Các thành viên Shareapy trao đổi công việc cùng nhau - Ảnh: CÔNG NHẬT
Trong tương lai gần, nhóm mong muốn tạo ra được phiên bản hoàn chỉnh của ứng dụng, từ đó có thể đưa ra cộng đồng để giới trẻ có thêm một "người bạn" đồng hành trong những lúc thăng trầm cảm xúc.
VÕ NGỌC KHÁNH LINH
Nói về thành tích là nhóm sinh viên Việt đầu tiên ghi tên trên "bảng vàng" cuộc thi ý tưởng công nghệ thường niên dành cho sinh viên được Google tổ chức, bạn Nguyễn Thành Nhân (năm 3 khoa khoa học máy tính) cho biết đến thời điểm hiện tại cả nhóm vẫn vẹn nguyên cảm xúc vui và hạnh phúc.
Người trẻ đang cần sự lắng nghe
"Mục đích của cuộc thi là mang lại một giải pháp để giải quyết các vấn đề cho cộng đồng tại đất nước của mình, chính điều này đã thôi thúc chúng tôi phải hiện thực hóa ý tưởng nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bảo vệ sức khỏe tâm thần.
Điều này càng trở nên đặc biệt quan trọng với giới trẻ, bởi chúng tôi cũng là thế hệ trẻ nên biết được những vấn đề, hệ lụy liên quan. Tiếc là rất nhiều ứng dụng, chương trình ra đời hiện chỉ phục vụ mục đích giải trí hoặc nhu cầu vật chất" - bạn Trần Lâm Bảo Khang và bạn học cùng lớp Võ Ngọc Khánh Linh (năm 2 khoa quản lý công nghiệp) nêu trăn trở.
Do cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ Google DSC tại trường, Thành Nhân và Bảo Khang, Khánh Linh đã "gặp" nhau ở ý tưởng tạo ra một sản phẩm như trên. Tuy nhiên, nhóm nhận ra vẫn còn một vài điểm hạn chế về lập trình nên ngỏ lời mời bạn Nguyễn Đăng Huy (khoa khoa học máy tính) gia nhập.
Thời điểm đó, Đăng Huy đang bận rộn với lịch học năm 3 và thực tập nên chưa nhận lời ngay, chỉ đến khi thấy được thông điệp ý nghĩa của ứng dụng thì mới quyết định tham gia.
Chia sẻ về Shareapy, các bạn cho biết đó là một ứng dụng để các bạn trẻ có thể "tâm sự" với những người lạ. Bên cạnh đó, các bạn cũng cho biết một trong những điểm nhấn của Shareapy là tính "cộng đồng tương tác một chiều".
"Một chiều" ở đây có nghĩa là khi một bạn trẻ nào đó chia sẻ câu chuyện, nỗi lòng của bản thân thì những người khác chỉ lắng nghe và thể hiện sự động viên bằng những ký hiệu tích cực chứ không chỉ trích hoặc phán xét, chê bai. Nói một cách đơn giản hơn, ứng dụng giúp các bạn trẻ biết rằng sẽ luôn có một ai đó sẵn lòng lắng nghe các bạn.
Có thể xem ứng dụng này là một biện pháp "sơ cứu" cho những vấn đề nhỏ về mặt tâm lý chứ chưa thể can thiệp vào những vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
"Để làm được điều vĩ mô hơn thì chúng tôi còn phải làm nhiều bước và cần sự hỗ trợ từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện sản phẩm, trong đó có việc cung cấp một bài kiểm tra để phần nào đánh giá được tình trạng sức khỏe của người dùng, từ đó có những gợi ý cụ thể và hiệu quả hơn" - các thành viên nhóm chia sẻ về sản phẩm từng đoạt giải 3 một cuộc thi công nghệ trong trường.
Lẽ ra sắp tới các thành viên nhóm có cơ hội được đến trụ sở của Google tại tiểu bang California (Hoa Kỳ) để giao lưu, tìm hiểu thêm về công nghệ với các chuyên gia, tuy nhiên dịch COVID-19 khiến kế hoạch bị hủy phút chót. Dẫu vậy, các thành viên nhóm khẳng định rằng điều đó không khiến các bạn nản lòng, vẫn ngày đêm miệt mài cùng "đứa con tinh thần" của mình.
Từ câu chuyện thực tế của bản thân
Nói về khởi nguồn ý tưởng trên, các thành viên nhóm cho biết phần lớn đều từng là "người trong cuộc". Đơn cử như câu chuyện của bạn Khánh Linh. Những năm cuối của cấp II, bạn cho biết bản thân từng trải qua giai đoạn khá khó khăn do những xáo trộn tâm lý khi bước vào tuổi mới lớn. Thời gian đó bạn bị trầm cảm và những giải pháp hiếm hoi có thể làm là viết nhật ký và tìm người thực sự phù hợp để chia sẻ, dẫu vậy mọi thứ thật sự không dễ dàng.
Do lịch học ở trường khá nặng, các thành viên phải nỗ lực tối đa để có thể hoàn thành tốt việc học lẫn hoàn thành ứng dụng.
"Còn nhớ đúng thời điểm chúng tôi cho ra đời và phát triển sản phẩm thì cũng trùng thời kỳ cách ly xã hội, các thành viên không thể trao đổi trực tiếp ngoài đời thật mà phải làm việc trực tuyến hoàn toàn. Nhưng ngẫm lại, điều đó lại hóa ra rất tiện lợi vì các thành viên không phải mất thời gian đi lại, lịch trao đổi cũng chủ động hơn" - các bạn chia sẻ về thử thách đầu tiên.
Kế đến, do các thành viên nhóm đều có tuổi đời khá trẻ, còn nhiều hạn chế về kiến thức chuyên môn nên thời gian đầu các bạn phải vừa làm vừa mày mò, hỏi han các anh chị đi trước và đọc từ rất nhiều nguồn... để ý tưởng có thể đạt hiệu quả, tính thực tế cao nhất.
Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage...) trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8-2020. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO...
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận