30/08/2021 06:15 GMT+7

Shipper lúng túng với chuyện xét nghiệm mỗi ngày từ 5-6h sáng khi giao hàng 'vùng đỏ'

C.TRUNG - N.BÌNH - N.HIỂN
C.TRUNG - N.BÌNH - N.HIỂN

TTO - Mặc dù TP Thủ Đức (TP.HCM) thông báo từ ngày 28-8 người dân có thể bắt đầu đi chợ qua app, nhưng theo hướng dẫn mới, nhiều hãng xe công nghệ lo ngày 30-8 cũng chưa triển khai shipper giao hàng trong "vùng đỏ" được.

Shipper lúng túng với chuyện xét nghiệm mỗi ngày từ 5-6h sáng khi giao hàng vùng đỏ - Ảnh 1.

Shipper chở hàng giao cho khách trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các ứng dụng Grab, BeGroup, Baemin, Ahamove băn khoăn với những quy định được đưa ra đối với lực lượng tài xế giao hàng công nghệ (shipper) ở 8 quận "vùng đỏ" đều phải xét nghiệm mỗi ngày từ lúc 5-6h sáng.

Shipper chờ đợi

Theo ghi nhận ngày 29-8, các shipper mặc dù đã biết khả năng được hoạt động trở lại ở TP Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ" nhưng vẫn trong trạng thái chờ quy định cụ thể. Nhiều shipper xôn xao trước đề xuất sẽ xét nghiệm từ 5 - 6h sáng ở mỗi phường khi hoạt động giao hàng ở "vùng đỏ". 

Họ cho hay trước đây quy định tài xế phải 3 ngày "chọc mũi" hoặc xét nghiệm nhanh một lần là nhiều tài xế đã gác xe. Vì vậy một số tài xế vẫn tập hợp ở phường xem tình hình, nếu thấy không chịu được thì… mới xin rút.

Anh Nguyễn Đức Nhật (tài xế Grab) cho biết anh sẵn sàng test nhanh mỗi ngày một lần với mục đích đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng lẫn bản thân, song chi phí xét nghiệm hiện nay khá lớn nên cần phải tính toán cách chi trả. Theo anh Nhật, các shipper chạy mùa dịch này mỗi ngày lời được khoảng 500.000 đồng, song nếu tính luôn chi phí xét nghiệm thì tiền lời chỉ còn chưa đến phân nửa.

Do đó, anh Nhật mong muốn nếu áp dụng xét nghiệm mỗi ngày thì cần có cơ chế để tài xế được miễn chi trả khoản tiền này mà có thể cộng vào chi phí đơn hàng hoặc doanh nghiệp và Nhà nước cùng chia sẻ.

Xét nghiệm lúc tờ mờ sáng

Tối ngày 29-8, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn thống nhất cho phép lực lượng shipper theo danh sách đăng ký của Sở Công thương được lưu thông ra đường phạm vi một quận, huyện, TP Thủ Đức trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cụ thể, đối với shipper hoạt động ở 8 quận "vùng đỏ" đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và phải xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người, thời gian xét nghiệm hàng ngày vào lúc 5 – 6h sáng do lực lượng quân y thực hiện tại các trạm y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Shipper hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại cũng phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính được thực hiện 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người tại các trạm y tế cho đến hết ngày 6-9. Đồng thời, Công an thành phố thống nhất với Sở Công thương về phương án hoạt động của lực lượng shipper, chỉ hoạt động trong phạm vi một quận, huyện đã đăng ký.

Công an thành phố cũng sẽ cấp bổ sung cho Sở Công thương khoảng 20.000 giấy đi đường cho nhân viên hệ thống bán lẻ để bổ sung thêm lực lượng chuẩn bị đơn hàng và thực hiện các gói combo. Đồng thời sẽ kiểm tra thường xuyên hoạt động của các lực lượng shipper khi lưu thông. Thời gian áp dụng từ ngày 30-8 đến khi có thông báo mới.

Doanh nghiệp vẫn lúng túng

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi UBND TP.HCM ra văn bản hướng dẫn, nhiều ứng dụng như Grab, Beamin, BeGroup cho biết vẫn cần làm rõ thêm một số vấn đề.

Đại diện Grab và Baemin cho biết vẫn chưa rõ quy định chi phí xét nghiệm là doanh nghiệp tự chi trả hay được miễn phí. "Đây cũng là điều mà doanh nghiệp vẫn thắc mắc và chờ hướng dẫn. Chi phí test nhanh khoảng 200.000 - 350.000 đồng/lần, cứ 1.000 tài xế của mỗi doanh nghiệp hoạt động mà thực hiện xét nghiệm mỗi ngày là số tiền rất lớn" - đại diện Baemin nói.

Đồng thời, vị này cũng cho biết doanh nghiệp sẽ gặp khó vì Sở Công thương lại yêu cầu các hãng đăng ký hoạt động nhưng giữa nguyên cước phí giai đoạn trước 13-8, tức không được phép tăng giá. Trường hợp, chi phí xét nghiệm đẩy về cho doanh nghiệp nhưng không được tăng giá cước thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài băn khoăn về chi phí, nhiều ứng dụng cũng lo lắng trước quy định xét nghiệm mỗi ngày từ 5-6h sáng sẽ khiến shipper hạn chế tham gia đăng ký chạy trong thời gian này. Thực tế, nhiều tài xế trong thời gian qua nghỉ việc vì bị ám ảnh lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần. "Tờ mờ sáng phải tập trung chờ đợi xét nghiệm, chờ đợi lấy kết quả, thì giờ đâu mà làm việc" - ông Nguyễn Việt Linh - giám đốc truyền thông BeGroup băn khoăn.

Về quy trình giao hàng, nhiều ứng dụng cho biết khả năng sẽ giao hàng đến tực tiếp khách hàng. Nhưng chưa có hướng dẫn thêm nên khả năng áp dụng hoạt động giao hàng ở "vùng đỏ" vào ngày 30-8 chưa thể triển khai được.

Giám đốc một doanh nghiệp cho rằng Sở Công thương và Sở Y tế nên ngồi lại với nhau để ra quy trình hướng dẫn cụ thể hoạt động cũng như xét nghiệm hiệu quả, an toàn. Đồng thời, quy định xét nghiệm mỗi ngày cho shipper, vị này cho rằng cần nên xem lại. Đơn cử mẫu gộp thì ai gộp với ai để mang tính đại diện, thực sự hiệu quả trong chống dịch và đảm bảo nhu yếu phẩm cho bà con thành phố...

Miễn phí ở TP Thủ Đức

Theo đại diện Grab Việt Nam, để hỗ trợ lực lượng đi chợ hộ của chính quyền, nền tảng này cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho TP Thủ Đức, miễn phí sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng GrabMart, miễn phí giao hàng cho người dân.

TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ nơi ở (nếu cần), chi phí ăn uống, xăng xe, liên lạc điện thoại cho đội ngũ đối tác tài xế tình nguyện của Grab, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19.

Riêng shipper các vùng đang được phép hoạt động theo quy định vẫn tính phí bình thường.

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết hạ tầng công nghệ hỗ trợ thêm công tác mua hàng thiết yếu online là rất cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng được phần nào nhu cầu mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân TP Thủ Đức.

Khi áp dụng hướng dẫn mới, song song với cách đặt hàng qua ứng dụng Grab, người dân vẫn có thể đặt hàng qua lực lượng đi chợ thay.

Siêu thị mong có shipper công nghệ

Đại diện chuỗi siêu thị K. cho biết nếu các shipper được phép hoạt động sẽ hỗ trợ rất lớn cho siêu thị khi không còn phải tự đi giao hàng như trước mà sẽ rút những người giao hàng vào lo việc soạn đơn.

Theo vị này, thời gian qua các địa phương áp dụng đi chợ hộ, đơn hàng đổ về siêu thị rất lớn song còn thiếu nhân sự để soạn hàng lẫn giao hàng cho khách. Hiện mỗi siêu thị chỉ có 2 - 3 nhân viên có giấy đi đường để giao hàng, song khi có đối tác giao hàng công nghệ thì việc giao hàng sẽ khoán lại cho các đối tác này như trước đây, siêu thị sẽ nhẹ gánh đi rất nhiều và đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị đơn hàng cho khách.

Theo các siêu thị trên địa bàn TP Thủ Đức, trong ngày 29-8, các đơn hàng đi chợ hộ vẫn được giao qua lực lượng tình nguyện của chính quyền. Như tại siêu thị Tops Market Thảo Điền, gần 500 phần hàng bán theo combo soạn sẵn đã được các lực lượng này giao đến người dân.

Anh Ngọc, một tình nguyện viên, cho biết sáng 30-8, anh đã giao khoảng 15 đơn hàng nhờ từng có kinh nghiệm làm shipper. "Cả tổ đều căng mình, nếu có lực lượng shipper công nghệ hỗ trợ sẽ thêm nhiều người sớm được nhận hàng", anh Ngọc nói.

TP.HCM ban hành khẩn: Shipper được hoạt động ở các quận ‘vùng đỏ’ tại TP.HCM từ 30-8 TP.HCM ban hành khẩn: Shipper được hoạt động ở các quận ‘vùng đỏ’ tại TP.HCM từ 30-8

TTO - Tối 29-8, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn, cho phép shipper được phép hoạt động thêm ở các quận 'vùng đỏ' kể từ ngày mai 30-8, song phải thực hiện xét nghiệm nhanh 1 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người.

C.TRUNG - N.BÌNH - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp