Nghệ sĩ Hải Phượng trình diễn đàn bầu trong một dịp hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng - Ảnh: T.T.D.
Đàn bầu là cây đàn độc đáo có một không hai của dân tộc Việt, từ hình dáng, cấu tạo, tính năng, cách chơi đến âm thanh đều rất độc đáo, không giống bất cứ nhạc cụ nào trên thế giới, cho dù nhiều quốc gia cũng có đàn một dây.
PGS.TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Hội thảo kéo dài cả ngày 22-11 tại Hà Nội do Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức. Ông Trần Hải Đăng - phó viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - cho biết hội thảo này là tiền đề để tiếp theo cho một hội thảo quốc tế về cây đàn bầu.
Đây là những nỗ lực của viện, Bộ VH-TT&DL để xây dựng hồ sơ khoa học tiến tới xây dựng hồ sơ di sản cho đàn bầu, trước tiên là di sản quốc gia, sau đó là di sản thế giới.
Cây đàn độc đáo có một không hai
Theo thạc sĩ, NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm, trên thế giới, cây đàn một dây có ở nhiều quốc gia, nhưng đều dừng lại ở mức độ khá đơn sơ. Duy chỉ có cây đàn bầu của người Việt là phát triển ở trình độ cao với kỹ thuật diễn tấu đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc.
Trong hệ thống nhạc cụ truyền thống, nó có vị trí rất đặc biệt, nhất là từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (tháng 8-1945), tiếp đó là việc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), cây đàn đã được đưa vào giảng dạy, học tập một cách chính quy.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ đã viết nhiều bản giao hưởng cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng, âm thanh của đàn bầu phát ra gần gũi với giọng nói của con người (người Kinh) về độ rung, âm vực, luyến láy, có khả năng mô phỏng các cung bậc cao thấp của 6 âm ngữ trong tiếng Việt là: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, không.
Đàn bầu là nhạc cụ của giai điệu, thiên về trữ tình, ngân nga, êm đềm, rất phù hợp với tình cảm nỉ non của người Việt nên trong âm nhạc cổ truyền của người Việt nó luôn đóng vai trò bè chính trong các hình thức diễn tấu: độc tấu, hòa tấu, thậm chí đệm cho hát...
Nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định đàn một dây hay độc huyền cầm thì nhiều dân tộc, nhiều quốc gia có, nhưng đàn bầu Việt Nam khác với các loại đàn một dây của các dân tộc, quốc gia khác ở chất liệu tạo nên và âm chất của nó.
"Hình ảnh quả bầu trong đàn bầu thật giản dị, gắn liền với đời sống nông dân, sản xuất nông nghiệp nước ta từ lâu đời. Còn âm chất bội âm của đàn bầu phong phú, diệu kỳ như giọng nói, tiếng hát, lời ru của người Việt vậy" - nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh nói.
Đàn bầu khác đàn một dây của Trung Quốc
Về việc gần đây "nước ngoài nhận nhầm hoặc cố tình nhận nhầm" đàn bầu là của họ, nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh đưa ra nhiều minh chứng phản bác mạnh mẽ từ chính những tài liệu của nước ngoài.
Ông cho biết tại Trung Quốc, Hà Thiệu là người đầu tiên nghiên cứu về độc huyền cầm. Người này nổi tiếng diễn tấu sáo trúc từ năm 16 tuổi, được tuyển vào đoàn văn công dân tộc tự trị huyện Đông Hưng. Từ thập kỷ 1960, Hà Thiệu được cử đến thụ giáo nghệ nhân đàn bầu của dân tộc Kinh là Tô Thiện Huy.
Trong các bài viết của mình, ông Hà Thiệu cho rằng tuy độc huyền cầm ở Việt Nam là nhạc khí có tính chất đại biểu, tượng trưng cho quốc nhạc Việt Nam, nhưng Việt Nam thời xưa có giai đoạn bị Bắc thuộc, cho nên độc huyền cầm nên hiểu là từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam. Nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh khẳng định đây là cách suy diễn khiên cưỡng, quan điểm học thuật này mâu thuẫn với chính bản thân Hà Thiệu.
Bởi chính ông này thừa nhận rằng khoảng năm Gia Tĩnh đời Minh (năm 1522 - 1566), người Kinh đã mang vào đất Trung Nguyên bào cầm (đàn bầu). Bào cầm - đàn bầu chính là cây đàn bản địa Việt Nam đã được các ngư dân vùng Đồ Sơn, Hải Phòng đưa sang Trung Quốc đầu thế kỷ 16.
Còn các cây đàn "độc huyền cầm", "nhất huyền cầm", đàn một dây mà các học giả Trung Quốc dẫn trong sử sách Trung Quốc là những loại đàn một dây kiểu khác - khác về hình thể, khác về kết cấu, về chất liệu cấu tạo và đương nhiên về sắc thái âm thanh.
Một học giả khác của Trung Quốc - nhạc sĩ Vương Năng - giám đốc Nhà Nghệ thuật quần chúng thành phố cảng Phòng Thành, khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây - lại cho rằng độc huyền cầm (ý nói đàn bầu) là nhạc khí dân tộc Việt Nam, người Kinh di cư mang theo, cho nên sự xuất hiện của độc huyền cầm ở Trung Quốc tất nhiên cũng là do người Kinh đưa vào Trung Quốc.
"Đàn bầu Việt Nam là loại nhạc khí một dây do người Việt Nam tạo ra, mang đặc trưng văn hóa bản địa đang đứng trước nguy cơ bị nước ngoài nhận nhầm hoặc cố tình nhận nhầm là sản phẩm của họ. Rất may, giới học giả Trung Quốc còn có những người có bản lĩnh, không a dua, nghiêm túc tôn trọng lịch sử, quan điểm rạch ròi" - nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh nói.
Hòa tấu tứ tuyệt - kìm, cò, tranh, độc
Khẳng định đàn bầu hoàn toàn thuần Việt, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết từ lâu đàn bầu gắn bó hữu cơ với hát xẩm (nên còn được gọi là đàn xẩm), với nhạc thính phòng Huế, nhạc lễ, cải lương Nam Bộ...
Nó là loại nhạc cụ gắn bó với các thể loại âm nhạc cổ truyền của Việt Nam như hình với bóng. Trong khi đó, độc huyền cầm của Trung Quốc hiện nay là đàn điện và đánh nhạc cải biên, không có một sự gắn bó mật thiết với âm nhạc truyền thống của Trung Quốc.
Đàn bầu cũng nằm trong hòa tấu tứ tuyệt là kìm, cò, tranh, độc (đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu - độc huyền cầm). Cho nên việc cây đàn bầu là của người Việt tưởng không có gì phải bàn cãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận