gọi rác thường xuyên tấn công nữa.

Siết tin nhắn, cuộc gọi rác: Vô vọng với nhà mạng! - Ảnh 1.

Những thuê bao số đẹp, số dễ nhớ liên tục bị quấy rầy cả ngày lẫn đêm bởi các kiểu tin nhắn, cuộc gọi hỏi mua lại sim - Ảnh: H.MINH

Năm 2016, khi tổng đài tiếp nhận phản ảnh tin nhắn rác 456 được đưa vào hoạt động, tôi cũng như đông đảo thuê bao di động khác đã vô cùng mừng rỡ, với hi vọng tin nhắn rác sẽ sớm được dẹp bỏ, người dùng di động sẽ bớt điên đầu. Nhưng...

Càng phản ảnh, càng nhận nhiều

Lúc đó, tôi và nhiều bạn bè liên tục chuyển các tin nhắn rác đến tổng đài 456 để cơ quan chức năng xử lý. Trong khi tin nhắn phản ảnh gửi đến 456 không hề nhận được trả lời (dù là trả lời tự động), chúng tôi nhận thấy "rác" còn gia tăng nhiều hơn, với nhiều kiểu quảng cáo hơn. 

Không rõ phản ảnh của thuê bao di động có đến được với tổng đài và cơ quan chức năng hay không và tin nhắn rác vẫn tiếp tục "sống khỏe". 

Nội dung từ rao bán SIM, mua bán đất đến dịch vụ làm bằng lái, chứng minh nhân dân, hỗ trợ tài chính, đến cả dịch vụ thông tắc cống và bể phốt...

Chúng tôi cũng phản ảnh đến tổng đài các nhà mạng về những tin nhắn quảng cáo của nhà mạng mà mình không muốn nhận nữa. Thời gian đầu mọi việc có vẻ "ngon lành" khi tần suất tin nhắn rác và tin nhắn quảng cáo có giảm đi. 

Gần đây, những tin nhắn quảng cáo được gửi đến liên tục, ngày nào cũng muốn điên đầu vì tin nhắn được gửi từ những số điện thoại khác nhau và có vẻ theo cách thức từ Internet gửi đến chứ không phải dạng SMS điện thoại thông thường nên rất khó ngăn chặn.

Khi tôi hỏi một nhân viên nhà mạng di động về hệ thống tiếp nhận phản ảnh tin nhắn rác của người dùng di động thì được biết việc xử lý khá mơ hồ. 

Họ cho biết phải có nhiều phản ảnh về một số điện thoại phát tán tin nhắn rác thì mới có đủ bằng chứng để xử lý, những kẻ phát tán tin nhắn rác "nay dùng số này, mai đổi số kia" nên không thể nào lần ra được là ai (!). 

Việc ngăn chặn và xử lý như rơi vào bế tắc vì đến ngay cả nhà mạng cũng tỏ ra bất lực trong việc truy tìm đối tượng phát tán tin rác.

Gần đây, khi có nhiều cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị và cả lừa đảo xuất hiện, chúng tôi lại càng bực mình hơn khi buộc phải mở máy lên nghe những cuộc gọi không mong đợi. 

Trước đây, người nghe được giao tiếp với người gọi (và có thể từ chối), giờ là những cuộc gọi từ các tổng đài tự động, người nghe chỉ có thể lựa chọn tắt cuộc gọi, giận cũng không nói được lời nào với ai (gọi lại số tổng đài tự động không được).

Thông tin cá nhân bị lợi dụng

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, gần 1/3 số đơn khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng phản ảnh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa, ngay cả trong trường hợp người dùng không hề vay tiền. 

Nhiều người đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc đòi nợ nhầm người nhưng không được giải quyết triệt để.

Trong khi đó, hiện nay người dùng vẫn có thể mua SIM khuyến mãi đã kích hoạt sẵn dễ như mua rau. Chỉ cần đến đại lý bán SIM hoặc ngồi lướt web cũng có thể dễ dàng chọn mua SIM rẻ nhất với ưu đãi tốt nhất. 

Lướt trên các sàn thương mại điện tử, nhiều SIM khuyến mãi được rao bán với giá chỉ từ 19.000 đồng.

Gần đây, nhiều thuê bao di động lại hoang mang khi bỗng dưng được nhà mạng yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân (dù họ đã bổ sung đầy đủ các thông tin theo quy định từ nhiều năm trước). 

Khi đi bổ sung thông tin lại phát hiện thông tin đầy đủ của mình đang được sử dụng để đăng ký cho nhiều SIM khác mà chủ nhân không hề hay biết!?

Dù các nhà mạng luôn tuyên bố họ ngày càng thực hiện tốt hơn việc kiểm soát, quản lý thông tin thuê bao khách hàng nhưng với những gì diễn ra trong thực tế, lỗ hổng vẫn không hề nhỏ. 

Việc nhà mạng lỏng lẻo chuyện quản lý thông tin chủ thuê bao dẫn đến những hậu quả đang diễn ra hằng ngày với người dùng di động và họ chỉ biết kêu trời! Cùng với đó là việc thông tin cá nhân người dùng bị lạm dụng cho các hình thức tin nhắn, quảng cáo cũng ngày càng phổ biến.

Thách thức với người dùng điện thoại

Theo dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi năm 2019, người dùng muốn phản ảnh cuộc gọi rác phải gửi bản ghi âm đến hệ thống tiếp nhận của Bộ Thông tin và truyền thông. Đây lại là một thách thức không nhỏ với nhiều người dùng.

Thực tế, rất nhiều điện thoại thông minh không hề có cài đặt sẵn chức năng ghi âm cuộc gọi trên điện thoại. Người dùng muốn ghi âm phải cài đặt phần mềm của bên thứ ba nhưng mức độ hiệu quả của việc ghi âm khá... hên xui. Thực tế, không phải phần mềm ghi âm nào cài đặt vào điện thoại cũng có thể ghi âm cuộc gọi được. Do đó, muốn có bản ghi âm cuộc gọi rác để phản ảnh, không phải ai cũng làm được dễ dàng.

Siết tin nhắn, cuộc gọi rác: Sẽ làm nhưng khó... hết rác! Siết tin nhắn, cuộc gọi rác: Sẽ làm nhưng khó... hết rác!

TTO - Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có định nghĩa cụ thể, khó chặn hết tin nhắn rác, một số quy định về tin nhắn, cuộc gọi rác gây khó khăn cho doanh nghiệp...

HÂN MINH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp