Thị thực Schengen - Ảnh: Fotolia
Thông tin trên mạng cho biết sau vụ 39 người chết thì từ ngày 18-11-2019, khi là công dân trong số các quốc gia sau đây: Afghanistan, Algeria, Syria, Iran, Iraq, Liên bang Nga, Pakistan, Sri Lanka, Bắc Triều Tiên, Việt Nam.... xin visa Schengen (visa đi châu Âu) tại bất cứ sứ quán hay lãnh sự quán nước nào thì hồ sơ sẽ được đưa đi thẩm định qua tất cả 27 nước trong khối Schengen.
Có nghĩa là nếu tới sứ quán Pháp làm thủ tục xin cấp visa thì ngoài hồ sơ đầy đủ, sẽ phải chờ sự đồng ý của tất cả 26 nước còn lại. Sứ quán Pháp sẽ phát công hàm điện tử đến tất cả các nước trong khối Schengen, nếu tất cả đồng ý thì sẽ có visa, ngược lại họ không cần đưa ra lời giải thích.
Thông tin trên dẫn nguồn tham khảo từ trang web của Cục Di trú Na Uy (UDI). Theo UDI thì "công dân của một số quốc gia nhất định muốn xin thị thực đi Schengen thì đơn xin này phải được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thuộc khối Schengen", và danh sách 37 "quốc gia nhất định" này có Việt Nam.
Về cơ bản thông tin trên không sai nhưng cũng không hoàn toàn chính xác. Theo trang web chính thức của Ủy ban châu Âu (https://ec.europa.eu), việc xét duyệt thị thực trong khối Schengen từ trước đến giờ luôn yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các quốc gia trong khối.
Trong phần "xử lý đơn xin thị thực" trên trang web của Ủy ban châu Âu có nêu rõ các quốc gia trong khối Schengen có quyền "gửi đơn xin thị thực nộp cho họ từ một số quốc gia nhất định bao gồm Việt Nam" đến các quốc gia khác trong khối để thẩm định. Quá trình thẩm định này có thể kéo dài tới 7 ngày.
Trên trang web của UDI cũng có thông tin: "Khi đại sứ quán, lãnh sự quán hay UDI đã xem xét đơn của bạn, chúng tôi sẽ gửi nó đến các quốc gia Schengen khác. Chúng tôi không thể hoàn tất quá trình thẩm định đơn của bạn cho đến khi tất cả các quốc gia này đồng thuận. Quá trình này sẽ mất ít nhất 8 ngày".
UDI khuyến cáo nếu người nộp đơn nằm trong danh sách các "quốc gia nhất định" này thì nên dự trù thời gian xét duyệt lâu và nộp đơn sớm.
UDI cũng cho biết trong trường hợp thăm thân nhân đang bị bệnh hay tham dự lễ tang người thân trong gia đình và không thể chờ 8 ngày thì cơ quan này của Na Uy có thể xem xét để cấp thị thực chỉ có giá trị tại Na Uy cho công dân của các nước trong danh sách này.
Một điểm khác so với thông tin trên mạng xã hội nữa là quá trình thẩm định này diễn ra trên hệ thống Thông tin Schengen (Schengen Information System - SIS) chứ không qua đường "công hàm điện tử".
SIS là hệ thống chia sẻ thông tin lớn nhất, được sử dụng rộng nhất để quản lý biên giới và an ninh tại châu Âu. Hệ thống cho phép các cơ quan có thẩm quyền quốc gia như cảnh sát hay biên phòng đăng nhập để kiểm tra các cảnh báo tại châu Âu.
Hệ thống này còn là điểm để các cơ quan cấp thị thực và di trú trao đổi và tham vấn về việc cấp hay từ chối thị thực cho công dân nước thứ ba.
Cả trang web của Ủy ban châu Âu lẫn UDI đều không đề cập đến lý do vì sao các nước, bao gồm Việt Nam, có tên trong danh sách 37 quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận