Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới - Ảnh: T.T.
Trong thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học, sẽ có cả thư khen và giấy khen. Thư khen để khích lệ học sinh, còn giấy khen sẽ phải đúng với tầm vóc, tránh tình trạng lạm phát giấy khen.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 học sinh/lớp. Đây là con số được nêu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-8.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp để ép sĩ số học sinh các trường tiểu học xuống 50 học sinh/lớp mà đã rất khó khăn. Trong khi điều lệ trường tiểu học quy định sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học là 35 học sinh/lớp.
Giảm sĩ số ngày càng khó
Việc tăng dân số cơ học, nhất là ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh khiến ngành giáo dục gặp khó khăn trong mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp. Vướng mắc này cũng là một trong những khó khăn cơ bản của Hà Nội, TP.HCM trong việc áp dụng các mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực và sắp tới là thực hiện chương trình giáo dục mới.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết tình trạng quá tải trường lớp ở TP.HCM cũng đang là vấn đề phải lo. Năm học 2020-2021 dồn sức để lo đủ chỗ học, đảm bảo yêu cầu cho lớp 1. Nên khi triển khai chương trình mới ở các lớp 2, 3, 4, 5 sẽ rất căng nếu bây giờ không có các giải pháp tích cực để mở rộng mạng lưới trường lớp.
"Quy định dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học cần đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng trong tình thế sĩ số không thể giảm được vì yếu tố khách quan thì cần tăng lên 1,8 giáo viên/lớp mới đảm bảo yêu cầu. Hoặc có một cách khác là điều chỉnh chính sách để tăng thêm kinh phí chi cho lao động của giáo viên khi phải làm việc trong tình thế bị quá tải" - ông Nguyễn Xuân Tiến đề nghị.
Chia sẻ quan điểm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng quy định 35 học sinh/lớp nhưng thực tế có lớp tới 60 học sinh thì giáo viên phải nỗ lực rất lớn, và chất lượng giáo dục có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT nhận định ngoài các đô thị lớn, những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực di dân tự do đông cũng làm cho ngành giáo dục bị động trong việc điều chỉnh mạng lưới trường lớp. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm của các địa phương.
Tăng thêm 5.000 giáo viên vẫn thiếu
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học này cả nước có trên 400.000 giáo viên tiểu học, tăng 5.000 giáo viên so với năm học trước. Trong năm học mới, tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,41 (năm học trước là 1,38).
Theo ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đây là nỗ lực rất lớn nhưng hiện vẫn còn thiếu khoảng 10.000 giáo viên.
Để tạo điều kiện cho các địa phương, Chính phủ cũng ban hành nghị định 102/NĐ-CP về giải pháp biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các địa phương hợp đồng ngắn hạn với giáo viên nhằm giải quyết tình trạng thiếu tại chỗ.
Một số ý kiến tại hội nghị đề xuất điều chỉnh điều lệ trường tiểu học và các văn bản pháp lý theo hướng có quy định khác nhau với mỗi vùng miền đặc thù để sát với thực tiễn. Đây là cơ sở để có thể đề xuất tăng định biên giáo viên, giải quyết khó khăn khi tiếp tục thực hiện cuốn chiếu chương trình giáo dục mới ở các lớp 2, 3, 4, 5.
Trao đổi gút lại vấn đề giáo viên, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị các sở GD-ĐT rà soát thực trạng giáo viên, tương ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục mới để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên ổn định trong 5 năm tới. "Nội dung này cần đưa vào chương trình đại hội của địa phương, tránh tình trạng ăn đong" - ông Nhạ nhấn mạnh.
Đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh
Đây là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong kết luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Ông Nhạ nhấn mạnh đến việc phải tiếp tục tinh giản chương trình lớp 2, 3, 4, 5 tiệm cận với chương trình mới đang bắt đầu thực hiện ở lớp 1. Việc tinh giản sẽ không cắt xén chương trình cơ học mà điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục 2018, trong đó chú trọng đến đổi mới cách thức tổ chức dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Những nội dung kiến thức trùng lặp giữa các môn học, các lớp trong cấp học sẽ được điều chỉnh. Chú trọng xây dựng nội dung dạy học theo chủ đề, chuyên đề.
Để thực hiện nhiệm vụ kép này, trong kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường phải xây dựng chi tiết việc thực hiện nội dung các môn học bắt buộc, tự chọn, các hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu học sinh và điều kiện của nhà trường, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý việc thay đổi tư duy về quản trị nhà trường, ứng dụng quản trị bằng công nghệ thông tin, giảm sổ sách và các quy định không cần thiết.
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học vào đầu năm học tới theo hướng đánh giá, khen thưởng thực chất, phát huy nhiều nhất năng lực, phẩm chất học sinh và không gây áp lực cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận