Giám sát y tế và doping của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên VĐV kiểm tra doping tại trận chung kết bóng chuyền trong nhà nam và nữ SEA Games 31 - Ảnh: TRỌNG HẢI
Xét nghiệm doping là công việc không thể thiếu trong bất cứ đại hội thể thao quốc tế nào.
Ai phải kiểm tra doping?
SEA Games 31 có sự tham dự của 5.000 VĐV đến từ 11 đoàn thể thao khu vực Đông Nam Á. Và có khoảng 10% VĐV đã được kiểm tra doping dựa trên hai yếu tố: thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú - giám đốc Trung tâm Doping và y học thể thao (Tổng cục TDTT) - cho biết công tác kiểm tra doping đã được tiến hành từ ngày 8-5 khi các môn thi đầu tiên của đại hội bắt đầu.
20 chuyên gia quốc tế đến từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... đã đến Việt Nam để giám sát, giúp Việt Nam tiến hành thực hành lấy mẫu trong những ngày đầu tiên.
Những ngày sau đó, khi công việc đã suôn sẻ, việc lấy mẫu chủ yếu là 145 cán bộ của trung tâm, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và sự hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên.
Do 40 môn thi của SEA Games 31 được tổ chức ở 12 tỉnh, thành phố nên có 35 trạm lấy mẫu kiểm tra doping được xác lập.
Không phải VĐV ra sân thi đấu có thành tích được chỉ định lấy mẫu kiểm tra doping, mà tên của VĐV đó đã có trong danh sách kiểm tra doping trước khi họ bước vào quá trình thi đấu. Tại SVĐ Mỹ Đình, trong 6 ngày diễn ra thi đấu môn điền kinh SEA Games 31, đã có hàng trăm VĐV được kiểm tra doping.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết cán bộ kiểm tra doping phải đến địa điểm hai tiếng trước khi cuộc thi đấu diễn ra. Khi cuộc thi kết thúc, họ phải ở lại để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Sau đó mẫu được bảo quản lạnh, đưa về kho lạnh tại Trung tâm Doping ở Hà Nội.
Cuộc thi đấu kết thúc lúc 21h - 22h đêm thì có khi đến 4h - 5h sáng hôm sau mẫu mới được cán bộ đưa từ các tỉnh về đến trung tâm để bảo quản. Nhiều cán bộ phải ăn ngủ tại cơ quan để sau đó tiếp tục di chuyển đến địa điểm thi đấu ngày hôm đó.
Cán bộ kiểm tra doping phải chứng kiến VĐV... đi tiểu
VĐV sẽ được lấy nước tiểu để kiểm tra doping, một số trường hợp phải lấy thêm mẫu máu để phục vụ những xét nghiệm phức tạp và chuyên sâu hơn.
Một VĐV tại SEA Games 31 có thể phải kiểm tra doping nhiều lần nếu như VĐV đó giành nhiều huy chương, chứ không chỉ một lần. Điều đặc biệt và tế nhị là cán bộ lấy mẫu (DCO) sẽ phải trực tiếp quan sát khi VĐV đi tiểu.
Ông Vũ Trọng Hải - phó phòng kế hoạch mẫu (Trung tâm Doping và y học thể thao) - cho biết theo quy định, DCO phải trực tiếp quan sát trận đấu, cuộc thi đấu và thực hiện thông báo ngay lập tức cho VĐV khi cuộc thi kết thúc về việc họ phải kiểm tra doping.
"Khi VĐV vào nhà vệ sinh để lấy mẫu nước tiểu, theo quy định, DCO cũng phải trực tiếp có mặt để chứng kiến việc VĐV lấy nước tiểu. Các DCO phải nhìn thấy khi nước tiểu đi ra khỏi cơ thể của VĐV. Việc này đòi hỏi DCO phải có nghiệp vụ tốt, cư xử hết sức nhẹ nhàng, khéo léo để VĐV có cảm giác thoải mái, không bị ức chế trong quá trình lấy mẫu", ông Hải chia sẻ.
Thực tế cũng có nhiều VĐV không thể đi tiểu được nên phải chờ cả tiếng đồng hồ để lấy cho bằng được mẫu nước tiểu xét nghiệm doping.
Lý do là trong khi thi đấu, VĐV bị vắt kiệt nước nên sau đó họ phải uống nhiều nước và chờ thời gian cho đến khi buồn đi tiểu. Cũng có những VĐV bị căng thẳng, áp lực khiến họ khó khăn trong việc lấy mẫu.
Bảo vệ mẫu như... áp tải tài liệu vụ án
Mẫu xét nghiệm doping của VĐV sau khi đã hoàn thành các thủ tục, quy trình thì được niêm phong và bảo quản lạnh đưa về lưu trữ tại kho lạnh Trung tâm Doping và y học thể thao ở Hà Nội. Suốt những tuần SEA Games 31 diễn ra, trung tâm sáng đèn cả ngày lẫn đêm để bảo quản mẫu.
Các mẫu kiểm tra doping sau đó sẽ được đơn vị vận chuyển quốc tế vận chuyển hằng ngày bằng đường hàng không sang Bangkok (Thái Lan) để tiến hành phân tích.
Với các mẫu máu, quá trình bảo quản không được kéo dài quá 48 giờ, nên hằng ngày nhân viên của Trung tâm Doping và y học thể thao sẽ phải trực tiếp mang các mẫu này từ Hà Nội "áp tải" đến phòng thí nghiệm tại Thái Lan.
Ban tổ chức SEA Games 31 đã phải làm việc với hải quan, Bộ Y tế để xin giấy kiểm dịch cho những mẫu xét nghiệm doping này được lên máy bay.
Bác sĩ Phú cho biết bảo vệ mẫu kiểm tra doping của VĐV không khác gì việc áp tải tài liệu của các vụ án. Nhân viên của trung tâm phải đảm bảo an toàn từ nơi đi đến nơi nhận, không được có bất cơ sơ sẩy, sai sót nào.
Dự kiến ngày 15-6, toàn bộ kết quả xét nghiệm doping của VĐV tại SEA Games 31 sẽ có và được công bố. Chi phí cho một mẫu xét nghiệm là từ 180 - 200 USD, chưa kể tiền vật tư, vận chuyển, nhân lực.
Hùng Dũng bốc thăm phải xét nghiệm doping
Sau trận bán kết U23 Việt Nam - U23 Malaysia, tiền vệ đội trưởng Đỗ Hùng Dũng phải kiểm tra doping.
Ông Vũ Trọng Hải chia sẻ: "Khi đọc báo tôi thấy có thông tin là vì Hùng Dũng chạy khỏe quá, suốt 120 phút mà không mệt nên bị kiểm tra doping, đây là thông tin không chính xác. Với những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền, ban tổ chức đã tiến hành cho VĐV bốc thăm để chọn ra người kiểm tra doping ngẫu nhiên.
Đội bóng đá nam, nữ trung bình có 2 VĐV mỗi đội phải kiểm tra doping. Hùng Dũng có tên trong danh sách kiểm tra doping trước khi trận đấu diễn ra, chứ không phải vì anh có dấu hiệu bất thường nên phải kiểm tra doping sau trận bán kết".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một VĐV giành HCV SEA Games 31 chia sẻ: "Tham dự nhiều cuộc thi quốc tế nên tôi đã quen với việc kiểm tra doping. Cứ thi đấu có thành tích là kiểm tra doping, dù có mất thời gian nhưng đó là cách đảm bảo công bằng cho các cuộc thi. Tại SEA Games 31, tôi cũng phải kiểm tra doping và mọi việc diễn ra vô cùng thuận lợi".
Công tác kiểm tra doping của Việt Nam tại SEA Games 31 được đánh giá hiệu quả và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Phú cho biết sau khi đại hội kết thúc, nhiều chuyên gia và các đoàn thể thao quốc tế đã gửi thư và viết thư tay ngợi khen chủ nhà Việt Nam trong công tác kiểm tra doping.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận