05/09/2023 10:27 GMT+7

Shipper nói tiếng Pháp gây bão mạng: 'Bất hạnh lớn nhất là không được học'

Hơn một năm trước, nhiều người ngạc nhiên khi xem được đoạn clip một bạn trẻ trong đồng phục shipper trao đổi bằng tiếng Pháp rất lưu loát với một tiểu thuyết gia Pháp tại TP.HCM.

Huỳnh Hữu Phước luôn tin rằng ngày mai trời lại sáng và luôn hạnh phúc khi còn được học - Ảnh: CÔNG NHẬT

Huỳnh Hữu Phước luôn tin rằng ngày mai trời lại sáng và luôn hạnh phúc khi còn được học - Ảnh: CÔNG NHẬT

Ước mơ lớn nhất của tôi hiện tại là trở thành giáo viên, học lên tiến sĩ và hơn hết thảy là được đoàn tụ với mẹ.

HUỲNH HỮU PHƯỚC

Đó là Huỳnh Hữu Phước - shipper nói tiếng Pháp "gây bão mạng" khi ấy, đã trở lại giảng đường Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sau thời gian tạm gián đoạn vì nhiều biến cố gia đình. Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Hữu Phước nói:

- Tôi không quá sợ đám đông hay e ngại nhiều người biết đến. Nhưng khi nhiều người biết đến cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều ý kiến khác nhau mà đôi khi dễ khiến người trẻ áp lực và stress. Bản thân bị trầm cảm nên tôi sống nơm nớp với sự nổi tiếng đột ngột.

Có thời điểm tôi đóng Facebook, thậm chí xóa luôn trang cũ, vì cùng với lời động viên, tôi cũng nhận về không ít mỉa mai kiểu như "hồi đó học Lê Quý Đôn mà nghèo", "bình thường thôi mà làm quá"…

Thật lòng tôi rất ngại danh xưng "shipper nói tiếng Pháp" vì ngoài kia bao nhiêu người tài năng hơn, nghị lực hơn mình. Gần đây tôi thấy vui khi được nhắc đến là dịch giả.

Phải lao ra đường để sống

* Vì sao bạn quyết định làm shipper?

- Tôi không mất nhiều thời gian để quyết định làm shipper vì không làm đến cơm cũng chẳng có mà ăn. Khi tôi học lớp 12, gia đình gặp biến cố phải bán nhà, học phí luôn xin khất, laptop cũng phải bán nốt, đỉnh điểm là cả nhà ly tán! 

Cuộc sống đang yên ả bỗng một ngày chẳng còn ai nương tựa, tôi buộc phải ra đường bươn chải, sống một mình.

Tôi quay cuồng làm phục vụ quán cà phê, bảo vệ, rửa bát, giữ xe… vì có quá nhiều thứ phải lo. Tôi chọn làm shipper để chủ động thời gian hơn đôi chút. Một trong những món ăn sau này tôi rất ghét, ám ảnh dù từng rất thích là bún đậu mắm tôm, vì lúc đó hầu như ngày nào cổng nhà cũng bị tạt mắm tôm và sơn. Có những ngày tôi co rúm người lại, bật khóc giữa đường vì bị người ta chặn đòi đánh rồi dọa nói xấu chuyện nhà tôi với bạn bè.

* Một ký ức khó quên trong hành trình shipper của bạn?

- Tôi ngại kể khổ nhưng có lần đi giao hàng giữa trời mưa lớn, đơn hàng là chiếc bánh kem, năm ly trà sữa với tổng tiền lên cả triệu. Tôi bị cận nặng, đường trơn và gió thốc, chiếc xe bị trượt ngã chỏng chơ. Mọi thứ đổ tràn, chân tôi chảy máu, mắt nhòe. Lúc đó, những gì nghĩ đến là tại sao cuộc sống quá tàn nhẫn, bất công với tôi đến vậy.

Nhìn bên kia đường, tôi thấy những người ăn mặc chỉnh tề, ấm áp trong tòa nhà cao tầng, càng thấy tủi thân dâng tràn, kiệt quệ đến mức có người đến đỡ nhưng tôi chẳng buồn ngồi dậy. 

Túi rỗng, bụng đói, ước mơ chẳng đến đâu vì thời điểm đó tôi đã bị cho thôi học. Tôi nhớ đến câu "đau đớn thay cho những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất" trong tác phẩm Sống mòn của Nam Cao. Tôi mượn tiền người bạn đền tiền đơn hàng rồi về nhà ngã gục lên giường, chẳng thiết gì nữa.

Hữu Phước với chiếc xe máy được một người dân tặng khi biết về câu chuyện của bạn - Ảnh: NVCC

Hữu Phước với chiếc xe máy được một người dân tặng khi biết về câu chuyện của bạn - Ảnh: NVCC

Chưa bao giờ dừng học

* Dùng thuốc trầm cảm bao năm qua, thậm chí từng vài lần bạn nghĩ quẩn, làm sao để vượt qua?

- Tôi nhận ra mình có vài biểu hiện tâm lý bất thường từ lúc 18 tuổi. Tôi vui buồn bất chợt, lo âu vô cớ, tim hay đập nhanh. Đi khám, bác sĩ nói bị rối loạn lo âu, trầm cảm. 

Có lúc tôi chỉ có 58kg, kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Bạn cấp III đa phần đều du học nên có tâm sự cũng khó, bạn đại học không quá thân. 

Tôi cũng sợ lướt điện thoại, sợ peer pressure (áp lực đồng trang lứa) vì hình ảnh cuộc sống của tôi và các bạn đa phần đi du học quá khác biệt.

Sau này tôi tìm đến thiền và thuốc nên đỡ đôi chút. Chắc do được nhiều người thương yêu mà tôi đã vượt qua các áp lực trên. 

Tôi biết ơn công việc shipper đã cho tôi gặp được nhiều người tốt. Có người dù nghèo vẫn sẵn lòng cho tôi mượn tiền mua cơm, người cho tôi thiếu tiền ăn, người cho tôi sách đọc miễn phí…

Thế giới quan của tôi trước đó thu hẹp lắm, khó cảm nhận được những điều bé nhỏ nhưng ý nghĩa như vậy trong cuộc sống. Báo đài nhắc đến, tôi nhận được nhiều sự ủng hộ vật chất và tinh thần, được tạo điều kiện quay lại trường. Hiện mỗi sáng thức dậy, tôi thấy tốt hơn rất nhiều.

* Người ta chỉ biết Phước nói tiếng Pháp tốt, ít ai biết bạn đam mê tiếng Anh, Hoa và Nhật…

- Tôi chỉ từng dừng học đại học chứ chưa từng dừng học. 

Với tôi, bất hạnh lớn nhất là không còn được học. Việc có tri thức giúp chúng ta nhìn mọi thứ một cách trọn vẹn, nhiều góc nhìn tích cực hơn. 

Nghịch cảnh là điều không ai muốn, nhưng hôm nay có giông bão thì ngày mai trời sẽ lại sáng. Khó khăn có thể hoãn nhưng đừng bao giờ bỏ học vì điều đó khác nào bạn từ bỏ tương lai và ước mơ của mình.

Shipper nói tiếng Pháp với tác giả Marc Levy

Huỳnh Hữu Phước gây "bão mạng" sau buổi giao lưu của nhà văn Marc Levy với bạn đọc tại TP.HCM tháng 11-2022. Trong đồng phục shipper, Hữu Phước đặt câu hỏi với tiểu thuyết gia trên bằng tiếng Pháp khá lưu loát.

Sau buổi giao lưu ấy, bạn tiếp tục công việc giao hàng mà không biết ngay tối đó đoạn clip quay lại phần trao đổi ấy khiến bạn trở thành hiện tượng mạng. Phước đã học tiếng Pháp nhiều năm, từng có cuộc sống yên ả trước khi biến cố xuất hiện khiến bạn phải ngưng học đại học đi làm giao hàng, bảo vệ, phục vụ quán thời điểm đó.

San sẻ với đời

* Dù khó khăn nhưng khi được giúp đỡ bạn chỉ nhận một phần, còn lại chia sẻ với những bạn mồ côi vì COVID-19, sao thế?

- Gia đình gặp biến cố phải ly tán, sâu thẳm tôi biết gia đình rất quan trọng với mình. Khi đã mất người thân mà còn mất cả cơ hội được học, cuộc đời sẽ kinh khủng lắm. Nên tôi dành phân nửa phần tiền được giúp cùng góp cho các bạn tiếp tục đến trường.

Có người nói tôi ngu, "nghèo mà bày đặt", nhưng tôi biết mình đang nhận được nhiều sự thương yêu của cộng đồng nên muốn san sẻ lại, điều đó khiến mình hạnh phúc. Với tôi vậy là đủ.

Đối thoại với Công dân trẻ tiêu biểu: Để áp lực trở thành động lựcĐối thoại với Công dân trẻ tiêu biểu: Để áp lực trở thành động lực

Hiền lành, giản dị là cảm nhận đầu tiên khi người khác gặp Trần Khánh Tường - sinh viên năm thứ hai ĐH Y Dược TP.HCM - vừa được trao danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" ngay những ngày cuối năm 2022.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp