02/05/2014 08:14 GMT+7

Siết an ninh sau vụ khủng bố Tân Cương, 3 người chết

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hai vụ nổ lớn và vụ tấn công bằng dao nhắm vào hành khách ở ga xe lửa phía nam Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, một lần nữa gây rúng động dư luận Trung Quốc.

m9obQ1pk.jpgPhóng to
Một cảnh sát Trung Quốc đóng vai kẻ tấn công bằng dao chống trả cảnh sát chống bạo động trong cuộc diễn tập chống khủng bố ở Urumqi ngày 26-4 - Ảnh: Reuters

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) gọi đây là cuộc tấn công khủng bố có tính toán trước. Nó gợi nhớ vụ tấn công ở ga xe lửa Côn Minh, tỉnh Vân Nam hồi đầu tháng 3.

CCTV không cho biết có nghi phạm nào đã bị bắt trong vụ tấn công tối 30-4 làm 3 người chết và 79 người bị thương.

Đáng lưu ý là cuộc tấn công xảy ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm bốn ngày khu tự trị Tân Cương và thị sát các cuộc diễn tập chống khủng bố ở đây.

Tấn công dân thường

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy nhóm người trên đã dùng dao tấn công hành khách ở cổng ra của nhà ga, sau đó kích hoạt hai vụ nổ. Vụ tấn công xảy ra khoảng 19g ngày 30-4.

Dịch vụ xe lửa đã tạm ngưng trong khoảng hai giờ và an ninh được thắt chặt ở toàn bộ những trạm xe, nhà ga và khu trung chuyển giao thông tại Urumqi.

Sau vụ nổ, cảnh sát và quân cảnh đã phong tỏa mọi lối ra vào và sơ tán những hành khách còn lại trong nhà ga.

"Cuộc chiến chống khủng bố và bạo lực sẽ không được chậm trễ dù một giây, cần có những động thái kiên quyết hơn để ngăn chặn triệt để sự quá khích của những kẻ khủng bố"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời Trương Bân, nạn nhân trực tiếp của vụ nổ, cho biết anh đang đứng đón bạn ở cửa ra của nhà ga thì nghe một tiếng nổ đinh tai và anh bị hất ngã xuống đất.

Bị thương ở cánh tay và hông, anh gắng sức đứng dậy cùng những người khác hoảng loạn tháo chạy khỏi hiện trường trước khi được đưa đến bệnh viện cách đó 4km.

“Tôi không bao giờ nghĩ chuyện như thế này có thể xảy ra với tôi. Nếu đây là hành động có chủ ý thì thật tình tôi không thể hiểu nổi vì sao người ta lại làm tổn thương người dân vô tội” - nạn nhân Trương nói.

Truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh cho thấy đất đá, hành lý văng tung tóe, nhiều xe máy cháy rụi ở khu vực gần cổng ra của nhà ga và cảnh sát có vũ trang đứng dày đặc ở khắp nơi.

Báo Tin Tức Bắc Kinh cho biết có bốn người đang bị thương rất nặng trong vụ nổ. Các nạn nhân đã được đưa đến bệnh viện điều trị.

Mọi hoạt động của ga xe lửa đã được khôi phục vào khoảng 21g cùng ngày trong tình trạng an ninh được thắt chặt. Hành khách trở lại nhà ga dưới sự hướng dẫn của cảnh sát có vũ trang.

Ông Dương Hồng Quân, tổng giám đốc Công ty Giao thông công cộng tốc độ cao của Urumqi, cho biết đã lập các điểm kiểm tra an ninh tại các trạm xe buýt đi và đến nhà ga.

Rian Thum, giáo sư chuyên nghiên cứu về lịch sử người Duy Ngô Nhĩ tại Trường đại học Loyola (New Orleans, Mỹ), nhận định việc dùng chất nổ nhắm vào dân thường dấy lên hồi chuông báo động người Duy Ngô Nhĩ đang biến tướng hình thức bạo động chính trị.

“Hầu hết các cuộc tấn công trước đây đều nhằm vào lực lượng cảnh sát, binh lính và quan chức chính quyền. Cuộc tấn công ở nhà ga xe lửa Urumqi, nếu là do người Duy Ngô Nhĩ gây ra, thì đáng báo động một kiểu tấn công mới xuất hiện là nhắm vào người dân và bạo lực đang diễn biến mạnh hơn” - Reuters dẫn lời giáo sư Thum.

15 lần dùng cụm từ “chống khủng bố”

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu giới chức địa phương hành động kiên quyết hơn chống lại các cuộc tấn công khủng bố.

Đài truyền hình CCTV cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Tân Cương chỉ vài giờ trước khi vụ nổ xảy ra.

Trong khi đó, Nhân Dân Nhật Báo chỉ ra rằng trong những tháng qua, ông Tập Cận Bình đã nhắc đi nhắc lại ít nhất 15 lần cụm từ “chống khủng bố”, một tín hiệu cho thấy an ninh quốc gia Trung Quốc đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo nước này.

Khi đến thăm thành phố Kashgar, ông Tập Cận Bình yêu cầu cảnh sát ở đây phải có biện pháp giải quyết hiệu quả nạn khủng bố vì ông cho rằng Kashgar là tiền tuyến chống khủng bố của Trung Quốc.

Ông Phan Chí Bình, chuyên gia nghiên cứu về chống khủng bố ở Trường đại học Tân Cương, khẳng định chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc đưa ra thông điệp là chính quyền trung ương bật đèn xanh cho giới chức địa phương chống khủng bố ở khu vực Tân Cương quyết liệt hơn.

Ngay sau vụ khủng bố mới, Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc cho biết Tân Cương là nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công đẫm máu trong những năm qua.

Năm 2013, đã có gần 100 người thiệt mạng do các cuộc tấn công liên quan đến người ở Tân Cương. Cùng năm, ba người Duy Ngô Nhĩ đã lao xe vào một khu vực đông người qua lại ở Tử Cấm Thành, thủ đô Bắc Kinh, làm chết hai du khách. Tháng 6 cùng năm, những kẻ bạo động ở Tân Cương đã giết chết 24 người ở thị trấn Lukqun.

Gần hai tháng trước, vào tối 1-3, một nhóm năm người bao gồm cả phụ nữ đã cầm dao, mã tấu tấn công hành khách ở ga xe lửa Côn Minh khiến 29 người chết và 143 người bị thương. Chính phủ Trung Quốc cho biết có bằng chứng cho thấy vụ tấn công này có liên quan đến các phần tử khủng bố ở Tân Cương.

Tân Cương - vùng biến động

Tân Cương, ở phía tây bắc Trung Quốc, có tên chính thức là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, là đơn vị hành chính cấp tỉnh lớn nhất của Trung Quốc với diện tích lên tới 1,6 triệu km². Với dân số gần 22 triệu người, Tân Cương là khu vực có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sinh sống, với khoảng 9,46 triệu người.

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số của Trung Quốc thường nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi.

Căng thẳng giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ đã bị dồn nén trong nhiều năm qua, nhất là sau vụ bạo động đẫm máu năm 2009 ở Urumqi làm gần 200 người chết. Người Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị hạn chế trong một số sinh hoạt, đi lại ở các khu vực công cộng.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp