Các bạn trẻ hát karaoke - Ảnh: DUYÊN PHẠM |
Cụ thể như quy hoạch quán karaoke, quy hoạch bán lẻ rượu bia...Đó là nội dung cuộc họp báo công bố dự thảo Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tổ chức ngày 10-7.
Quá nhiều quy hoạch chất lượng thấp
Theo ông Vũ Quang Các - vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Bộ KH-ĐT, khi soạn thảo Luật quy hoạch theo nghị quyết Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đã thống kê VN đã có tới 19.285 bản quy hoạch, trong đó “có địa phương có tới 200 bản quy hoạch”. Đặc biệt, ông Các tiết lộ chỉ riêng kinh phí việc làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên tới gần 8.000 tỉ đồng.
Thực tế các bản quy hoạch thời gian qua được thay đổi liên tục cũng được ban soạn thảo Luật quy hoạch đề cập. Đại diện ban soạn thảo, ông Các công nhận “điều chỉnh quy hoạch có thể theo thời kỳ, thậm chí nhiệm kỳ. Ngành nào lập quy hoạch ngành đó, thiếu phối hợp”.
Cũng do Nhà nước muốn quản lý tất cả nên theo ông Các, quy hoạch đã được các cơ quan chức năng lập ra ở gần như tất cả ngành nghề. Bên cạnh đó, có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan quy hoạch với 70 luật, pháp lệnh...
Tại buổi họp báo, đại diện một cơ quan của Bộ KH-ĐT tiết lộ có doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng nhà máy chè, nhưng cuối cùng địa phương không cho phép nhà máy chế biến hoạt động vì không phù hợp quy hoạch. Doanh nghiệp mất vốn, phải phá sản. Khi hỏi chủ tịch UBND tỉnh thì nhận được câu trả lời là sợ tranh mua tranh bán với doanh nghiệp nhà nước.
Với nhiều bất cập như thế, ông Các nêu Trung ương Đảng đã có nghị quyết yêu cầu làm Luật quy hoạch đồng thời khẳng định: luật mới sẽ xóa bỏ tất cả loại quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể để chuyển sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh một cách công khai minh bạch, đúng thông lệ quốc tế.
Ông Các dẫn chứng hàng loạt quy hoạch sẽ không còn phù hợp như: quy hoạch số lượng doanh nhân xuất khẩu gạo, hay quy hoạch hệ thống bán lẻ rượu bia, nước giải khát xem vùng này được bao nhiêu cái.
Trả lời riêng Tuổi Trẻ, ông Các khẳng định nếu dự thảo Luật quy hoạch được thông qua thì khi có hiệu lực, những quy hoạch kiểu trên đương nhiên sẽ bị bãi bỏ. “Dự thảo đã được 20/20 bộ góp ý, 48/63 địa phương có văn bản góp ý, cơ bản đều đồng tình” - ông Các nói.
Ngăn chặn xin - cho, lợi ích nhóm
Tại buổi họp báo, ông ĐẶNG HUY ĐÔNG, thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đã trực tiếp trả lời những câu hỏi của báo chí. Theo ông Đông, thiết kế lớn nhất của luật chính là “xóa bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể”.
* Việc bỏ quy hoạch sản phẩm cụ thể sẽ đụng chạm đến nhiều cơ quan. Khi làm, Bộ KH-ĐT có gặp khó khăn gì không?
- Chúng tôi khuyến nghị không làm quy hoạch ngành hoặc sản phẩm cụ thể nữa. Quy hoạch làm bao nhiêu tấn cá tra, bao nhiêu hecta tôm thì không phù hợp. Cái đó do nhu cầu thị trường quyết. Nếu có thị trường, còn ao hồ thì thị trường sẽ điều phối. Các quy hoạch đó dẫn đến thị trường biết trước quy mô sản phẩm chỉ có bấy nhiêu, ai muốn thêm phải chạy vạy để nới thêm, như cho mở thêm nhà máy ximăng chẳng hạn... Chắc chắn nhiều cơ quan hỏi: vậy quản lý bằng cái gì?
Chúng tôi cho rằng khi đó có thể chuyển sang quản lý bằng điều kiện sản xuất kinh doanh. Như muốn nuôi tôm phải đảm bảo dòng chảy, môi trường, chất lượng sản phẩm... Chứ như quy hoạch quán karaoke, tại sao lại bảo chỗ này được hai quán, chỗ kia không được?
Nên chuyển sang điều kiện để được mở chứ không phải bao nhiêu cái. Nếu dư thừa, bị lỗ, họ sẽ tự đóng.
Cái này Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu không còn quy hoạch ngành, sản phẩm nữa.
* Bộ KH-ĐT có đưa cụ thể ngành nào được làm quy hoạch không bởi nếu không sẽ vẫn lách được?
- Khi làm luật, chúng tôi đã cố gắng rà soát, xem quy hoạch nào thật sự cần để phục vụ quản lý, phát triển đất nước. Cuối cùng, chúng tôi đã “chốt” được còn 21 bản quy hoạch cụ thể được phép làm, trong đó có quy hoạch hệ thống đường bộ, đường thủy quốc gia; quy hoạch hệ thống cảng biển, quy hoạch hạ tầng du lịch...
Tinh thần là chỉ cái gì sử dụng đến tài nguyên hữu hạn như mặt đất, tài nguyên... thì phải vẽ ra quy hoạch xem cái gì dùng ít đất nhất, hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, nếu chốt cứng vào luật thì có thể làm mất tính linh hoạt. Nên chúng tôi tính toán đưa danh mục 21 loại quy hoạch được làm vào dự thảo nghị định của Chính phủ. Việc chốt vào luật hay để Chính phủ quy định sẽ do Quốc hội quyết định.
* Làm sao để nâng cao chất lượng quy hoạch, tránh quy hoạch kém khả thi, lại phải thay đổi xoành xoạch? Giải pháp nào để tránh được nhóm lợi ích như kỳ vọng của Bộ KH-ĐT?
- Dự thảo luật quy định trung ương sẽ có Hội đồng Quy hoạch quốc gia. Khi làm quy hoạch, các cơ quan sẽ phải ngồi cùng nhau chứ không phải làm đơn lẻ. Để ra bản quy hoạch không chỉ chuyên gia ngành đó tự vẽ ra, theo ý chủ quan mà phải đưa ra hội đồng để các cơ quan cùng góp ý. Chứ không phải khi triển khai thực hiện mới thấy vướng.
Chúng tôi không khẳng định đã có nhóm lợi ích khi làm quy hoạch, nhưng giả sử có chuyện đó tới đây sẽ không dễ. Nếu tác động chỉ một nhóm nhỏ thì dễ, chứ tác động cả chục cơ quan thì không thể.
* Gần đây dư luận nói đến quy hoạch báo chí, như dự thảo luật thì không thể đưa báo chí vào quy hoạch? Làm sao để tránh những quy hoạch các bộ đưa ra chồng chéo như Bộ Công thương vừa loại chợ Long Biên khỏi quy hoạch?
- Đưa một loại ngành, sản phẩm vào quy hoạch thì có người bảo cần, người bảo không cần. Tất cả đều chủ quan. Chúng tôi đưa ra nguyên lý mang theo thông lệ thế giới: cái gì không gắn với mặt đất, không gian, tài nguyên... thì kiến nghị chuyển sang đề án, chương trình.
Thời gian qua có nhiều dạng quy hoạch phi vật thể. Tôi không phán xét quy hoạch của bộ này có đúng không. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật quy hoạch thì nhiều quy hoạch sản phẩm, ngành hoàn toàn có thể chuyển sang đề án phát triển mà vẫn bao hàm các biện pháp quản lý.
Báo chí cũng là sản phẩm cung cấp dịch vụ theo yêu cầu thị trường. Thị trường yêu cầu cái này nhiều hơn, cái kia ít hơn thì thị trường điều chỉnh. Ban hành điều kiện để hoạt động thì không nhất thiết phải là quy hoạch.
Tháng 10-2015 sẽ trình Quốc hội Theo dự thảo Luật quy hoạch, sẽ chỉ được phép điều chỉnh quy hoạch khi: chiến lược phát triển có điều chỉnh; tác động của thiên tai, chiến tranh; do biến động bất thường kinh tế - xã hội; do điều chỉnh quy hoạch cấp cao hơn hoặc có sự thay đổi địa giới hành chính; do sự phát triển của khoa học, công nghệ và các điều kiện đảm bảo quốc phòng an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia tác động đến việc thực hiện quy hoạch. Ông Vũ Quang Các cho biết: “Dự án Luật quy hoạch đến nay đã hoàn thành, đang được Bộ Tư pháp thẩm định và trong tháng 7-2015 sẽ báo cáo Chính phủ. Tháng 10-2015 sẽ trình Quốc hội”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận