01/06/2018 10:11 GMT+7

Shangri-La 2018 tái định hình an ninh khu vực

NHẬT ĐĂNG  (từ Singapore)
NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)

TTO - Biển Đông, Triều Tiên, Trung Quốc và sự tham gia mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La 2018.

Shangri-La 2018 tái định hình an ninh khu vực - Ảnh 1.

Khách sạn Shangri-La, Singapore - nơi sẽ diễn ra SLD 2018 - Ảnh: Tập đoàn Shangri-La

Hội nghị thượng đỉnh thường niên an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue - SLD) lần thứ 17 khai mạc sáng nay (1-6) tại khách sạn Shangri-La ở Singapore. 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự sự kiện, vốn quy tụ 600 đại biểu, gồm bộ trưởng quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội, các chuyên gia, học giả của hơn 40 nước.

Điểm nóng an ninh

Sự kiện SLD diễn ra tại Singapore, giữa bối cảnh chính đảo quốc này dự kiến là nơi diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12-6.

Những kỳ vọng lẫn lo ngại về cuộc gặp nêu trên được một số nhà quan sát đánh giá là chủ đề nóng cho các nội dung bàn thảo tại SLD năm nay. 

Hơn lúc nào hết, tình hình Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, góp phần định hình bối cảnh an ninh toàn khu vực cũng như quan điểm của Mỹ về vấn đề này trong thời gian tới. 

Nội dung ấy phù hợp với phiên thảo luận toàn thể đầu tiên ngày 2-6, với phần trình bày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis về "sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức của an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ông John Chipman - tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức SLD - nhận định: "Ngoại giao quốc phòng là công việc khó khăn và trong 3 ngày tới sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương, ngoài lề và những cuộc họp liên chính phủ tại SLD, cũng như những phát biểu quan trọng có khả năng định hình chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực".

Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh bàn thảo ở SLD năm nay. Ngay trước khi hội nghị diễn ra, Washington và Bắc Kinh đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn xung quanh vấn đề thương mại và an ninh hàng hải.

Trung Quốc cử học giả quân sự dẫn đầu

Tin hành lang cho biết Trung Quốc dự kiến cử các học giả quân sự dẫn đầu phái đoàn dự Đối thoại Shangri-La diễn ra cuối tuần này ở Singapore, nhằm tránh màn đối đầu với Mỹ về vấn đề Biển Đông "ở cấp độ nhà nước".

Thông tin trên được báo South China Morning Post dẫn lại từ các nguồn tin ẩn danh trong Chính phủ Trung Quốc. Được biết, thay vì một quan chức quốc phòng cao cấp, đoàn Trung Quốc sẽ do trung tướng He Lei - phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học quân sự - dẫn đầu. Động thái này mang ẩn ý "định nghĩa lại" Đối thoại Shangri-La như một sự kiện trao đổi học thuật chứ không phải thảo luận chính sách, theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Yue Gang. (PHÚC LONG)

Cục diện mới

Không tham gia SLD năm 2017, nhưng năm nay đặc biệt Ấn Độ đang tỏ rõ quyết tâm đặt dấu ấn vào bối cảnh an ninh khu vực. 

Ở sự kiện năm nay, Thủ tướng Narendra Modi có bài phát biểu trong phiên khai mạc ngày 1-6 với nội dung về vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực và tầm nhìn của ông về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn cũng sẽ là điểm then chốt trong các cuộc thảo luận của ba ngày làm việc tại Shangri-La. Ngay trước đó, hôm 30-5, Mỹ tuyên bố đổi tên đơn vị chịu giám sát hoạt động quân sự của quân đội Mỹ tại châu Á là Bộ chỉ huy Thái Bình Dương sang tên mới là Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Patrick Cronin, giám đốc cấp cao tại Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (trụ sở ở Washington), cho rằng Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác phải sử dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để thúc đẩy việc thống nhất trong các hoạt động quân sự tại khu vực. 

Nhưng ông Cronin nói thêm bản thân Mỹ cũng không thể lãnh đạo chỉ bằng việc truyền cảm hứng. Thay vào đó, việc mở rộng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đi kèm với chính sách bổ sung cho khu vực Đông Nam Á và đòi hỏi các đồng minh trong khu vực khác, không chỉ "tứ giác an ninh" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc, phải cùng hành động.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á còn có tên gọi là Đối thoại Shangri-La vì tổ chức tại khách sạn Shangri-La. Đây là một diễn đàn an ninh liên chính phủ do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) trụ sở tại Anh tổ chức.

Cảnh sát Singapore ngày 31-5 cho biết sẽ siết chặt an ninh từ ngày 1 tới 3-6 và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt trong và xung quanh khách sạn Shangri-La. Một số biện pháp được triển khai cụ thể như hạn chế đậu xe, cấm sử dụng thiết bị bay không người lái gần nơi tổ chức và chặn hoặc hạn chế lưu thông một số tuyến đường.

NHẬT ĐĂNG (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp