09/03/2016 07:05 GMT+7

Sharapova có thật sự vô tội?

Đ.K.L. - HUY ĐĂNG
Đ.K.L. - HUY ĐĂNG

TT - Rạng sáng 8-3 (giờ VN), tay vợt nữ 28 tuổi người Nga Maria Sharapova tổ chức họp báo ở Los Angeles (Mỹ) công bố dương tính với chất cấm meldonium ở Giải quần vợt Úc mở rộng 2016 và tạm thời bị Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) đình chỉ thi đấu.

Sharapova trong buổi họp báo sáng 8-3 - Ảnh: Reuters
Sharapova trong buổi họp báo sáng 8-3 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của Sharapova trong buổi họp báo: “Tôi đã phạm một sai lầm lớn, loại thuốc này được đưa vào danh mục chất cấm từ đầu năm 2016 nhưng tôi không biết. Giờ đây tôi phải nhận hậu quả. Dù vậy, tôi không muốn sự nghiệp của mình kết thúc theo cách này, tôi thật sự hi vọng mình còn một cơ hội để có thể thi đấu tiếp”.

Sharapova cũng thừa nhận được bác sĩ riêng chỉ định dùng thuốc này trong 10 năm qua “vì tôi thường bị bệnh, thiếu magne, kết quả điện tâm đồ không bình thường và có dấu hiệu tiểu đường trong khi gia đình vốn có tiền sử bệnh này”.

Dương tính chỉ vì bất cẩn?

Chất meldonium được sản xuất tại Latvia để chữa bệnh tim và được dùng rộng rãi trong giới VĐV Đông Âu, đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, chất này không được cấp phép sử dụng tại Mỹ bởi bên cạnh chức năng chữa bệnh tim, chất meldonium còn có tác dụng tăng cường khả năng lưu thông máu từ đó giúp tăng sức chịu đựng của cơ thể.

Sở dĩ Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) đưa meldonium vào danh mục cấm là vì tổ chức này tìm thấy nhiều bằng chứng các VĐV sử dụng chất meldonium với mục đích tăng khả năng vận động, chịu đựng và rút ngắn thời gian hồi phục. Theo số liệu của tờ New York Times, trong số 8.300 mẫu nước tiểu dương tính chất kích thích trong năm 2015, có 182 mẫu đồng thời có chất meldonium, chiếm tỉ lệ 2,2%.

Ngay luật sư John Haggerty của Sharapova cũng thừa nhận chất meldonium nếu sử dụng liều cao sẽ giúp tăng khả năng vận động. Tuy nhiên, luật sư Haggerty khẳng định mục đích dùng chất meldonium của Sharapova chưa bao giờ là để tăng cường khả năng vận động. Còn Sharapova cho biết cô đã không bấm vào đọc email của WADA nên không biết meldonium đã bị đưa vào danh mục cấm.

Trong khi đó, WADA cho biết từ tháng 9-2015 đã đưa chất meldonium vào danh mục cấm, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Đến tháng 12-2015, WADA gửi mail thông báo đến tất cả VĐV.

Dư luận trái chiều quanh Sharapova

Tin Sharapova dương tính chất kích thích đã gây xôn xao dư luận toàn cầu. Twitter đã nóng lên với rất nhiều chia sẻ, chia thành hai luồng ý kiến trái chiều nhau.

Tay vợt nữ huyền thoại Martina Navratilova (Mỹ) gọi Sharapova chỉ mắc một “sai lầm lương thiện”. Cách gọi này cũng được tay vợt nam người Mỹ Ryan Morrison sử dụng khi nhận xét: “Đây là một sai lầm lương thiện của một nhà vô địch vĩ đại”. Còn cựu tay vợt Mỹ James Blake khen việc Sharapova tổ chức họp báo công bố dương tính với chất cấm là một hành động dũng cảm và sáng suốt.

Trái lại, cũng có không ít VĐV chỉ trích Sharapova. Mạnh miệng nhất là cựu tay vợt Mỹ 39 tuổi Jennifer Capriati: “Tôi cảm thấy tức giận và thất vọng. Theo ý kiến của tôi, toàn bộ các danh hiệu của Sharapova nên bị tước bỏ”.

HLV của Andy Murray, ông Brad Gilbert, cho rằng Sharapova xứng đáng phải lãnh hậu quả vì sự bất cẩn của mình. Trong khi đó, cựu VĐV điền kinh người Anh Katharine Merry viết trên Twitter: “Tôi thật sự phát bệnh khi cứ nghe các VĐV nói về việc họ sử dụng các loại thuốc mà đáng lý họ không được dùng. Điều đó rõ ràng là sai”.

Tổn thất lớn về mặt tài chính

Ngay sau buổi họp báo, Hãng thể thao Nike và Hãng đồng hồ Tag Heuer tuyên bố không tiếp tục hợp đồng với Sharapova.

Nike cho biết “buồn và ngạc nhiên”, đồng thời tuyên bố “tạm thời ngưng hợp đồng” với Sharapova cho đến khi cuộc điều tra kết thúc. Năm 2010, Nike ký hợp đồng tài trợ với Sharapova trị giá lên đến 70 triệu USD trong 8 năm. Và nếu thật sự bị Nike cắt hợp đồng, Sharapova sẽ mất ít nhất 16 triệu USD khi cô vẫn còn hơn 2 năm trong hợp đồng.

Trong khi đó hãng đồng hồ cao cấp Tag Heuer của Thụy Sĩ - ký hợp đồng với Sharapova từ năm 2004 đến 2016 - cho biết không gia hạn hợp đồng mới với Sharapova. Đây là tổn thất rất lớn của Sharapova vì thu nhập chính của cô đến từ quảng cáo. Theo trang Forbes, từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2015, Sharapova thu nhập 29,7 triệu USD, trong đó 23 triệu USD từ quảng cáo với các hãng Nike, Head, Samsung, Evian, Evon, Porsche, Tag Heuer...

Ngày 12-3, ITF sẽ đưa ra án phạt chính thức dành cho Maria Sharapova. Theo luật, án cấm tối đa đối với việc vô tình dùng chất kích thích là cấm thi đấu hai năm. Tuy nhiên theo ông Haggerty, vì Sharapova chỉ dùng meldonium liều thấp để chữa bệnh nên sẽ xin ITF án phạt nhẹ nhất, thậm chí có thể chỉ bị cảnh cáo.

Năm 2013, Marin Cilic (Croatia) lãnh án cấm thi đấu hai năm vì dùng chất cấm nhưng sau đó kháng án và được giảm chỉ còn cấm bốn tháng. Đến tháng 9-2014, Cilic vô địch Giải Mỹ mở rộng.

Kể từ khi meldonium bị đưa vào danh mục cấm từ ngày 1-1-2016, Sharapova là VĐV thứ bảy bị phát hiện dương tính. Sáu người trước đó là VĐV xe đạp Nga Eduard Vorganov, VĐV trượt băng nghệ thuật Nga Ekaterina Bobrova, hai VĐV điền kinh gốc Ethiopia Endeshaw Negesse và Abeda Aregawi cùng hai xạ thủ bắn súng Ukraine Olga Abramova và Artem Tyshchenko.

Đ.K.L. - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp