Sau khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường chấn chỉnh shipper vi phạm giao thông trong giao, nhận và chuyển phát hàng hóa, nhiều bạn đọc phản ánh thời gian qua chứng kiến nhiều tài xế xe ôm công nghệ, shipper chở hàng hóa cồng kềnh, chạy xe với tốc độ cao, lái ẩu.
Đặc biệt, nhiều shipper vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online ngày 17-4, nhiều tài xế xe công nghệ ở TP.HCM nói dù biết việc vừa lái xe vừa nghe điện thoại là vi phạm giao thông, nhưng do "đặc thù công việc" nên không biết phải làm sao.
Anh Bình, làm nghề giao hàng hơn 2 năm, chia sẻ: "Biết là vi phạm, nhưng làm tài xế có gắn thêm chữ "công nghệ" thì điện thoại là công cụ không thể thiếu. Tối ưu được càng nhiều thời gian chúng tôi càng kiếm được nhiều tiền. Trên app nổ đơn thì chúng tôi phải bấm nhận liền. Không kịp dừng lại!".
Còn anh Hoàng, tài xế xe ôm công nghệ, giải thích: "Nhiều khi chúng tôi đón khách nhưng không biết đường. Chẳng lẽ cứ 5 phút lại phải dừng xe để lấy điện thoại ra coi bản đồ, khách hàng nào mà chịu mất thời gian như vậy. Vì vậy nhiều lúc phải vừa chạy xe vừa xem bản đồ qua điện thoại gắn trên giá đỡ ở gương xe".
Cùng chung ý kiến, rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ cho biết rơi vào tình huống khó xử giữa ba bên: việc đảm bảo an toàn giao thông, chính sách công ty và mong muốn của khách hàng sử dụng dịch vụ.
"Chúng tôi chỉ là người lao động, phải đảm bảo sự hài lòng của khách hàng. Các chính sách của công ty cần được tính toán lại để sát với tình hình thực tế làm việc của tài xế công nghệ, đáp ứng được nhu cầu của khách đặt xe, đồng thời để tài xế chấp hành tốt luật an toàn giao thông", một tài xế tên Thái nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM): Việc sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm pháp luật và có thể xảy ra tai nạn giao thông. Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 1-3 tháng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, các tài xế xe công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào điện thoại di động. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng dịch vụ xe công nghệ cần quy định việc sử dụng điện thoại di động thật cụ thể đối với tài xế của mình để đảm bảo đúng luật, đảm bảo an toàn giao thông theo quy định nêu trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận