01/01/2025 20:07 GMT+7

Sếp SJC vừa bị bắt lương nửa tỉ/năm, kinh doanh vàng dưới thời vị này ra sao?

Bà Lê Thúy Hằng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), bị khởi tố về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hiện SJC đã có quyền tổng giám đốc mới.

Sếp ‘tổng’ SJC vừa bị bắt: Lương nửa tỉ/năm, từng phát biểu chú ý vụ độc quyền - Ảnh 1.

Bà Lê Thúy Hằng trước khi bị khởi tố - Ảnh: T.N

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, liên quan vụ án tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đến nay đã khởi tố sáu người về hai tội danh: tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó có bà Lê Thúy Hằng, sinh năm 1970, tổng giám đốc SJC, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

SJC kinh doanh ra sao dưới thời bà Lê Thúy Hằng?

Bà Lê Thúy Hằng có trình độ chuyên môn thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ tài chính ngân hàng, được bổ nhiệm giữ chức tổng giám đốc SJC vào tháng 11-2019.

Nhìn dải dữ liệu về kết quả kinh doanh của SJC thời gian dài có thể thấy, công ty bán vàng thuộc sở hữu nhà nước này ghi nhận sự thay đổi khá lớn kể từ năm 2013.

Như năm 2012, doanh thu rất lớn, hơn 72.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế gần 300 tỉ đồng. Doanh thu và lợi nhuận của SJC dần lao dốc sau năm 2013, trong đó doanh thu về khoảng 20.000 - 30.000 tỉ đồng.

Trong quãng thời gian bà Hằng làm CEO, trừ năm 2021, doanh thu các năm cũng đều đặn hàng chục nghìn tỉ đồng và không có sự đột biến.

Nhưng đáng chú ý hơn là câu chuyện lợi nhuận ròng của SJC. Giai đoạn từ sau năm 2013, dù doanh thu lớn nhưng lợi nhuận công ty vàng này khá mỏng, chỉ vài chục tỉ đồng, trong khi trước đó 200 - 300 tỉ đồng.

Trong đó, năm 2020 - niên độ báo cáo tài chính đầu tiên khi bà Hằng tiếp quản chức tổng giám đốc, doanh thu của SJC đạt 23.491 tỉ đồng, tăng gần 2% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế gần 56 tỉ đồng, tăng hơn 6%.

Đến năm 2023, báo cáo tài chính cho thấy doanh thu thuần của SJC đạt 28.408 tỉ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022. Dù doanh thu nhích lên nhưng lợi nhuận gộp trong năm của SJC đạt 241,6 tỉ đồng, thấp hơn năm trước khoảng 8 tỉ đồng.

Sau trừ các loại chi phí và thuế, lãi ròng "ông lớn" ngành vàng đạt gần 61 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Sở dĩ doanh thu lớn nhưng mức lãi lại của SJC "lèo tèo" vì giá vốn chiếm tới 99% doanh thu. Biên lợi nhuận gộp của SJC rất mỏng, chỉ đạt 0,85%.

Doanh thu và lợi nhuận của SJC - Dữ liệu: BCTC, TTO

Trong báo cáo mục tiêu tổng quát và kế hoạch kinh doanh năm 2024, bà Lê Thúy Hằng từng cho biết Công ty SJC tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, đưa SJC trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang, mở rộng thị trường sang khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo báo cáo của bà Hằng, SJC còn dự kiến ra mắt sản phẩm mới được chế tác từ trầm hương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng hồ và kính mắt, kết hợp công ty du lịch…

Với nhiều kế hoạch kinh doanh đưa ra, SJC đặt mục tiêu sản xuất 31.692 lượng vàng miếng, gần 445.000 món nữ trang, tổng doanh thu dự kiến là 30.145 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 70,2 tỉ đồng, lần lượt tăng 6% và 15% so với thực hiện năm trước.

Nếu mục tiêu này đạt được, SJC sẽ có năm doanh thu kỷ lục và lợi nhuận cao nhất kể từ 2014 đến nay.

Bà Lê Thúy Hằng từng lý giải gì khi SJC lãi mỏng sau năm 2012?

Tại buổi họp báo diễn ra hồi tháng 5 năm nay, bà Lê Thúy Hằng cho biết từ khi trở thành thương hiệu quốc gia, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến nay Công ty SJC không được sản xuất và cũng không được nhập khẩu vàng. Công ty SJC chỉ được gia công các miếng vàng SJC móp méo dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.

"Bản thân vàng móp méo là các miếng vàng do Công ty SJC sản xuất trước đây. Thời gian qua, vàng đã tăng giá rất nhiều. Nhưng dù giá vàng miếng SJC có chênh với giá thế giới 15, 20, 30 triệu hoặc thậm chí là cao hơn thì tôi cũng khẳng định luôn là Công ty SJC và Ngân hàng Nhà nước không có lợi ích gì ở đây, vì như đã khẳng định ở trên, từ năm 2012 Công ty SJC không được nhập nguyên liệu và không được dập vàng miếng SJC", bà Hằng lúc đó giải thích.

Bà Hẳng cũng nhấn mạnh việc "độc quyền của SJC không mang lợi cho Công ty SJC hay một cá nhân, tập thể nào". Ngược lại, Công ty SJC luôn bị mang tiếng độc quyền để trục lợi. Do vậy từ thực tế vừa qua cho thấy cần cởi bỏ sự độc quyền này. Đồng thời cho phép tất cả các thương hiệu có đủ điều kiện đều có thể sản xuất vàng miếng để cạnh tranh công bằng.

Liên quan đến vấn đề nhân sự tại Công ty SJC sau khi bà Hằng cùng nhiều người bị bắt, website chính thức của Công ty SJC đã cập nhật ông Đào Công Thắng giữ chức quyền tổng giám đốc. Ông Trần Văn Tịnh làm chủ tịch hội đồng thành viên và ông Nguyễn Tiến Phước làm thành viên hội đồng thành viên.

Còn theo báo cáo của SJC, bà Lê Thúy Hằng nhận lương khoảng 547 triệu đồng/năm 2022 và 552 triệu đồng/năm 2023, mức này chỉ thấp hơn chủ tịch HĐTV Trần Văn Tịnh khoảng 20 - 30 triệu đồng.

Sếp ‘tổng’ SJC vừa bị bắt: Lương nửa tỉ/năm, từng phát biểu chú ý vụ độc quyền - Ảnh 2.Bộ Công an khởi tố bà Lê Thúy Hằng, cựu tổng giám đốc Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC và 5 thuộc cấp

Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - người phát ngôn Bộ Công an, liên quan vụ án tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), đến nay đã khởi tố 6 người về 2 tội danh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp