Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay bán lẻ trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm dần “room” tín dụng. Trong ảnh: giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều NH sẽ buộc phải giảm huy động, cho vay nên lãi suất huy động cũng có thể bị tác động.
Kẻ cao, người thấp bất ngờ
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù định hướng tín dụng chung toàn hệ thống năm nay tăng khoảng 14% nhưng hạn mức tín dụng NH Nhà nước giao cho các NH không "cào bằng" như những năm trước, mà có sự ưu tiên cho những NH đã đạt chuẩn Basel II (Hiệp ước Basel II là chuẩn mực quốc tế mà các NH thương mại Việt đang từng bước áp dụng nhằm tăng cường an toàn và hiệu quả hoạt động).
Vietcombank được hạn mức tín dụng 15%, cao hơn định hướng chung của NH Nhà nước. Một số NH nhỏ đã đạt Basel II cũng được tăng khá mạnh.
Tiết lộ tại đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 3, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch HĐQT NH Quốc tế Việt Nam (VIB), cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của NH lên tới 35%.
Trong khi đó, một NH cổ phần có trụ sở tại Q.1, TP.HCM cho biết chỉ nhận hạn mức tín dụng ở mức 7% dù trước đó đề xuất mức 15%, do NH đang trong quá trình tái cơ cấu.
Lãnh đạo NH này cũng cho hay đơn vị mình không phải là trường hợp NH duy nhất tại TP.HCM nhận hạn mức thấp như trên, tuy nhiên cũng khá "sốc".
Vị tổng giám đốc NH này cho hay vừa qua đã phải giảm lãi suất huy động với mức 0,3%/năm các kỳ hạn trên 6 tháng. Lý do: nếu duy trì mức lãi suất cao như hiện nay thì không hiệu quả vì hạn mức tín dụng được giao năm 2019 quá thấp. Trong thời gian tới, tùy tình hình thị trường, NH sẽ xem xét điều chỉnh thêm lãi suất.
Trước đó, sau một thời gian dài đua lãi suất, rải rác một số NH đã giảm lãi suất huy động ở một vài kỳ hạn hoặc tăng giảm đan xen. Như VietinBank giảm 0,3%/năm ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng, BIDV cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng, từ 5,5%/năm xuống 5,2%/năm...
Ngân hàng tìm nhiều cách để cho vay
Trên thực tế, hạn mức tín dụng của các NH đã giảm dần từ năm 2017 đến nay theo định hướng của NH Nhà nước. NH Nhà nước nêu ra nhiều lý do, trong đó có việc tín dụng chỉ là một trong nhiều kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, các NH cũng chuyển hướng.
Lãnh đạo VietinBank cho hay năm nay dự kiến tăng tín dụng của NH thấp hơn vì liên quan đến việc tăng vốn điều lệ. Do vậy, NH sẽ "chắt lọc tín dụng", chỉ đổ vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, bán lẻ, dự án trọng điểm và sẽ tăng đồng tài trợ...
Tương tự, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cũng cho biết ngoài các lĩnh vực ưu tiên, với nhu cầu vốn lớn cho trung - dài hạn, NH sẽ tư vấn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động trên thị trường vốn.
NH sẽ chủ yếu giải quyết vốn lưu động cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Thành, năm nay Vietcombank nhận chỉ tiêu 15%, cao hơn mặt bằng chung nhưng quý 1 tín dụng tại NH đã tăng hơn 5%, gấp đôi so với mặt bằng chung toàn ngành. Với hạn mức 10% còn lại, NH cũng xác định đẩy mạnh cho vay sớm ra thị trường nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, cho biết với các doanh nghiệp lớn, NH sẽ đứng ra làm trung gian, thay vì vay vốn thì doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu và NH giới thiệu cho nhà đầu tư mua trái phiếu này. Như vậy, doanh nghiệp vẫn có vốn mà không phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của NH.
"Trên thực tế huy động vốn qua thị trường trái phiếu của các doanh nghiệp hiện mới ở mức khoảng 8%, trong khi mức hợp lý phải là 20%. Nếu doanh nghiệp phát hành được trái phiếu sẽ giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho các NH. NH sẽ chuyển sang cho vay bán lẻ, vừa quay vòng vốn nhanh vừa giúp tăng sức cầu cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm" - ông Tùng nói.
Nhiều NH khác cũng đi theo hướng tăng tỉ trọng bán lẻ trong tổng dư nợ. Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết thời gian tới NH cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh bán lẻ, đặc biệt là sản phẩm cho vay mua ôtô và cho vay mua nhà. Song song đó là đầu tư mạnh vào NH số.
Xoay xở để được nới "room"
"Hạn mức NH Nhà nước cấp chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, tương đương mức tăng tín dụng 10.000 tỉ đồng nên chúng tôi chỉ tính toán bài toán kinh doanh ngắn hạn, chứ không dám "bóc ngắn cắn dài".
Cụ thể, NH sẽ chú trọng cho vay tiêu dùng, bán lẻ và siết lại các khoản cho vay dài hơi, trong đó có bất động sản" - vị tổng giám đốc NH có trụ sở ở Q.1 nói và cho biết vẫn kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ được NH Nhà nước nới "room".
Một số NH khác lại tham gia đề án cho vay khu vực nông thôn nhằm... hạn chế tín dụng đen.
Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch HĐQT NH Bưu Điện Liên Việt, cho biết một trong những căn cứ để được NH Nhà nước xem xét nới hạn mức tín dụng là tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tín dụng đen.
Khi đề án triển khai chính thức, NH Bưu Điện Liên Việt sẽ xin NH Nhà nước nới hạn mức tín dụng, chứ với hạn mức như hiện nay thì rất khó.
Sẽ giảm cho vay bất động sản?
Về cho vay, nhiều NH cho biết mảng cho vay tiêu dùng vẫn được các NH đẩy mạnh, trong đó có cho vay phục vụ nhu cầu mua sắm cá nhân cũng như cho vay mua nhà để ở, vì giúp phân tán rủi ro và mang lại biên lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, với các dự án bất động sản, các NH đều cho biết sẽ siết lại do "room" tín dụng hạn hẹp và theo chủ trương của NH Nhà nước là hạn chế rót vốn vào những lĩnh vực có rủi ro cao.
* Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM):
Đảm bảo đủ vốn cho thị trường
Khi giao chỉ tiêu tín dụng cho các NH, NH Nhà nước căn cứ vào rất nhiều yếu tố: tổng tài sản, nợ xấu, dư nợ bất động sản, tính tuân thủ…
Dù một số NH trên địa bàn TP chỉ được giao chỉ tiêu tăng tín dụng thấp nhưng tăng tín dụng chung trên địa bàn vẫn ở mức 14%, tương đương với 350.000 tỉ đồng được đưa ra thị trường.
Chưa kể nếu số vốn này quay được 1,5-1,6 vòng, số tiền được đưa vào nền kinh tế sẽ lên đến hơn 500.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ vốn cho sản xuất kinh doanh.
Dư nợ bất động sản trên địa bàn TP hiện vẫn duy trì ở mức 11% trong khi dư nợ cho vay tiêu dùng ở mức 4%, cho vay sản xuất kinh doanh 75%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận