Ngày 6-3, hội thảo về thống nhất quy định chính tả trong sách giáo khoa phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia từ Viện Ngôn ngữ học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các trường đại học.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - cho biết:
- Dự thảo quy định về chính tả trong sách giáo khoa (SGK) phổ thông được thảo luận góp ý để ban hành vào thời điểm các cá nhân, tổ chức tiến hành biên soạn SGK mới. Ban soạn thảo chúng tôi muốn tham mưu để bộ ban hành quy định dưới hình thức thông tư. Tuy nhiên, chắc còn phải báo cáo, xin phép Chính phủ.
Nếu được Chính phủ chấp thuận thì thông tư sắp ban hành sẽ là văn bản pháp quy cao hơn so với các quy định, quy định tạm thời của Bộ GD-ĐT trước đây áp dụng trong việc biên soạn SGK, trong hoạt động dạy học ở các nhà trường.
Giữ nguyên tên người, tên địa lý Việt Nam
* Nội dung dự thảo quy định chính tả trong những trường hợp cụ thể nào?
- Dự thảo quy định cách viết tên người, tên địa lý, tên tổ chức tiếng Việt; tên người, tên địa lý, tên tổ chức tiếng nước ngoài; tên các ngày lễ, tết; thuật ngữ chuyên ngành khoa học... Cũng cần có quy định về vị trí đặt dấu thanh, về cách viết âm "i" sau các chữ k, h, l, m, s và t trong những âm tiết mở như viết là "kĩ thuật" hay "kỹ thuật", "hi vọng" hay "hy vọng", "hợp lí" hay "hợp lý"...
* So với các văn bản đã ban hành và hiện vẫn đang áp dụng trong SGK hiện hành, quy định trong các trường hợp trên có gì thay đổi?
- Đối với tên người, tên địa lý Việt Nam thì dự thảo giữ nguyên các quy định hiện hành. Tên người, địa lý nước ngoài sẽ được viết nguyên dạng, chuyển tự hoặc sử dụng tên tiếng Anh đối với những trường hợp không viết nguyên dạng hay chuyển tự được. Đó là cách viết đã có từ văn bản "Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt" của Bộ Giáo dục do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký năm 1984.
Về tên tổ chức, sẽ tiếp tục áp dụng quy định viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi bộ phận tạo thành tên, có tác dụng phân biệt tên tổ chức đó với tổ chức khác, như trong "Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong SGK" do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai ký năm 2003. Ví dụ "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".
Về cách viết âm "i" sau các chữ k, h, l, m, s và t trong những âm tiết mở, dự kiến giữ nguyên quy định hiện hành. Dấu thanh sẽ quy định đặt ở âm chính.
GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới
* Ông có thể giải thích thêm về lựa chọn cách viết tên nước ngoài, khi không áp dụng theo quy định gần đây mà theo quy định có trước đó, như quy định năm 1980?
- Về tên người, địa lý nước ngoài, việc phiên âm sẽ khiến học sinh gặp trở ngại khi tra cứu tài liệu, thông tin nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Vì thế, chúng tôi thấy để nguyên dạng là hợp lý. Nhưng quy định này áp dụng cho chương trình SGK phổ thông nên chúng tôi vẫn phải tính đến những trường hợp đặc biệt.
Ví dụ với SGK cho các lớp 1, 2, 3, tên người, địa danh nước ngoài vẫn phải phiên âm. Đến lớp 4, lớp 5 thì bên cạnh tên được phiên âm có chua nguyên dạng để học sinh làm quen dần. Từ THCS đến THPT, SGK sẽ viết nguyên dạng tên người, tên địa lý nước ngoài.
* Như vậy thống nhất nhưng vẫn có trường hợp phải linh hoạt?
- Không. Bởi vì ngay những trường hợp ngoại lệ này cũng sẽ được quy định. Tôi có thể nêu một ngoại lệ khác. Đó là về nguyên tắc thì tên riêng nước ngoài cần được viết nguyên dạng, chuyển tự hoặc viết theo cách viết trong tiếng Anh. Nhưng một số tên được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà đã quen dùng như Hắc Hải, Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Bắc Kinh, Đỗ Phủ, Lý Bạch thì được giữ nguyên.
Theo từ điển của Viện Ngôn ngữ học
* Trong chương trình - SGK sẽ phải sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, thuật ngữ khoa học (môn hóa học, vật lý). Vậy dự thảo lựa chọn cách viết thống nhất như thế nào?
- Trong trường hợp tiếng Việt đã có sẵn thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ tiếng nước ngoài hoặc việc dịch thuật ngữ sang tiếng Việt bảo đảm dễ hiểu thì sử dụng thuật ngữ tiếng Việt. Ví dụ: tam giác, tam giác đều, tam giác cân; sắt, đồng, chì, bạc, vàng; khuếch tán, thăng hoa, ngưng tụ, kết tủa...
Tuy nhiên, đối với những thuật ngữ có tính hệ thống, tính sản sinh cao (tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc) hoặc thuật ngữ dẫn chiếu đến các ký hiệu, công thức thông dụng thì cần viết nguyên dạng.
* Ngoài quy định viết hoa, quy định viết tên riêng, thuật ngữ, trong tiếng Việt hiện đang tồn tại nhiều cách viết khác nhau và cùng được cho là đúng. Trường hợp này có được quy định thống nhất không?
- Trong tiếng Việt có một số trường hợp tồn tại hai cách viết khác nhau như "dập dờn" hay "rập rờn", "sum suê" hay "xum xuê"... Những trường hợp như thế này khá nhiều, không thành quy tắc, cho nên tốt nhất là áp dụng theo từ điển của Viện Ngôn ngữ học.
* Như vậy quy định cách viết thống nhất như thế nào cũng rất phức tạp và động chạm đến nhiều quy định, thói quen, tập quán... Liệu dự thảo này của Bộ GD-ĐT có gây tranh cãi không?
- Chính vì phức tạp nên càng cần có sự quy định thống nhất. Phạm vi áp dụng quy định này là SGK. Có cơ sở để hi vọng rằng từ nhà trường, dần dần những quy định hợp lý sẽ lan tỏa ra xã hội.
Có gây xáo trộn?
* Điều chỉnh của Bộ GD-ĐT liệu có gây xáo trộn không, nhất là liên quan trực tiếp đến chương trình - SGK mới sắp thực hiện?
- Bộ GD-ĐT ban hành quy định chỉ liên quan đến chính tả trong SGK, tránh tình trạng mỗi bộ SGK viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy học. Trong lịch sử đã từng có nhiều văn bản của Bộ GD-ĐT ở các thời điểm khác nhau, hoặc của cơ quan khác ban hành. Giữa các văn bản này, kể cả văn bản của Bộ GD-ĐT ở các thời điểm khác nhau, có những quy định thống nhất nhưng cũng không ít quy định không thống nhất. Một số quy định không còn thích hợp trong bối cảnh hiện tại. Vì thế, việc có một quy định có tính pháp lý để thống nhất chính tả trong SGK là cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận