13/04/2021 09:26 GMT+7

Siết kỷ luật khai thác cát

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG

TTO - Những ngày gần đây, người dân các tỉnh miền Tây, đặc biệt nhà thầu xây dựng, cho biết giá cát tăng cao và hiếm nguồn cung. Cơ quan chức năng giải thích ngay đây là hệ quả của việc siết chặt tình trạng khai thác cát bừa bãi.

Siết kỷ luật khai thác cát - Ảnh 1.

Khu vực sông Tiền thuộc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp có gần chục xáng cạp lấy cát. Giá cát cũng đang nâng lên từng ngày - Ảnh: BỬU ĐẤU

Hiện giá cát san lấp tăng từ 90.000 lên 150.000 đồng/m3 (giá tại bãi), cát xây tăng từ 180.000 lên 250.000 đồng/m3.

Siết chặt nguồn thì giá sẽ tăng

Ông Nguyễn Văn Hảo (quê Bến Tre) - một chủ sà lan chuyên chở cát từ các mỏ cát để cung cấp cho công trình - cho biết hiện giá cát tăng cao là một chuyện, khó nhất là chuyện khan hiếm nguồn cát. Hiện các mỏ đã siết chặt việc khai thác nên lượng cát múc lên rất ít, "phải chờ đợi cả mấy ngày mới mua được một sà lan để về bán lại" - ông Hảo cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Minh Tuấn, giám đốc Sở TN-MT Bến Tre, cũng cho rằng hiện nguồn cát san lấp khan hiếm khiến giá tăng là do cơ quan chức năng đang siết chặt việc khai thác cát. Hiện toàn tỉnh Bến Tre chỉ có một mỏ cát đang được phép khai thác. Tại Tiền Giang, liên tiếp những năm qua không cấp phép mới.

Trong khi đó, dù đang được khai thác 2 mỏ cát ở sông Hậu nhưng ông P. - đại diện công ty khai thác cát sông ở TP Long Xuyên, An Giang - vẫn than thở vì làm cát "khó khăn" hơn trước.

"Giờ chính quyền tỉnh An Giang siết chặt quản lý khai thác cát sông và lực lượng công an kiểm tra gắt gao những ghe chở cát phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nên các mỏ khai thác cát phải làm nghiêm, không được khai thác quá giờ, cũng không được kê giảm số lượng khai thác. Vì vậy, nguồn cung cát giảm dẫn đến khan hiếm nên phải bán tăng giá mới có lời được" - ông P. nói.

Doanh nghiệp này cũng cho hay nếu như lúc trước 1 mỏ cát có 3 cần cẩu khai thác cát thì hiện nay chỉ còn lại 1 hoặc 2 cần cẩu khai thác và các doanh nghiệp cũng không được khai thác ngoài phạm vi cấp phép. Lúc trước có thể khai thác 10 sà lan/ngày nhưng chỉ xuất 5 hoặc 6 hóa đơn vận chuyển cát nên còn "ăn gian" được.

Còn hiện tại, Công an tỉnh An Giang siết chặt quản lý và kiểm tra tất cả tàu chở cát từ sông Tiền hay sông Hậu nên các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá.

Một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị đang có 3 trạm và 5 tổ, đội trên sông Tiền và sông Hậu để tuần tra, kiểm soát việc kinh doanh và khai thác cát.

Đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc giá cát tăng để chủ tịch UBND tỉnh nắm vụ việc và họp với các doanh nghiệp khai thác cát, yêu cầu doanh nghiệp khai thác cát phải làm cam kết thực hiện theo đúng quy định giá cát lúc đấu thầu, tránh tình trạng đẩy giá cát lên cao làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các gói thầu do sử dụng nguồn cát này.

Tiếp tục giám sát nghiêm

Dù ở địa bàn có nguồn cát dồi dào hơn các tỉnh trong khu vực nhưng Công an tỉnh An Giang đang phối hợp liên ngành để kiểm tra, kiểm soát trữ lượng khai thác, giá bán và trữ lượng bán cụ thể cho các sà lan. Đồng thời, siết chặt kiểm tra việc các xáng cạp khai thác cát tại các mỏ phải đảm bảo đúng giờ, đúng vị trí.

"Nếu phạt hành chính vài lần mà họ vẫn cố tình vi phạm thì chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi giấy phép khai thác cát" - một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang khẳng định.

Chiều 12-4, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị số 1495 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản (cát sông, cát núi) trên địa bàn tỉnh.

Do đó, gần đây công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cát sông ở tỉnh An Giang đã có những chuyển biến rõ nét và tích cực. Hoạt động khai thác cát được kiểm soát toàn diện, chặt chẽ.

Trong đó UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT thực hiện đề án "Xây dựng hệ thống giám sát khai thác tài nguyên khoáng sản" - tất cả doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông đều phải lắp đặt thiết bị định vị và giám sát hành trình trên các tàu bè được phép khai thác để theo dõi, giám sát việc khai thác theo đúng ranh giới được cấp phép và thời gian được phép khai thác trong ngày.

Ngoài ra, nhằm tiếp tục giữ vững trật tự, kỷ cương, Công an tỉnh, Cục Thuế và Sở TN-MT đã ban hành kế hoạch số 91, kiên quyết xử lý đối với tình trạng vận chuyển tài nguyên khoáng sản không rõ nguồn gốc.

Siết kỷ luật khai thác cát - Ảnh 2.

Tỉnh lộ 948 là công trình cấp bách nhưng thiếu cát đã chậm tiến độ thi công khiến doanh nghiệp bức xúc - Ảnh: BỬU ĐẤU

Có hướng ra cho các công trình trọng điểm

Trước việc giá cát tăng cao và hiếm nguồn cung, ngày 12-4, ông H.M.T. - giám đốc một công ty xây dựng các công trình dự án lớn tại TP Long Xuyên - chia sẻ ông đang nhận 3 công trình đường giao thông lớn của tỉnh nhưng nguồn cát tăng giá và khan hiếm nhiều ngày qua đã khiến công trình bị trễ hơn 2 tháng so với kế hoạch.

Ông T. tính cụ thể: giá cát san lấp hiện dao động ở mức 90.000-95.000 đồng/m3 tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang. Ông chi cho thuyền trưởng và thủy thủ 25 triệu đồng/tháng để ăn uống và sinh hoạt khi điều khiển sà lan 500 tấn. Lấy cát lâu chừng nào thì đơn vị tốn tiền thêm bấy nhiêu.

"Trong dự toán nhà nước cho chúng tôi giá cát chỉ hơn 150.000 đồng/m3 mà giá cát kiểu này nếu lấy về tới công trình đã đội lên trên 200.000 đồng/m3. Công trình 948 (công trình bị trễ nói trên - PV) là công trình cấp bách vì đến mùa mưa thì khó thi công. Thế mới khổ" - ông T. than thở.

Về vấn đề này, UBND tỉnh An Giang cho biết đã có chủ trương khoanh định một số khu vực đưa vào tiêu chí khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, để cung cấp nguồn cát phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại nghị định số 158 của Chính phủ.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có định hướng triển khai thực hiện một số dự án chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở và tận dụng nguồn cát thu hồi từ quá trình chỉnh trị để phục vụ các công trình trọng điểm sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

"Tham số R" còn phụ thuộc vào "tham số Q"

Ngày 12-4, ông Huỳnh Văn Thái - trưởng phòng khoáng sản, tài nguyên nước thuộc Sở TN-MT tỉnh An Giang - cho biết theo quy định hiện tại, cách tính tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản (mỏ cát sông Tiền - PV) được tính theo công thức: T = Q x G x K x R (đồng).

Trong đó, T là tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Q là trữ lượng địa chất trong khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản; G là giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, K là hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác và R là mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá; đơn vị tính là phần trăm.

Mặc nhiên, đối với mỏ chưa thăm dò thì lấy 5% của R là giá khởi điểm theo Luật khoáng sản.

"Sau khi trúng đấu giá thì R đã cố định là 1.951% rồi thì còn phụ thuộc vào Q (trữ lượng). Vì nếu trữ lượng thấp thì số tiền sẽ thấp, ngược lại trữ lượng tăng thì số tiền tăng lên theo. Quy định của Luật khoáng sản là mỏ chưa thăm dò thì lấy 5% tạm tính của 2,4 triệu tấn (ước tính) nên mới ra số tiền 7,2 tỉ đồng.

Cứ mỗi lần giơ tay lên đấu giá phải hơn giá khởi điểm 5%" - ông Thái nói thêm.

Vụ đấu giá mỏ cát 2.811 tỉ: Ngoài ‘tham số R’, lại thêm bí ẩn… ‘tham số Q Vụ đấu giá mỏ cát 2.811 tỉ: Ngoài ‘tham số R’, lại thêm bí ẩn… ‘tham số Q'

TTO - Liên quan vụ đấu giá mỏ cát từ 7,2 tỉ đồng lên 2.811 tỉ đồng, đại diện ngành tài nguyên - môi trường tỉnh giải thích đấu giá dựa vào 'tham số R' đối với mỏ cát chưa được thăm dò, nhưng tham số R lại phụ thuộc vào ‘tham số Q’ để quyết định tiền.

BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp