Xét nghiệm COVID-19 với người dân sống trong khu vực bị phong tỏa tại Đà Nẵng ngày 31-7 - Ảnh: ANH PHIỆT
* Liệu Đà Nẵng có thể làm xét nghiệm COVID-19 cho toàn dân không? Những ai sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước?
(Lê Bản - Đà Nẵng)
- Bác sĩ Tôn Thất Thạnh (giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng) cho biết hiện chưa có chủ trương xét nghiệm toàn dân. Việc xét nghiệm COVID-19 chỉ thực hiện đối với người tiếp xúc gần bệnh nhân dương tính và người dân có các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phương pháp xét nghiệm được áp dụng cho những đối tượng này là Real-Time PCR.
Khi người dân có các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở cần liên hệ và đến ngay trung tâm y tế các quận huyện nơi sinh sống để làm xét nghiệm. Trong quá trình này, người bệnh phải có ý thức tự cách ly. Kể cả với những người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 cũng nên tự cách ly 14 ngày.
Bác sĩ Thạnh khuyến cáo mọi người dân Đà Nẵng đều nên tự cách ly, hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay. Tự khai báo y tế và đến ngay các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh
* Đến sáng 31-7 đã có 9 cơ sở y tế ở Đà Nẵng được ghi nhận có liên quan những ca nhiễm COVID-19. Nhiều bệnh viện bị phong tỏa, cách ly. Vậy những người đau ốm những bệnh thông thường ở Đà Nẵng trong thời gian này sẽ chạy chữa ở đâu?
(Nhiều bạn đọc)
- Sở Y tế Đà Nẵng: Hiện nay có 3 nơi bị phong tỏa là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng; riêng Bệnh viện Hoàn Mỹ thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Nếu bệnh nhân mắc các bệnh nhẹ thông thường (không có triệu chứng COVID-19) sẽ được chuyển điều trị tại các bệnh viện không phong tỏa và các trung tâm y tế tuyến quận/huyện theo đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu.
Nếu tính chất bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của y tế tuyến quận, huyện cần phải chuyển lên tuyến trên, tùy tình trạng bệnh có thể chuyển tuyến đến các bệnh viện đa khoa như Bệnh viện Quân y 17, Bệnh viện 199 Bộ Công an hoặc các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối của thành phố như Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, Bệnh viện Y học cổ truyền...
Ngoài ra, khối bệnh viện tư ở Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều cơ sở y tế chất lượng, như Bệnh viện Gia Đình, Bệnh viện Tâm Trí, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng...
Ai được ưu tiên xét nghiệm?
Nhân viên y tế xét nghiệm người từ Đà Nẵng trở về từ ngày 1-7 tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Để khoanh vùng dập dịch, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó truy vết và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Đến nay đã tiến hành lấy hơn 12.000 mẫu xét nghiệm liên quan đến COVID-19, trong đó tập trung vào các đối tượng có biểu hiện của bệnh và nhóm dân cư nơi có ca dương tính với virus corona.
TP.HCM: vì sao hơn 3 ngày vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm?
* Người nhà tôi có đến Đà Nẵng và Quảng Nam từ ngày 24-7 đến 26-7, khi về đã được xét nghiệm COVID-19 sáng 28-7 nhưng đến nay chưa nhận kết quả. Trạm y tế phường giải thích là những người có kết quả âm tính sẽ được thông báo sau, những ai có kết quả dương tính sẽ được thông báo gấp. Xin cho biết quy trình trả kết quả xét nghiệm về xã phường ở TP.HCM hiện như thế nào?
(KIM HOÀNG - Q.Bình Tân, TP.HCM)
- Bà Đinh Thị Hải Yến, phó khoa truyền thông - giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC): Khi có kết quả xét nghiệm COVID-19, HCDC sẽ trả kết quả xét nghiệm về cho trung tâm y tế quận, huyện. Trung tâm y tế quận, huyện sẽ chuyển kết quả xuống các trạm y tế phường xã để trả kết quả cho người dân.
Hiện nay hằng ngày HCDC nhận được một lượng mẫu xét nghiệm COVID-19 lớn nên sẽ mất thời gian để thực hiện xét nghiệm, chứ không phải kết quả xét nghiệm dương tính thì được trả nhanh, còn nếu phải đợi kết quả lâu có nghĩa là kết quả xét nghiệm âm tính. Các trường hợp nghi nhiễm sẽ được HCDC ưu tiên làm xét nghiệm trước.
Trong thời gian này dù kết quả âm tính người dân vẫn phải tự cách ly đủ 14 ngày và làm theo thông báo và hướng dẫn của trạm y tế.
TTHÙY DƯƠNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận